Mồng 1 Tết Quý Tỵ, nhà thơ Trần Đăng Khoa có cuộc “hội thoại” chúc Tết nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng. Như mọi năm, họ hay nhắn tin với những lời trân trọng về tình cảm dành cho nhau giữa mùa cỏ hoa đâm chồi nảy lộc.
Trần Đăng Khoa (trái) và Nguyễn Thanh Mừng |
Năm nay, “điện đàm” đột nhiên khởi sắc thêm bởi bài thơ GÁI SƠN LA MỜI RƯỢU TRAI BÌNH ĐỊNH đăng trên tờ Văn nghệ Xuân Quý Tỵ, Trần Đăng Khoa đề tặng Nguyễn Thanh Mừng: “Biển và trời Bình Định/Sóng sánh màu Sơn La/Ngổn ngang bao ngọn núi/Ngả nghiêng trong… góc nhà/Ánh trăng vàng Ghềnh Ráng/Tan trên đỉnh Cốc Pài/Chỉ còn Thần với Thánh/Bồng bềnh dưới đáy chai/Thoắt rồi bao đau khổ/Chẳng còn là khổ đau/Kìa, biển trời chếnh choáng/Ngắm chúng mình… uống nhau”…
Cơ duyên bài thơ này từ một… hội nghị. Đó là vừa rồi, với “ngôi vị” hàm thứ trưởng (Phó Bí thư trực Đảng ủy Đài Tiếng nói Việt Nam), Trần Đăng Khoa đã cùng lãnh đạo và phóng viên các đơn vị trực thuộc, 9 Đài PTTH về dự Hội nghị cộng tác viên Khu vực duyên hải Miền Trung năm 2012 tại Quy Nhơn.
Các buổi chiêu đãi, tất nhiên, cái bàn có lãnh đạo Đài và lãnh đạo Bình Định, luôn có hai nhà thơ, và các em gái trẻ đẹp xinh tươi của núi rừng Tây Bắc đều “ưu tiên” tập trung mời rượu.
Nghe nói, trước tiên, người Bình Định mời quan khách mấy vòng Bàu Đá. Đột nhiên, các em Sơn La lôi từ trong túi thổ cẩm ra rượu ngô bổn Tây Bắc, loại rượu mà người bản địa bảo “Có tiền cùng tiêu/Có thịt cùng ăn/Có rượu cùng uống” hay “Gặp người là gặp bạn/Gặp bạn là gặp rượu/Gặp rượu mới là gặp nhau”…
Nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng còn là nhà folklore (bạn bè hay gọi trại là phôn-cờ-lò), anh đi khắp nơi, cũng ang áng biết một số phong tục rượu. Như “luật” uống miền đất Tây Bắc vô cùng phong phú, hấp lực: vòng tay qua nhau, tay kề vai chạm, trao cho nhau chén rượu đầu môi; hoặc khi mình nghe thấy họ hô “hảo ảnh” mà mình uống còn thừa một giọt, sẽ phạt vạ một chén,...
Đại loại, “pay nhé” có nghĩa là người chúc sẽ uống hai chén với bạn; sau khi uống xong bạn phải giữ nguyên chén trên tay để người chúc rót cho bạn để uống tiếp chén thứ hai; “pay nhé lẻ” 3 chén; “ko pông” 3 chén; rồi bắt tay bắt chân đủ cả, niềm nở tự hào văn hóa rượu hùng vĩ và bi tráng như núi rừng hào hiệp,...
Hai nhà thơ Trần Đăng Khoa và Nguyễn Thanh Mừng (ngồi giữa) cùng khách mộ điệu |
Không biết những nàng Hoa Ban, Hoa Đào, Hoa Mơ, Hoa Mận, Hoa Nhạn Lai Hồng vân vân của sương khói Tây Bắc mời mọc “đoàn kết thắm thiết” như thế nào mà Trần Đăng Khoa hứng khởi ứng tác ngay một bài thơ NGUYỄN THANH MỪNG UỐNG RƯỢU VỚI GÁI SƠN LA, còn ghi “thơ ứng tác tặng thi sĩ Trần Thị Huyền Trang”. Và nhà thơ thần đồng còn cẩn thận mượn giấy bút để ghi rồi ký tên tặng Nguyễn Thanh Mừng tại chỗ.
Và chả hiểu vì sao cả Trần Đăng Khoa lẫn Nguyễn Thanh Mừng sau mấy tiếng đồng hồ “tửu sắc” vẫn còn tỉnh để 7 giờ tối lóp ngóp ra hội trường Quang Trung ngồi lên hàng đại biểu danh dự chịu trận dưới ống kính truyền hình và micro phát thanh trực tiếp suốt mấy giờ? Đó là việc dự chương trình Liên hoan tiếng hát sinh viên Quy Nhơn năm 2012 do Cơ quan Thường trú Khu vực Miền Trung – Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức.
Bài thơ ban đầu chỉ có hai khổ đầu và cuối. Đêm hôm sau, trong tiệc chiêu đãi của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, Trần Đăng Khoa mượn lại bài thơ trong túi Nguyễn Thanh Mừng - làm trong cơn say hôm qua, để trong cơn say hôm nay tiếp tục sửa chữa chút câu từ cho hoàn chỉnh. Và lại một đêm rượu “hoành tráng” nơi phố biển Quy Nhơn, có ánh trăng vàng Ghềnh Ráng bên mộ Hàn Mặc Tử tan trên đỉnh Cốc Pài chín suối mười đèo mơ mộng Sơn La.
Những cô phóng viên trẻ Đài Thường trú Sơn la tiếp tục mời rượu những “hảo hớn miền đất võ”! Ai biết trong chén rượu tình nghĩa kia có đủ tố chất của văn nghiệp lẫn võ công để Thần Đồng Trần Đăng Khoa “đủ đô” tức cảnh sinh tình mà cất bút!
Giáp Tết, bài thơ xuất hiện trang trọng trên Tuần báo “Văn nghệ Già” và “chạy sô” một vài tờ báo nữa, trong đó có tờ VOV, như một kỷ niệm đẹp đẽ và trân trọng giữa Bình Định - Sơn La, giữa Trần Đăng Khoa và Nguyễn Thanh Mừng.
Theo “tài liệu mật”, tình cảm giữa hai nhà thơ đã bền bỉ mấy chục năm nay. Khi Nguyễn Thanh Mừng còn ngồi trên ghế nhà trường đã ngưỡng mộ tài danh của Thần Đồng “Góc sân và khoảng trời”, và sau này càng ngưỡng mộ hơn những cuốn sách lừng lẫy “Đảo chìm”, “Chân dung và đối thoại” hay những bài thơ “Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn”, “Đồng đội tôi trên đảo Thuyền Chài”, “Thơ tình của người lính biển”,…
Ai cũng biết, Trần Đăng Khoa lừng danh với những câu lục bát “Ngoài thềm rơi cái lá đa/Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng” hay “Mái gianh ơi hỡi mái gianh/Ngấm bao mưa nắng mà thành quê hương”… Và Thần Đồng rất trân trọng tài năng của nhà thơ lục bát đất võ “Tôi mang rượu đến biên thùy/Hắt lên mây trắng biệt ly cả cười”, “Nghìn năm sương khói bời bời/Cuốn ta vào một cuộc chơi thần sầu”,...
Trần Đăng Khoa nhỉnh hơn Nguyễn Thanh Mừng một tuổi, mùa xuân này họ đã vào lứa… non nhiệm kỳ nữa sẽ cầm sổ hưu, vuốt râu chống gậy!
Đào Đức Tuấn