Dân Việt

5 năm là 5 cái Tết làm dâu, cứ nghĩ đến đã thấy… hoảng

13/02/2013 13:05 GMT+7
Dân Việt - Lại một cái Tết đã về. Tôi đã làm dâu nhà anh được 5 năm. Năm năm không phải là thời gian dài nếu so với cả cuộc đời nhưng với tôi, 5 năm là 5 cái Tết mà cứ nghĩ đến thôi tôi đã thấy… hoảng rồi.

Ngày tôi quyết định lấy anh, tôi chỉ cần biết anh có thể là người chồng tốt, là người cha tốt của các con tôi chứ không tính đến một vấn đề cũng quan trọng không kém, đó là phải hòa hợp được với nhà chồng và đặc biệt là thích nghi phong cách sống của gia đình chồng.

img
Lấy chồng đã lâu, tôi vẫn hoảng hồn mỗi khi Tết về - Ảnh minh họa

Tết người ta thường lo toan chuyện tiền bạc để còn lễ tết cha mẹ họ hàng, mua sắm cho ngày Tết. Rồi tiền lì xì đầu năm. Đó là việc hầu như ai cũng phải làm. Tết ở nhà chồng, ngoài những lo toan đó, tôi sợ nhất là cúng giỗ, cơm nước trong những ngày Tết.

Chúng tôi chọn cưới vào thời điểm "năm cùng, tháng tận" như các cụ vẫn nói, vì thế, chưa kịp học cách làm vợ và làm dâu, tôi đã phải ghi nhớ các thủ tục ngày Tết của nhà chồng.

Ngày trước ở với bố mẹ rồi đi học đi làm, tôi chỉ nhớ mang máng, ngày 28 là nấu bánh chưng, rồi làm tất niên. Tối 30 Tết thì mổ gà cúng giao thừa nhưng thú thật, tôi là con út nên cũng không phải động tay vào việc gì. Mọi thứ đã có mẹ và chị làm giúp. Vì đêm giao thừa thường thức rất muộn nên sáng mùng Một Tết, chúng tôi được dậy muộn hơn mọi khi, coi như cả năm vất vả thì ngày đầu năm mới được thảnh thơi với niềm hi vọng cả năm nhàn hạ.

Thế nhưng, nhà chồng tôi thì lại khác hẳn. Tối 21 tháng chạp âm lịch mẹ chồng tôi dặn: mai là giỗ bà con ạ. Thế đồng nghĩa với việc tôi phải sắp xếp công việc, xin nghỉ nửa ngày ở cơ quan còn về làm cơm, chứ mình mẹ chồng tôi xoay sở sao được.

Qua ngày 22 thì đến 23, là ngày ông Công ông Táo. Trước ở nhà bố mẹ, tôi thấy việc này rất đơn giản, nấu chè thắp hương tiễn ông Táo về trời. Còn nhà chồng tôi thì ngoài nấu chè cúng còn có mâm cơm đủ cả. Vậy là tôi lại phải xin nghỉ nửa ngày làm nữa.

Qua 23 thì đến 25 giỗ bác, rồi 27 tất niên, 29 lễ tạ. Nhất là ngày 30, ngoài việc tất bật dọn dẹp nhà cửa thì đến chiều là phải chuẩn bị mâm cơm cúng trước giao thừa. Rồi mổ gà nấu xôi cúng khi trời đất chuyển mình sang năm mới. Trong khi mọi người xem ti vi thì cả tối 30 tôi lục sục trong bếp.

Giao thừa mà tôi không khỏi than thở với chồng. Chồng tôi nói lại: Có làm một chút chứ gì đâu mà than vất vả. Ừ thì đúng, chồng tôi nhìn thì chỉ thấy một chút vì có làm đâu. Nhưng tôi thì dã chiến cơm cơm nước nước suốt cả 10 ngày trời rồi.

Nhưng chưa hết, sáng mùng Một Tết, tôi hồn nhiên ngủ đến 6h30 sáng. Vừa bước chân xuống tầng một thì thấy mẹ chồng tôi bưng mâm cơm cúng lên. Tôi ngây thơ hỏi: Mới sáng sớm đã cúng cơm rồi ạ! Chắc mùng Một Tết nên mẹ chồng tôi chả nỡ mắng nhưng cũng không được vui vẻ: Mời các cụ về mà không mời cơm các cụ à?.

Tôi chạy vội lên phòng có phần trách móc chồng rằng không nói cho tôi biết và nhà tôi hình như là không làm vậy (hoặc làm vậy mà tôi không để ý nữa). Mùng Hai cũng vậy. Mùng Ba thì lễ tạ hóa vàng tiễn các cụ. Đấy là chưa kể mấy ngày Tết, cứ mở mắt ra là nấu nướng dọn dẹp, cả ngày khách khách khứa khứa.

Ngày Tết mà tôi chả đi chơi đâu. Quần xắn móng lợn, người đầy mùi thức ăn. Đến mùng Bốn Tết thì được chồng đưa về quê ngoại hai hôm. Mùng Sáu đi làm cơ quan ai ai cũng hỏi, mới lấy chồng mà trông phờ phạc thế. Tôi chả biết tâm sự thế nào. Chỉ biết, nghĩ đến Tết…mà ngán ngẩm.

Tết năm thứ hai, chẳng biết vô tình hay cố ý mà 30 Tết tôi lăn ra ốm, phải nằm im một chỗ. Chồng tôi suốt ngày 30 hôm ấy làm thay những việc Tết năm ngoái tôi đã làm (trước đây khi tôi chưa về làm dâu thì đêm ba mươi chị dâu phải lo việc này). Gần giao thừa, chồng tôi chạy lên phòng với gương mặt có phần mệt mỏi than: Sao mà phải làm lắm thứ thế không biết. Tôi cười lớn và không quên nhắc: Đấy là anh mới lo Tết có một ngày. Chồng chẹp mồm công nhận: Giờ mới thấy thương mẹ, thương vợ.

Một cái Tết nữa lại đến và còn nhiều cái Tết của phận làm dâu, làm vợ chờ đón tôi. Giờ tôi hơn 30 tuổi, không còn bỡ ngỡ như ngày đầu chân ướt chân ráo về làm dâu, cũng đã quen với việc giỗ Tết trong gia đình chồng. Qua ngày mùng Một rồi, dù có sự giúp đỡ của chồng, tôi vẫn toát mồ hôi… khi nghĩ đến Tết.