Dân Việt

NSND Thu Hiền - Vinh quang và cay đắng tột cùng

12/02/2013 12:45 GMT+7
Năm nay là kỷ niệm 50 năm đi hát của NSND Thu Hiền. 50 năm ấy, chị đã trải qua biết bao nhiêu hạnh phúc, ngọt ngào, vinh quang và cả cay đắng của người nghệ sĩ.

Người nghệ sĩ luôn lo giữ hình ảnh

 

nsnd-thu-hien-1
NSND Thu Hiền

Cánh làm báo thường nói với nhau, gặp NSND Thu Hiền khó lắm, muốn phỏng vấn chị càng khó hơn. Níu được Thu Hiền để phỏng vấn chị trong cuộc họp báo ra mắt album "Gửi người tri kỷ" của sao mai Bích Hồng thật đúng là "bắt được cơ hội vàng".

Thu Hiền ít đi cà phê, cà pháo, ít lên phố chơi, cũng không đi những cuộc ra mắt thế này hay các sự kiện. Chị rất "tiết kiệm" trong việc xuất hiện. Nhận lời tham dự buổi ra mắt album của Bích Hồng vì chị rất yêu mến cô học trò này. Sự yêu mến ấy không chỉ bởi tài năng mà còn bởi đó là cô ca sĩ trẻ mà chị thấy có cái Tâm với nghề rất chân thành.

Chị sợ những cô ca sĩ bây giờ, chưa thành "sao" đã thành "hôm", luôn cố tìm kiếm và đoạt danh hiệu này, danh hiệu nọ để có cát xê nhiều hơn. Giữa thời kỳ giới văn nghệ có vẻ hỗn loạn và đua danh hiệu như thế, thì cái Tâm trong sáng, sự nhiệt tình dành cho nghề như Bích Hồng là chị thấy hiếm và yêu.

 

Không phải vì yêu mến quá mà chị tỏ lời khen ngợi nồng nhiệt với cô học trò như thế. Với chị, phát ngôn là thể hiện hình ảnh của chính mình trong mắt công chúng. Chị ít nói, ít phát biểu vì chị không muốn nếu mình nói không "đẹp" thì sẽ làm các em trẻ chạnh lòng buồn. Đã nói là phải đúng, phải chính xác. Thế hệ trẻ bây giờ không giống với các chị ngày xưa, để thuyết phục các em yêu nghệ thuật bằng cả trái tim, cả cuộc sống của mình không dễ, chính vì vậy, từ trước tới nay, Thu Hiền chọn cách làm thôi chứ không nói.

Chị cũng hiểu một điều, các bạn trẻ ngày nay tuy sung sướng vì được sinh ra trong hòa bình, có nhiều may mắn, thuận lợi với nghề, được học hành đến nơi đến chốn, nhưng mặt trái lại là áp lực nhiều và phải bươn chải cuộc sống, lo lắng về kinh tế. Trong hoàn cảnh đó, nếu không có ý chí vượt lên thì rất dễ bị nhanh "tàn" và "mờ".

Ngày xưa, thời các chị tuy vất vả, học 1 thì phải làm việc đến 10, gian nan đủ đường nhưng cả đất nước khi đó chung một ý chí làm sao để có hòa bình, người hát như chị chỉ biết hát và mang tiếng hát phục vụ giấc mơ hòa bình đó. Trong cái khổ cực lại có thuận lợi là người nghệ sĩ chỉ việc hát và hát nên thành ra, có nhiều điều kiện để vươn lên trong sự nghiệp hơn.

Thu Hiền nói khiêm tốn thế thôi, chứ thực ra những người yêu mến chị đều biết chị đã nỗ lực, cống hiến và hi sinh vô cùng mới có thể có được một sự nghiệp rạng rỡ như thế. Cho đến bây giờ, giọng hát, gương mặt hiền hậu với "hai lỗ dùi" duyên dáng bên má của Thu Hiền vẫn được yêu mến trên khắp dải đất Việt Nam này. Đến giờ, Thu Hiền vẫn nhớ như in những tháng ngày cực khổ xưa, muốn có được chiếc áo dài để mặc phải đi làm thuê mãi mới mua được, để có chiếc quần lành lặn, cũng phải thức mấy đêm liền vá víu… Nhưng dù cực khổ đến đâu thì chị vẫn hát và hát hết mình.

NSND Thu Hiền bây giờ không hẳn "kiêm" thêm nghề giảng dạy cho các bạn trẻ. Thi thoảng chị mới dạy, khi những người bạn của chị gửi gắm học trò của họ để chị bồi dưỡng thêm kinh nghiệm đi hát. Thu Hiền không coi mình là giáo viên, chị coi mình là tiền bối của các em trẻ. 50 năm đi hát, từ chiến trường đến vùng sâu xa, từ sân khấu nhỏ đến sân khấu lớn, Thu Hiền đã quá nhiều kinh nghiệm và chị đem những gì mình có rèn dạy lại thế hệ sau.

Chị có một quan niệm sống: "Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình", trong giảng dạy, chị chẳng bao giờ giữ bất kì một "bí kíp" nào cả, có bao nhiêu tinh túy đều đem truyền lại cho học trò hết. Chị nghĩ, nghệ thuật luôn là một vườn hoa đa sắc, mỗi nghệ sĩ là một màu sắc riêng, chị dạy các em cách phát triển giọng hát theo cách riêng để tìm chỗ đứng cho mình chứ không phải là "mô phỏng" giọng hát của chị.

Xã hội ngày càng phát triển, khán giả ngày càng tinh tế và kỹ tính, chị luôn đòi hỏi người học chị phải có sự nhẫn nại và yêu nghề hết mình. Chị sợ những "ngôi sao" nhanh chóng quên đi quá khứ nghèo của mình, diện vào người đồ hiệu là quên đi sự phấn đấu. Dạy ai đó nghề, chị cũng chọn lựa và kén lắm, kén đúng người yêu nghề như chị. Chị luôn dạy học trò điều đầu tiên của người nghệ sĩ là phải yêu nghề thực sự, sau đó là biết chọn con đường đi của mình sao cho phù hợp.

Bản thân chị là người lúc nào cũng trăn trở với nghề, không bao giờ thấy bằng lòng với những gì đã thể hiện được, chị tin chỉ khi người nghệ sĩ luôn cố gắng và trăn trở thì mới có thể có thành công. Không phải khi đứng trên sân khấu người ca sĩ khóc khi hát là một thành công mà mình khóc nhưng phải làm khán giả rưng rưng mới thật sự thành công. Điều đó chỉ có tình yêu nghề mới tạo ra được.

Cũng vì tình yêu nghề ấy mà NSND Thu Hiền luôn muốn giữ hình ảnh đẹp trong mắt khán giả. Chị cũng giữ đủ đường từ lời ăn tiếng nói đến chuyện ăn mặc. Trên sân khấu, bao giờ cũng chỉ thấy Thu Hiền mặc áo dài, quân phục hoặc áo bà ba, chị không mặc váy dù biết là cũng đẹp đấy nhưng không tự tin. Chị phải chọn trang phục phù hợp với bài hát, với hoàn cảnh sinh ra bài hát đó và phải thật mộc mạc. Sự mộc mạc từ giọng hát đến hình ảnh chính là điều làm khán giả say Thu Hiền.

Đến tuổi này, Thu Hiền nghĩ phải giữ tiếng chứ không phải lấy tiếng, việc giữ gìn hình ảnh lại càng phải thận trọng. Chị biết, mình là tên tuổi mang tính lịch sử, nhưng không bao giờ đem điều đó ra vỗ ngực với lớp trẻ mà luôn biết học tập người đi trước, lắng nghe người đi sau để rút kinh nghiệm và biết nên xuất hiện chỗ nào cho đúng, nói điều gì cho phải và sống hòa đồng, tin tưởng lớp trẻ. Có lẽ cũng vì thế mà chị luôn được nghệ sĩ trẻ thương yêu và kính trọng.

Nuốt nước mắt vào trong để hát

nsnd-thu-hien-2

Thu Hiền yêu hát đến nỗi không hát thì không sống được, lúc nào cũng chỉ muốn hát, hát cho đến khi không hát được nữa. Nếu để viết về cuộc đời đi hát của Thu Hiền, thì chắc hẳn phải viết một cuốn sách rất dày mới hết được.

Từ năm 10 tuổi, chị đã bắt đầu thoát ly gia đình, sống tự lập và đi hát. Từ lúc còn nhỏ xíu ấy, cô gái nhỏ đã bắt đầu đặt bàn chân bé bỏng của mình lên khắp các chiến trường hát để động viên tinh thần chiến đấu của quân và dân Việt Nam. Chị lớn lên cùng những năm tháng chiến tranh, tiếng hát đã vang từ miền Bắc tới miền Trung, trên những chiến trường ác liệt nhất như Quảng Trị… Ngẫm lại, chị cũng cảm thấy tự hào khi tiếng hát của mình đã động viên được tinh thần biết bao người lính, bao người dân vượt qua những khó khăn, dũng cảm hơn trên chiến trường.

Ngày xưa ấy, những nghệ sĩ ở thế hệ chị không ai đi hát mà nghĩ rằng, rồi mình sẽ thành ngôi sao, thành nghệ sĩ nhân dân, chỉ biết hát và hát. Hát để tinh thần của mọi người mạnh mẽ hơn, hát để hướng tới lý tưởng giải phóng, hát vì tình yêu âm nhạc trong trái tim mình. Bây giờ, Thu Hiền thường ước giá như mình trẻ hơn nữa để thời gian được hát sẽ dài thêm nữa. Chị không mong mình trẻ hơn, chỉ mong cái tuổi trẻ hơn thì sẽ được hát nhiều hơn thôi. Biết là ước mong ấy không được, ai cũng phải già đi, cũng đến cái dốc bên kia của cuộc sống, nhưng ước như thế để chị hát miệt mài hơn, say đắm hơn và khao khát hơn. Ngày xưa, chị dũng cảm vượt qua mọi khó khăn, gian khổ nơi chiến trường để hát, thì bây giờ chị vượt qua khó khăn tuổi tác để giữ tiếng hát trong lòng công chúng và biết mình nên xuất hiện chỗ nào cho phù hợp và không phản cảm. Chị sợ những thứ không đúng vị trí, không đúng tuổi.

Đôi khi chị cũng thích đi đây đi đó, nhưng đến bar chẳng hạn, chị chỉ ngồi một góc và ngắm nhìn những thứ xung quanh, quan sát người trẻ. Chị thấy sân khấu bây giờ là dành cho người trẻ, xã hội bây giờ dành cho người trẻ, mình ngồi một góc là đủ rồi. Cũng có đôi khi chị thấy chạnh lòng buồn đấy, nhưng vẫn thấy mình là người may mắn hơn nhiều người là luôn được xuất hiện chung với sân khấu của những người trẻ. Chị vẫn hát trong những chương trình có ca sĩ trẻ như Trọng Tấn - Anh Thơ, chương trình Ca khúc đi cùng năm tháng đều có chị, những khởi công, tổng kết luôn luôn được mời. Đó là may mắn, là hạnh phúc và là thành quả của người cả đời luôn đau đáu cho âm nhạc như chị.

Khi trên sân khấu và cất tiếng hát, chị không ngại bất cứ điều gì cả, nhưng bước xuống sân khấu lại là một Thu Hiền rất lặng lẽ, không thích cuộc sống ồn ào, chỉ chăm chăm vào công việc, khi nào cần nói thì nói, khi nào cần xuất hiện thì xuất hiện. Chị đi hát làm cho đời vui, cho người ra trận mạnh mẽ, cho người hậu phương an tâm, nhưng sau tiếng hát ấy là những tiếng khóc thầm của một người phụ nữ rất đỗi bình thường. Chị chỉ dùng một câu để miêu tả về chính mình là "vinh quang tột cùng mà cay đắng cũng tột cùng".

Quan điểm sống của chị là cứ sống hết mình với bạn bè, không bao giờ gian dối, yêu cũng hết mình, tình yêu đó không chỉ là tình yêu giữa đàn ông và đàn bà… Với tình yêu, lúc nào chị cũng khao khát, cũng ước mong, tuy nhiên, trên đời lại chẳng có điều gì được trọn vẹn. Đau khổ, bất hạnh, vinh quang hay cay đắng chị đều gửi qua lời hát, đều trốn trong tiếng hát. Đời nghệ sĩ nghiệt ngã, buồn đấy, đau đấy nhưng có bao giờ được mang gương mặt đời sống đó lên sân khấu đâu, khi hay tin cha mẹ mất vẫn phải nở nụ cười để mà hát… Cuối cùng thì là ý chí quyết định tất cả, ngưởi nghệ sĩ phải tự vươn lên khỏi những bất hạnh đời sống để hát. Nhưng ngược lại, được hát cũng như một sự cứu rỗi cho tâm hồn, nơi gửi gắm tất cả những buồn vui cuộc sống. Thu Hiền nói, chị hay khóc thầm lắm, nén nước mắt vào trong để mà hát.

Nhìn lại chặng đường sống và cống hiến của mình, chính Thu Hiền cũng phải công nhận chị dũng cảm để đi qua những bão giông cuộc đời. Ngày xưa, cũng vì sự nghiệp, quá đam mê với công việc nên chị đã không giữ nổi hạnh phúc giản đơn của mình, mất mát và khổ đau khủng khiếp, "may" mà còn giữ lại được bên mình hai người con. Chị khiến người nghe muốn ứa nước mắt khi nói rằng, nhiều khi nhìn thấy ngoài đời có một người chồng lấy khăn mặt cho vợ lau mặt mà chị ngạc nhiên và khao khát vô cùng. Chị không có được những hạnh phúc, sự chăm sóc bé nhỏ, đơn sơ nhưng rất ngọt ngào ấy. Cuộc đời cho chị tiếng hát, nhưng không cho chị một hạnh phúc vẹn tròn.

Các con của NSND Thu Hiền từng học nhạc, cũng định nối nghiệp mẹ làm ca sĩ, nhưng cuối cùng cả hai đều bỏ nghề cũng vì... mẹ. Lý do là vì nếu cứ theo đuổi nghề sẽ... đói, ngày xưa đi hát cát xê chỉ vài đồng, hát xong về nhà ăn cơm nguội, các con chị nói vì không đam mê nghề được như mẹ nên đi làm việc khác kiếm sống, làm "hậu phương" để mẹ ở nhà vững vàng đi hát mà không phải lo toan gì. Các con hỗ trợ để chị được làm nghệ thuật bằng tất cả trái tim. Thu Hiền cũng buồn lắm, vì sự hi sinh của các con, nhưng nghĩ lại, chị thấy nếu các con có theo đuổi được nghề cũng sẽ không có được thành công như chị vì không có ý chí, không quyết liệt. Chị sống để hát, vượt qua mọi khổ cực để hát, hi sinh hạnh phúc riêng vì hát, còn các con chị sống ở thời này, thích hát vì thích vui, thích thì đàn, không thích thì thôi... Các con chính là chỗ dựa tinh thần để chị vượt qua những nỗi buồn cuộc sống.

Và những buổi sáng êm dịu, nhẹ nhàng...

Thu Hiền ít la cà, đi đây đi đó như mọi người. Đi hát xong là chị về thẳng nhà, đơn giản vì không có thời gian. Chị nói rất dí dỏm rằng, một ngày của chị bây giờ bao gồm tận 5 "con" một lúc. Sáng mở mắt ra là "con" bà cho cháu đi học, sau đó là "con" ô sin đi chợ, về là "con" vợ nấu cơm, đến chiều là "con" mẹ lo giùm các con việc đón cháu, cuối cùng là "con" hát. Một ngày xoay chừng ấy "con" thì còn đâu thời gian nữa để mà giao du, tán gẫu?!

Sau giờ hát, chị thích về nhà, ở nhà khâu vá, chuyển dịch đồ từ chỗ nọ sang chỗ kia cho mới mẻ, dọn dẹp nhà cửa... Có đôi khi chị hỏi chồng: "Em có khuyết điểm gì không?", chồng chị nói khuyết điểm duy nhất của chị là tham việc, mà "bệnh" đó thì khó sửa lắm.

Thu Hiền bằng lòng với hạnh phúc hiện tại của mình. Bằng lòng chứ không phải hài lòng. Sau những khổ đau tìm hạnh phúc, chị gặp anh cùng là bộ đội, chị yêu anh vì anh sống giản dị, biết thông cảm và sẻ chia. Ngoài tình chồng vợ, chị và anh còn là người anh, người em, là bạn bè và cũng là đồng đội. Anh là chỗ dựa tinh thần của chị, tạo cho chị sự an tâm trong cuộc sống.

Cũng vì là bộ đội nên anh không có những cử chỉ kiểu lấy khăn mặt cho vợ lau mặt như chị ao ước, nhưng chị yêu những buổi sáng thức dậy, chị lo mọi việc trong nhà, anh đi tập thể dục và bao giờ cũng chờ nhau ăn sáng. Buổi sáng luôn ấm áp và êm dịu như thế...

Chồng chị hơn chị khá nhiều tuổi, nên chị luôn cầu mong để anh mạnh khỏe. Chị ao ước anh luôn ở bên cạnh, cùng chăm sóc đàn cháu nhỏ của chị. Chị là người phụ nữ yêu con kinh khủng, đến khi có cháu thì lại yêu cháu kinh khủng. Chị luôn trực tiếp lo lắng cho cháu mọi chuyện từ ốm đau, ăn uống, đến vui chơi, chứ không tin vào bất kể một người giúp việc nào đó.

Mỗi khi chị đi hát xa, anh lại giúp chị lo cho các cháu rất vẹn toàn. Cuộc sống của chị giờ cũng chẳng có nhu cầu gì hơn ngoài những hạnh phúc giản dị ấy và hát. Chị lúc nào cũng thèm được hát, hát những bài mình yêu, còn những bài không thích thì chị không hát, kể cả có trả chị bao nhiêu tiền đi chăng nữa. Có nhiều nhạc sĩ nổi tiếng đặt hàng chị hát, nhưng nổi tiếng mấy mà không thích chị cũng không hát, ngược lại, có những nhạc sĩ chẳng có tên tuổi gì mà khi nghe nhạc phẩm của họ đầy cảm xúc, chị sẵn sàng hát miễn phí luôn.

Cá tính ấy thể hiện chính "người đàn bà hát" Thu Hiền. Bên ngoài chị luôn là người phụ nữ mạnh mẽ để vượt lên chính mình, nhưng những bài chị hát thì bao giờ cũng tâm trạng, giấu vào đó những ưu tư cuộc đời của chị.

 

nsnd-thu-hien-3

Với vinh quang đến giờ vẫn ở đỉnh cao, với một số lượng khán giả mê tiếng hát Thu Hiền đông đảo hơn bất kì ca sĩ trẻ nào, cũng có nhiều người mời Thu Hiền làm liveshow riêng. Chắc chắn liveshow Thu Hiền sẽ rất đông khán giả. Nhưng, chị không chịu làm liveshow riêng. Lý do cũng là vì chuyện giữ hình ảnh, chị e ngại nếu ngày liveshow mà chị căng thẳng, hát không tốt sẽ mất hình ảnh. Chi cho bằng cứ ra đĩa, người giàu thì mua đĩa gốc 40-50 ngàn đồng/ 1 đĩa, người nghèo mua đĩa... lậu vài ba ngàn, giàu hay nghèo cũng có thể nghe được chị hát. Hơn thế, chị thích bình lặng, nhẹ nhàng chứ không thích ồn ào.

Vừa rồi, đài truyền hình làm chương trình giọng ca vàng mời chị. Chị cũng có chút ái ngại vì trước đó họ đã làm những giọng ca như Quang Thọ, Quốc Hưng... mà khi hát phía sau họ là cả dàn hợp xướng rất hùng hậu, bề thế phía sau, giờ đến chị chỉ có... một mình. Cuối cùng chị thở phào vì chương trình của mình cũng được đón nhận nồng nhiệt. Không phải Thu Hiền tự ti với đồng nghiệp, mà là chị thận trọng, chị luôn muốn được khán giả yêu mến. Giọng hát của chị như như nguồn mạch âm thầm chảy trong tâm khảm của khán giả, cứ chảy mãi, miệt mài như lời hát ru ngọt ngào chảy từ thế hệ này sang thế hệ khác...

Bây giờ, người trẻ tuổi có thể không biết nhiều đến NSND Thu Hiền, như lớp cha mẹ, ông bà của họ. Nhưng, cũng có đôi khi chị đến nhiều nơi hát, thấy các ông bà dẫn cháu đến nhất định gặp bằng được "bà Thu Hiền" và nói: "Đây này, bà Thu Hiền đây này, bà hay hát ru để con ngủ đấy, con ạ bà đi...". Chị thấy vui vui, tự hào, hạnh phúc ấy đâu phải ai cũng dễ dàng có được...

Theo PN