Năm kinh doanh 2018 của các doanh nghiệp đã chính thức kết thúc, các con số về kết quả tài chính cũng đang dần được hé lộ. Lương thưởng đối với người lao động, đặc biệt là những lãnh đạo cấp cao là vấn đề được quan tâm nhất hiện tại.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng nhận thù lao theo hiệu quả kinh doanh
Vingroup là doanh nghiệp chưa bao giờ công bố thù lao chính xác cho các vị trí lãnh đạo chủ chốt, thay vào đó công ty này thường ấn định một tỷ lệ % nhất định trên lợi nhuận sau thuế để đưa vào quỹ lương chung.
Trong năm 2017, Vingroup đã sử dụng 0,23% lợi nhuận sau thuế, tức 12,5 tỷ đồng (tương đương 0,23% lợi nhuận sau thuế) để trả thù lao cho 9 thành viên HĐQT của mình. Tức trung bình, mỗi thành viên sẽ nhận được gần 1,4 tỷ đồng/năm hay 117 triệu đồng/tháng. Trên cương vị Chủ tịch HĐQT, ông Vượng chắc chắn sẽ nhận được hơn nhiều con số 1,4 tỷ đồng trong năm 2017.
Ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup
Còn trong năm 2018, Đại hội cổ đông thường niên của Vingroup đã thống nhất dành tối đa 0,4% lợi nhuận sau thuế để chi thù lao cho toàn bộ thành viên HĐQT. Hiện tập đoàn Vingroup vừa công bố báo cáo tài chính và lợi nhuận sau thuế năm 2018, rất có thể mức thù lao cho ông Vượng và các thành viên HĐQT sẽ tiếp tục tăng trong năm nay.
Ông Vượng hiện là doanh nhân sở hữu khối tài sản khoảng 6,7 tỷ USD (theo Forbes) và giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Một số doanh nghiệp đại gia khác cũng chi trả mức thù lao cao cho các vị trí lãnh đạo chủ chốt của mình.
Ngân sách thu nhập được phê duyệt của các thành viên HĐQT Công ty cổ phần FPT (gồm 7 người) cho năm 2018 lên tới cả chục tỷ đồng. Trong đó, tổng lương cho các thành viên điều hành cho cả năm là 10,76 tỷ đồng, còn các thành viên không điều hành là 5,75 tỷ đồng.
Mức thù lao cho Hội đồng quản trị của Vinamilk năm 2018 là 25 tỷ đồng dành cho 11 người. Trong khi đó năm 2017 mức thù lao này là 20 tỷ đồng, trung bình mỗi thành viên nhận 2,2 tỷ đồng.
Ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát
Còn tại tập đoàn Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long, mức thù lao Hội đồng quản trị được trích tối đa là 1% lợi nhuận sau thuế. Năm 2017, tổng mức thù lao của các thành viên HĐQT (gồm 10 người) là 80 tỷ đồng, tính trung bình mỗi thành viên nhận được 8 tỷ đồng. Với kế hoạch lợi nhuận sau thuế 2018 là 8.050 tỷ đồng, mức thù lao mà các sếp lớn Hòa Phát nhận được sẽ tương đương năm trước.
Tổng công ty Khí Việt Nam (GAS) cũng công khai rõ ràng về lương thưởng năm 2018. Cụ thể, vị trí Chủ tịch HĐQT nhận hơn 1,5 tỷ đồng cả lương và thưởng; 2 thành viên HĐQT hơn 1,3 tỷ đồng; Tổng giám đốc hơn 1,5 tỷ đồng, Trưởng BKS 1,2 tỷ đồng; 8 Phó Tổng giám đốc nhận từ 1 - 1,2 tỷ đồng...
Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp lớn chỉ nhận lương vài triệu đồng/tháng
Trên cương vị Chủ tịch HĐQT FLC, ông Trịnh Văn Quyết – người đang sở hữu khoảng 14.000 tỷ đồng trên sàn chứng khoán cũng chỉ nhận mức thù lao khiêm tốn 5 triệu đồng theo nghị quyết của ĐHCĐ 2018. Mức thù lao cho Trưởng BKS của FLC ấn định là 5 triệu đồng/người/tháng và Kiểm soát viên là 2 triệu đồng/người/tháng.
Ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Tập đoàn FLC
Tương tự FLC, năm 2018, CTCP Quốc Cường Gia Lai (QCG) cũng chỉ chi trả cho Chủ tịch HĐQT 9 triệu/tháng, các thành viên HĐQT còn lại là 5 triệu đồng/tháng. Như vậy, trước khi từ bỏ mọi chức vụ tại QCG, dân chơi siêu xe Nguyễn Quốc Cường cũng chỉ nhận được mức lương ít ỏi 5 triệu đồng/tháng.
Còn đối với Công ty cổ phần chứng khoán Bản Việt, cũng giống như các năm trước, thành viên HĐQT thậm chí còn không nhận thù lao cho năm 2018. Bà Nguyễn Thanh Phượng, ông Tô Hải là hai thành viên HĐQT có khối tài sản trên sàn chứng khoán từ vài trăm đến cả ngàn tỷ đồng.
Doanh thu và lợi nhuận của Vingroup và các công ty con đều đạt được những con số ấn tượng mới.