Dân Việt

Tuyên chiến với thực phẩm bẩn ngày tết: Đừng “đến hẹn lại lên”

Anh Thơ 26/01/2019 06:19 GMT+7
Thời gian gần đây, liên tiếp các vụ vận chuyển, kinh doanh thực phẩm bẩn được các lực lượng chức năng bắt giữ. Giáp tết, khi nhu cầu tiêu thụ của người dân tăng lên, những vụ việc như thế bị phát hiện ngày càng nhiều. Nhưng để giải quyết được tận gốc vấn nạn sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn, rõ ràng, không thể trông đợi vào những đợt ra quân kiểm tra kiểu “đến hẹn lại lên” như thế.

Muôn nẻo đường… hàng bẩn

Theo thông tin tổng hợp từ Cục An toàn thực phẩm (ATTP) – Bộ Y tế, mới đây, Ban quản lý ATTP TP.HCM đã phát hiện và kịp thời ngăn chặn một chiếc xe tải vận chuyển thịt lợn đã được giết mổ, phân mảnh (khoảng 40 con lợn) có những dấu hiệu bất thường đang trên đường đi tiêu thụ. Được biết, đây là số lợn bị bệnh lở mồm long móng, có xuất xứ từ Long An.

Rạng sáng 23.1, Đội 10 phụ trách chợ đầu mối Bình Điền, thuộc Ban quản lý ATTP TP.HCM bất ngờ kiểm tra một xe tải chở heo độn 1 con heo chết vào lô hàng. Tiếp đó, đội phát hiện xe tải chở 12 con heo đã qua giết mổ tổng trọng lượng là 1.126 kg, không có dấu kiểm soát giết mổ, các móng chân bong tróc với biểu hiện lở mồm long móng.

img

Các lực lượng chức năng ra quân kiểm tra an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: T.L

Mới đây nhất, ngày 24.1.2019, Đoàn kiên ngành 389 TP.Vinh (Nghệ An) đã tiến hành kiểm tra bất ngờ một số cơ sở sản xuất giò, chả trên địa bàn và phát hiện một số cơ sở sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc. Cụ thể, tại cơ sở của anh Nguyễn Văn Ánh ở khối 1, phường Hồng Sơn, lực lượng chức năng cũng phát hiện nhiều gói bột màu trắng và màu đỏ được xác định là phụ gia chất bảo quản, chất tạo hương vị thịt bò, tạo khói và làm giòn, dai giò chả, vỏ bao đóng gói xúc xích. Tất cả các phụ gia trên không có nguồn gốc xuất xứ.

Vào khoảng 10 giờ ngày 23.1, trên Quốc lộ 14, đoạn qua phường Tân Thiện (huyện Đồng Xoài, Bình Phước), lực lượng chức năng đã phát hiện xe ôtô chở khách mang biển số 60B-031.11 do tài xế Nguyễn Văn Tấn (45 tuổi, tỉnh Bình Dương) điều khiển lưu thông hướng từ TP.HCM đi Đăk Nông vận chuyển 401kg thịt và 98kg mỡ heo không rõ nguồn gốc, đã bốc mùi.

Rạng sáng 19.1, Đội Quản lý ATTP liên quận, huyện 12, Hóc Môn và Củ Chi (TP.HCM) bất ngờ kiểm tra hộ kinh doanh Nguyễn Thị Xuân A (224 Nguyễn Thị Kiều, phường Hiệp Thành, quận 12, TP.HCM).Thời điểm kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện hộ kinh doanh này dùng nước vôi để ngâm sách bò và dùng các chất phụ gia không rõ nguồn gốc để ninh với xương bò bán cho quán nhậu.

Chiều 9.1, Đội Quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý thị trường tỉnh Lào Cai đã bắt giữ và tiêu hủy 700kg thực phẩm “bẩn”, không rõ nguồn gốc, nghi nhập lậu từ Trung Quốc vào nội địa. Lô hàng thực phẩm “bẩn”, gồm: Cánh gà, chân giò lợn, chả cá, tôm… được đông lạnh, đựng trong các bao tải in chữ nước ngoài, tất cả đều đang trong quá trình phân hủy, bốc mùi hôi thối.

Trước  đó, vào rạng sáng ngày 29.12.2018, cơ quan chức năng đã phát hiện vụ vận chuyển số lượng lớn nầm lợn bẩn vào nội thành Hà Nội tiêu thụ. Ngày 19.12.2018, Phòng Cảnh sát môi trường - Công an tỉnh Thái Bình cho biết cơ quan này cũng vừa phát hiện đối tượng vận chuyển hàng tạ thịt lợn không rõ nguồn gốc, bốc mùi hôi thối đang trên đường đi giao cho các nhà hàng quán ăn. Hay tối 10.12.2018, tại đường Trần Phú, TP.Lạng Sơn (Lạng Sơn), tổ công tác Công an TP.Lạng Sơn đã phát hiện, bắt quả tang ôtô bán tải đang vận chuyển hàng hóa vi phạm pháp luật. Trong xe chở hơn 1.020kg nầm lợn không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc. Thống kê cho thấy, năm 2018, các lực lượng chức năng ở Lạng Sơn đã phát hiện, ngăn chặn và tiêu hủy khoảng 30 tấn thực phẩm bẩn nhập lậu, như: Nầm heo, mỡ heo lòng, thịt heo, vịt, gà thịt... tăng gần 10% so cùng kỳ 2017.

Kiểm tra,chồng chéo nhưng hiệu quả thấp

Như đã thành thông lệ, dịp trước, trong và sau Tết, lực lượng chức năng lại lên  các phương án tăng cường kiểm tra hoạt động sản xuất kinh doanh thực phẩm. Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế), thời điểm cuối năm, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm dự báo sẽ tăng cao. Vì vậy, từ ngày 1.1.2019 đến 25.3.2019, 6 đoàn kiểm tra liên ngành ATVSTP Trung ương sẽ ra quân tiến hành kiểm tra tại 12 tỉnh, thành phố trọng điểm, tập trung vào những mặt hàng được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán như: Bánh kẹo, mứt, bia, rượu, nước giải khát; thịt, cá, trứng, sữa, các loại trái cây và các dịch vụ ăn uống khác...

Nhưng rõ ràng, công tác thanh, kiểm tra chất lượng thực phẩm còn nhiều lỗ hổng. Thực tế, trong các đợt ra quân, lực lượng chức năng chỉ kiểm tra các quầy bán thức ăn, thực phẩm, trong khi mỗi ngày, tại bất kỳ chợ đầu mối nào đều tiếp nhận một khối lượng khổng lồ hàng hóa, thực phẩm và được phân phối trong vài giờ đồng hồ nên việc kiểm tra, kiểm soát hầu như chỉ qua loa, đại khái.

Theo Bộ Y tế, trong năm 2018, cả nước ghi nhận 97 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 3.340 người bị ngộ độc, 2.944 người phải nhập viện và 16 trường hợp tử vong. Trong năm, cả nước đã xử lý trên 14.000 vụ việc vi phạm về ATTP, với hàng ngàn cá nhân và tổ chức vi phạm. Trong đó, các cơ quan chức năng đã chuyển cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố 11 vụ 15 bị can về tội “Vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm”.

Đó là chưa kể, hiện nay, hầu hết các xã, phường – đơn vị được phân công trực tiếp quản lý công tác ATTP tại cơ sở lại phải kiểm tra theo kiểu “múa tay trong bị” khi không được trang bị dụng cụ, trang thiết bị kiểm tra nhanh thực phẩm vì các thiết bị test nhanh khá đắt đỏ. Bà Đỗ Thị Kim Dung - Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Oai (Hà Nội) thừa nhận, trong khi các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm ngày càng phát triển về số lượng và quy mô thì tổ chức bộ máy quản lý về ATTP tuyến xã chưa đồng bộ, lực lượng mỏng, nhân sự quản lý không có chuyên môn và thường là kiêm nhiệm.

Mới đây, Bộ NNPTNT đã ban hành Thông tư số 11/2018/TT-BNNPTNT về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chợ đầu mối, chợ đấu giá nông lâm thủy sản với những quy định cụ thể về địa điểm, mặt bằng, kết cấu, phòng chống côn trùng, nhà vệ sinh, sơ chế, bảo quản, vận chuyển sản phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, yêu cầu về quản lý chất lượng bảo đảm an toàn thực phẩm như cơ sở kinh doanh thực phẩm phải lưu giữ thông tin liên quan đến việc mua bán; tổ chức quản lý chợ phải có quy định kiểm soát chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm; lưu trữ hồ sơ quản lý an toàn thực phẩm tại chợ, thời gian lưu trữ tối thiểu là 2 năm.

Quy định là vậy nhưng nếu vấn đề kiểm tra, giám sát và chế tài xử phạt không thay đổi, cứ làm theo kiểu “đến hẹn lại lên” như hiện nay thì vấn nạn thực phẩm bẩn sẽ khó giải quyết được tận gốc. Do vậy, để hạn chế nạn thực phẩm bẩn, các cơ quan chức năng cần vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa, tránh tình trạng “cưỡi ngựa xem hoa”.

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Chi Đông, huyện Mê Linh (Hà Nội):

Mới kiểm tra “phần ngọn”

Việc kiểm tra ATTP hiện nay mới dừng ở “phần ngọn”, chủ yếu bằng cảm quan đối với một số quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh. Phần quan trọng nhất là kiểm tra chất lượng, truy xuất nguồn gốc xuất xứ các mặt hàng vẫn chưa làm được. Đặc biệt, khi xác định sản phẩm có dấu hiệu vi phạm, Đoàn kiểm tra gặp khó khăn trong việc lấy mẫu và gửi đi xét nghiệm, dẫn tới lúng túng trong xác định vi phạm, nên khó xử lý...

Ông Chu Xuân Kiên – Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trườngTP.Hà Nội:

Kiểm soát các tuyến đường vận chuyển

Hiện Cục Quản lý thị trường TP.Hà Nội phối hợp với các đơn vị chức năng thường xuyên kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, nhập khẩu thực phẩm, đại lý, kinh doanh, bán buôn, bán lẻ, các chợ đầu mối, chợ dân sinh, siêu thị, cơ sở thức ăn đường phố... Trong đó, tập trung kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm của các nguyên liệu chính và chất phụ gia được các cơ sở đưa vào sản xuất, chế biến, kinh doanh; kiểm tra tem, nhãn, bao bì hàng hóa đối với các mặt hàng truyền thống có nhu cầu tiêu thụ cao trong dịp tết.

Ngoài ra, tăng cường kiểm tra, kiểm soát các tuyến đường vận chuyển thực phẩm vào thành phố gắn với các chốt kiểm dịch động vật liên ngành. Các đội QLTT sẽ tập trung kiểm tra theo phân công quản lý địa bàn, đặc biệt là các làng nghề sản xuất, kinh doanh thực phẩm tập trung.

Ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế):

Kiên quyết nói không với thực phẩm bẩn

Để hạn chế tối đa và từng bước kiểm soát được nguy cơ mất vệ sinh ATTP, Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh ATTP đã thành lập 6 đoàn kiểm tra liên ngành tại 12 tỉnh, thành phố trọng điểm. các đối tượng thanh tra, kiểm tra được xác định là các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố.

Cùng với việc tăng cường kiểm soát chất lượng ATTP, về phía người dân cần kiên quyết nói không với thực phẩm bẩn, đồng thời nâng cao ý thức đấu tranh tố giác các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm.

P.V (ghi)