Ngay sau khi trở thành người hùng để giúp đội tuyển Việt Nam giành chiến thắng trước Jordan, các phóng viên của tờ Soviet Sports (Nga) đã có cuộc trao đổi với thủ thành Đặng Văn Lâm - người mang trong mình hai dòng máu Nga - Việt.
Tưởng chừng như sự nghiệp của Lâm "tây" đã kết thúc trong nước mắt khi anh trôi dạt khắp nơi mà không có nổi một bến đỗ ổn định, chàng trai ấy đã chiến đấu mạnh mẽ để khẳng định thực lực của bản thân với sự tự hào và niềm tin vô cùng lớn lao.
Soviet Sports: Sau khi chia tay với giải VĐQG Lào, anh đã trở về Việt Nam chứ?
Đặng Văn Lâm: Tôi về Nga để nghỉ ngơi một thời gian và sau đó đã nghĩ mình sẽ được chào đón tại Hoàng Anh Gia Lai. Tuy nhiên, câu chuyện ở Spartak lại một lần nữa tái diễn: Hóa ra, họ (HAGL) không cần tôi nữa. Vậy là hai bên thanh lý hợp đồng.
Chắc anh còn nhớ rằng ở Nga, khi phá hợp đồng, cầu thủ sẽ nhận được khoản phí bồi thường khá lớn...
Nhưng ở Việt Nam thì chẳng có một xu nào cả. Hai bên chỉ nói câu "tạm biệt" rồi đường ai nấy đi. Khi đó tôi đang nhận khoảng 500 USD/ tháng, chừng đó thì chẳng phải con số quá lớn, nhưng với tôi như thế vẫn là đủ ăn. Tuy nhiên, tiền không phải là vấn đề lớn nhất.
Tôi đã lặn lội từ Nga về Việt Nam vì muốn được chơi bóng, vì muốn được tập luyện. Hơn hết, tôi muốn được chơi cho ĐTQG - hoặc Nga, hoặc Việt Nam - và khiến cha tôi có quyền tự hào. Tôi bay về Việt Nam với suy nghĩ rằng mọi thứ sẽ đơn giản, nhưng sư thật thì không phải như vậy.
Trong suốt 3 năm trời, tôi không thể hoàn thành bất cứ mục tiêu nào mà mình đề ra.
Vậy anh có đành phải trở về Nga hay không?
Tôi không hề muốn như thế vì biết rằng điều đó có nghĩa là sự nghiệp của mình sẽ đi tong. Tôi luôn cảm thấy mình cần được chơi bóng. Tôi bay sang Thái Lan và tìm kiếm cơ hội, nhưng cũng không có hy vọng gì. Tôi lại trở về Việt Nam. May mắn là chú tôi đã tìm thấy một CLB ở V.League dang tay chào đón. Nhưng dù kí hợp đồng rồi, tôi vẫn chẳng được ra sân.
Vẫn với những lí do như trước sao?
Cả thái độ cũng như tuổi đời còn non trẻ đều là rào cản khiến tôi không nhận được niềm tin từ BHL. Vậy là cả mùa giải cứ thế mà trôi đi. Hóa ra, trong suốt 4 mùa giải ròng rã, tôi chỉ có tập, tập và tập.
Thật khó để tưởng tượng điều kiện thiếu thốn ở V.League khi mà anh phải vào tận phòng vệ sinh để thay đồ...
Tôi cũng không thể hiểu tại sao mình lại có thể sinh hoạt trong một thời gian dài (tại CLB TP. Hồ Chí Minh mùa 2014) với đủ những thiếu thốn và lại còn không được ra sân như thế nữa. Thêm vào đó, tôi chỉ được trả 200 USD/ tháng. Suốt thời gian này, tôi nhận ra rằng mình không chỉ có đủ khả năng thi đấu, mà còn có đủ năng lực để vượt lên trên các thủ môn khác, thậm chí là các anh em đang ở trên tuyển.
Tuy nhiên, tôi luôn luôn cảm thấy mình thiếu đi chút may mắn. Thậm chí, cha tôi đã phải rơi nước mắt khi gọi điện và bảo tôi quay về Nga... Ông nói rằng với mức lương bèo bọt như vậy, tôi nên trở lại Nga để làm người gác cổng, như vậy vừa đỡ khổ, vừa được ở gần gia đình.
PV: Vậy là anh đã trở về Nga?
Có chứ. Đó là năm 2014. Tôi đã chuẩn bị tinh thần để dẹp bỏ tất cả. Tôi theo học ngành kế toán vì mẹ tôi muốn con trai phải có cái nghề ổn định. Nhưng khi đi học thì tôi chẳng hiểu bất cứ thứ gì. Điểm số của tội cũng tệ chẳng kém, và môn duy nhất mà tôi được đánh giá tốt đó là... thể dục. Tôi chỉ có thể duy trì được đúng hai tháng.
Vậy là anh lại tiếp tục từ bỏ?
Đúng vậy. Một người bạn đã rủ tôi tham gia cuộc thi của hãng thể thao mà ở đó, cầu thủ sẽ được thưởng một chuyến đi tới London. Cũng có một suất dành cho thủ môn. Tôi đi đến vòng đấu cuối cùng, nhưng không thể giành chiến thắng.
Và không thể tin được, đó lại là người được chọn vào học viện Spartak Moscow năm xưa thay vì tôi. Ở vòng chung kết, chúng tôi đã có cuộc đối đầu nảy lửa và thậm chí, ban tổ chức đã phải gọi điện tới London để yêu cầu tăng thêm một suất thủ môn nữa, nhưng không được chấp thuận. Và tôi thì không được chọn.
Ai là người đã hai lần khiến anh nhận thất bại vậy?
Cậu ấy tên là Roma Dmitriev. Giữa chúng tôi không có bất cứ sự thù hằn nào đâu, vì đó là bóng đá mà. Đến giờ này thì cậu ấy đã giải nghệ rồi. Thực chất, ngay sau khi trở về từ Anh, sự nghiệp bóng đá của cậu ấy đã chấm dứt. Roma nói rằng tôi mới là người nên tới London, bởi cậu ấy không có ý định theo đuổi bóng đá chuyên nghiệp. Nhưng họ (BTC giải) không chấp nhận.
Giờ thì cậu ấy đang ở Nga và vừa tốt nghiệp một trường đại học ngành hàng không.
Quả thật là không ai biết cơ hội sẽ đến khi nào...
Đúng vậy. Nhưng cuộc thi này lại khiến tôi nhận ra rằng mình yêu bóng đá ra sao, và đem đến cho tôi động lực để tiếp tục - không phải vì tiền, mà là vì đam mê. Không như những chuyện đã diễn ra tại "Solyaris".
Nghe nói CLB này giờ không còn nữa. Liệu có phải nó đã bị phá sản?
Đúng vậy. Khi đó, tất cả các thủ môn trẻ, những người tôi quen biết thời còn đi học, còn ở các học viện Spartak, Dynamo và Lokomotiv (Moscow) đều mong muốn được gia nhập đội "Solyaris" (CLB Solyaris Moscow, thành lập năm 2014 và tan rã năm 2017).
Thậm chí, (Aleksei) Karasevich (thủ thành từng khoác áo Dynamo Moscow) cũng từng muốn đến đó. Phải công nhận rằng, mức lương ở đây khá ổn, và bản thân CLB còn năm ở trung tâm thủ đô Moscow. Những tân binh đến đây đều nhận được ít nhất là 10.000.
USD?
10.000 Rúp (150 USD) thôi. Nhưng quan trọng nhất là nếu đến đây, tôi sẽ được thi đấu ở giải hạng 2 Nga. Trong ba tháng trời, phải có đến 30 thủ môn tới thử việc và rời đi, mà tôi thì vẫn được ở lại.
Tôi cứ tưởng rằng mình sẽ chắc suất cho đến khi một thủ môn khác - được chống lưng bởi người đại diện khá nổi tiếng - đến với CLB này. Sau một buổi tập, HLV thủ môn Rozhkov đến và nói với tôi rằng ông ấy đã làm hết tất cả những gì có thể, nhưng không thuyết phục được ban lãnh đạo đội bóng.
Trong hoàn cảnh đó, anh có ý định tìm cho mình một người đại diện không?
Tất nhiên là có. Tuy nhiên, nhìn vào bảng thành tích của tôi - một thủ môn vô địch giải... Lào, thì chẳng ai muốn kí hợp đồng cả. Thế là tôi lại phải tự xoay sở. Sau vụ "kèn harmonica" ngày xưa và quãng thời gian ở Việt Nam, đây là lần thứ ba tôi thất bại. Tôi phải gọi HLV Rozhkov và hỏi ông ấy rằng liệu có hướng đi nào hay không.
Sau đó, chuyện gì đã xảy ra?
HLV Rozhkov giới thiệu tôi với (Aleksey) Polyakov - người khi đó đang vừa thi đấu cho Lokomotiv, vừa là thầy dạy bóng đá cho trẻ em.
HLV Polyakov là một trong những "cứu cánh" của Đặng Văn Lâm tại Nga.
Và đó là khởi nguồn của việc anh đi "gõ đầu trẻ"?
Đúng vậy. Tôi phải làm tất cả để kiếm miếng cơm manh áo. Tôi vừa dạy bóng đá ở học viện, vừa tự tập để nuôi hy vọng thi đấu chuyên nghiệp và được khoác áo đội trẻ của tuyển Nga. Nhưng rồi, khi thử việc, tôi lại không được chấp nhận vì từng ra sân cho U19 Việt Nam.
Và có người đã bảo tôi nên chuyển quốc tịch thi đấu tại LĐBĐ Nga. Lúc đó, những luồng suy nghĩ trong tôi bắt đầu xuất hiện.
Anh vẫn mơ về ngày được khoác áo ĐTQG Việt Nam chứ?
Đúng là tôi có nghĩ về chuyện đó, nhưng rồi nhận ra rằng chẳng ai cần đến mình cả, nên tôi đành phải nhắm mắt đưa chân sau khi hỏi ý kiến của hàng loạt bạn bè xung quanh. Cuối cùng, tôi quyết định làm đơn xin chuyển quốc tịch thi đấu.
Nhưng để làm được điều này, tôi phải có được sự chấp thuận từ LĐBĐ Việt Nam. Và tôi đành gọi điện đến HLV thủ môn của tuyển Việt Nam để hỏi số của VFF. Sau khi tôi trình bày toàn bộ sự việc, ông ấy khuyên tôi rằng hãy cứ từ từ và chờ khoảng một tuần để xem liệu có biến chuyển gì hay không, bởi ĐT Việt Nam đang thiếu thủ môn, và tôi thì là người được đào tạo bài bản cũng như có thể hình lí tưởng.
Một tuần, rồi hai tuần trôi qua mà chẳng có tin tức gì mới. Nhưng chính lời khuyên đó lại thôi thúc giấc mơ thi đấu cho ĐT Việt Nam trong tôi, vì dù sao, tôi cũng có dòng máu Việt.
Bức tâm thư của Đặng Văn Lâm gửi HLV Toshiya Miura năm 2015
Vậy, anh đã làm gì?
Vào tháng Ba năm đó, tôi tham gia giải bóng đá 8 người. Tôi không được khoác áo đội tuyển học viện, nên phải tham gia đội Duslar. Chúng tôi giành chiến thắng và trở thành nhà vô địch của nước Nga năm đó.
Tôi cảm tháy mình được thôi thúc, nên đã viết một bức thư ngỏ trên Facebook bày tỏ nguyện vọng được thi đấu cho ĐT Việt Nam. Ngay lập tức, báo chí Việt Nam liên tục chia sẻ nó và đến giờ này, những dòng tâm thư khi ấy đã trở thành một sự tích của bóng đá Việt rồi.
Lúc đó, một nhà báo gửi cho tôi số của HLV đội U23 chuẩn bị tham dự SEA Games. Sau một cuộc trao đổi, ông ấy nói rằng sẽ gọi lại. Nhưng hóa ra, đó là một HLV của Hoàng Anh Gia Lai. Sự lưỡng lự của ông ấy đã khiến dư luận ở Việt Nam chia thành hai phe: Một bên ủng hộ nhiệt liệt, bên còn lại thì cho rằng không nên đưa một thủ môn "tây" ở xa lắc xa lơ lên tuyển.
Sau đó một ngày, HLV Miura nhắn tin và nói rằng ông không thể triệu tập tôi.
Tuy nhiên, nguyện vọng của Lâm "tây" về việc dự SEA Games lại không được chấp thuận.
Sau đó thì sao?
Dù không được gọi lên tuyển, nhưng dư âm từ bức thư đấy đã phần nào giúp tôi tìm được một CLB. Suốt một tuần, tất cả báo chí đều chỉ đưa tìn về thủ môn người Nga muốn choi cho ĐT Việt Nam. Sau đó, chủ tịch CLB Hải Phòng (ông Trần Mạnh Hùng) đích thân gọi điện và hỏi tôi muốn mức lương bao nhiêu.
Tôi trả lời rằng tiền không quan trọng, vì chỉ cần ra sân là được. Ông ấy đáp lại: "Được".
Và khi trở về Việt Nam, anh lập tức được bắt chính chứ?
Không, bởi vì thủ môn của đội (Đinh Xuân Việt) vẫn đang chắc suất. Đùng một cái, anh ấy bị thủy đậu. Không thể tin được! Ở tuổi 33 đấy! Mà lúc đó, anh ấy còn đang có phong độ cực cao: 9 vòng đấu bất bại, 5 lần giữ sạch lưới để giúp Hải Phòng lên đầu bảng.
Đó là cơ hội từ trên trời rơi xuống! Trong ba ngày liền, tôi hồi hộp đến mất ăn mất ngủ. Ngay trong lần đầu được ra sân, đã có đến 12.000 người đến sân vận động để theo dõi trận đấu, tạo nên một bầu không khí nghẹt thở.
Không khi bóng đá ở Việt Nam thế nào? Có giống nước Nga hay không?
Cổ động viên Việt Nam là những người tuyệt vời nhất. Họ giống hệt như các hội Ultras tại châu Âu, và thỉnh thoảng cũng đốt pháo sáng trên khán đài nữa. Chuyện 30.000 người đến sân là quá bình thường.
Vậy, trận ra mắt của anh đã diễn ra thế nào?
Chúng tôi để thua 1-2 ở những phút cuối cùng. Mọi sự chỉ trích đều đổ dồn lên đầu tôi, và chỉ có Chủ tịch lên tiếng ủng hộ. Cũng may là nhờ có ông ấy, tôi vẫn được ra sân trận tiếp theo. Và không lâu sau, tôi được gọi lên tuyển để tham dự AFF Cup 2016, nhưng không được ra sân.
Vậy thì lần đầu tiên anh được thi đấu cho ĐT Việt Nam là lúc nào?
Đó là vào năm 2017, trong trận đấu thuộc vòng loại Asian Cup gặp Jordan (ngày 13.6.2017). Hai đội hòa 0-0 và tôi được bầu là Cầu thủ xuất sắc nhất. Đây là màn ra mắt vô cùng khó quên.
Và đó là lúc anh trở thành lựa chọn số 1 để rồi vượt qua chính Jordan trong trận đấu vừa qua ở Asian Cup 2019?
Đúng vậy! Thật vui khi tôi được đánh giá là một trong những người xuất sắc nhất của ĐT Việt Nam.
Chà, đừng khiêm tốn quá như vậy! Chính anh là người hùng trên chấm 11m để đưa ĐT Việt Nam vào Tứ kết mà!
Quả thực là như thế, nhưng dù sao, biết mình ở đâu thì vẫn hơn. Cũng may mắn là nhờ trận gặp Jordan ở vòng loại Asian Cup 2019 mà tôi chắc suất bắt chính cho đội tuyển. Từ đó đến nay, tôi chỉ bỏ lỡ 3 trận vì chấn thương.
Quay ngược trở lại năm 2018, chúng tôi đã đặt ra mục tiêu vô địch AFF Suzuki Cup và đã thành công.
Anh có thể kể về chiến tích này, và kỉ lục giữ sạch lưới được không?
Đây là giải đấu vô cùng tuyệt vời, bởi chúng tôi đã tái lập thành tích của lứa đàn anh 10 năm về trước. Tôi cũng có 405 phút giữ sạch lưới và chỉ bị đánh bại bởi Patrick Reichelt ở phút bù giờ hiệp 1 (trận Philippines - Việt Nam ở Bán kết). Nhưng dù sao, thành tích của tập thể vẫn là trên hết.
Ở trận Chung kết lượt về với Malaysia, tại sao anh lại bị trọng tài rút thẻ vàng?
Câu chuyện này khá buồn cười. Có một pha va chạm với đối phương ở vòng cấm địa. Tiền đạo Malaysia bỗng dưng quay ra chửi: "Đ*** thằng kia. Thế là tôi cũng chửi lại. Kết quả là cả hai đều ăn thẻ.
À, ông trọng tài hôm đó cũng chính là người bắt chính trận gặp Jordan tại Asian Cup nữa!
Vì sao anh ăn mừng chiến thắng với kiểu chào của nhà binh? Ở Nga, họ gọi đó là "kiểu ăn mừng của Dzyuba"...
Tôi thích cách mà Artem (Dzyuba) ăn mừng với thông điệp "Tôi phục vụ Tổ quốc" ở World Cup 2018. Trên hết, tôi cũng muốn khẳng định rằng, dù mang trong mình hai dòng máu Nga - Việt, tôi vẫn luôn chiến đấu cho quê hương, chiến đấu cho Việt Nam, chiến đấu đến cùng dù chặng đường đến thành công không hề dễ dàng.
Sau giải đấu, tôi trở thành hình mẫu cho không chỉ cầu thủ, mà còn là giới trẻ nữa. Dù có khó khăn, dù có bị đẩy sang Lào thi đấu với cơ sở vật chất nghèo nàn, tôi vẫn không bỏ cuộc. Ai cũng phải tin tưởng vào bản thân và không ngừng cố gắng để đạt được mục tiêu.
Việc lọt vào Tứ kết Asian Cup có phải dấu mốc lịch sử cho bóng đá Việt Nam hay không?
Đúng vậy! Đây là lần đầu tiên trong lịch sử mà ĐT Việt Nam bước vào đến đây (mà không cần "phao cứu sinh" là quyền đăng cai giải), và cũng là lần đầu tiên mà chúng tôi phải tự bước đi bằng đôi chân của mình - từ vòng sơ loại đến vòng chung kết.
Thành tích này có thể so sánh được với những gì mà ĐT Nga làm được ở World Cup 2018 hay không?
Có chứ! Anh không thẻ tưởng tượng được sự náo nhiệt của đường phố Việt Nam sau trận thắng trước Jordan đâu! Tất cả mọi người đều đổ ra đường đi bão, và các con phố đều tắc nghẽn.
Vậy, sau AFF Cup, khán giả đã ăn mừng ra sao?
Nếu Asian Cup không diễn ra ngay sau AFF Cup, thì chắc chắn đã có một bữa tiệc ăn mừng hoành tráng được tổ chức rồi. Rất có thể, cả đội sẽ được đi diễu hành trên xe buýt 2 tầng ở trung tâm thành phố... Nhưng chúng tôi chỉ được nghỉ 4 ngày mà thôi.
Thủ tướng (Nguyễn Xuân Phúc) đã mời các cầu thủ cùng ban lãnh đạo đến chung vui, có những cầu thủ còn được tặng thưởng Huân chương lao động nữa. Thường thì ở Việt Nam, nhiều người phải làm việc từ 30 - 40 năm mới có thể được nhận vinh dự này đấy!
Cảm xúc của ĐT Việt Nam ra sao trước mỗi trận đấu ở Asian Cup?
Mọi người đều lạc quan. Bản thân việc này đã tạo ra một tâm lý tốt. Ai cũng muốn giành chiến thắng. Dù không thể vượt qua Nhật Bản, nhưng với người hâm mộ, chúng tôi đã là những nhà vô địch rồi.
Sardar Azmoun của ĐT Iran đã ghi hai bàn thắng vào lưới của anh. Liệu đó có phải là một cầu thủ có đẳng cấp quá vượt trội?
Tôi nghĩ là vậy. Anh ta vượt qua sự truy cản từ hai người để ghi bàn thắng thứ hai, dù sức ép là không hề nhỏ. Mặt bằng chung của cầu thủ Việt Nam trong tình huống đó thì chắc phải ngã lăn quay đến 10 lần rồi...
Ngay giữa giải đấu, anh kí hợp đồng với Muangthong United của Thái Lan...
Đúng là tôi đã kí hợp đồng trong những ngày đầu tháng Một. Ở thời điểm đó, rất ít người biết về chuyện này. Với tôi, đây là bước nhảy vọt, bởi chất lượng của giải Thái Lan cao hơn V.League. Rõ ràng, đó là bàn đạp vô cùng chất lượng.
Liệu mục tiêu tiếp theo của anh sẽ là Nhật Bản?
Ai cũng có mục tiêu cho mình. Thường thì các cầu thủ ở giải Thái Lan đều nhận được sự quan tâm của những đội bóng tại J League. Tuy nhiên, tôi không muốn nói về chuyện này, mà thay vào đó là lời cảm ơn dành cho người đại diện Andrei Grushin.
Vậy anh có mơ ước được thi đấu tại Nga hay không?
Giải Ngoại hạng Nga ư? Chắc là không. Theo quy định mới, việc sang Nga chơi bóng sẽ là rất khó khăn. Có thể đến 30 tuổi tôi mới được thi đấu ở đó. Nhưng hiện tại, khi đang còn trẻ, tôi muốn được ra sân ở một giải đấu có trình độ cao như tại châu Âu, hoặc chí ít cũng là Nhật Bản.
Biệt danh của anh ở Việt Nam là gì?
Lâm "Tây", hoặc là chú gấu Nga.
Anh có muốn nói gì với những người hâm mộ tại Nga không?
"Tôi rất vui vì mọi người biết đến mình" - Rất mong là mọi người sẽ tiếp tục ủng hộ chàng trai mang trong mình hai dòng máu Nga - Việt. Nước Nga vẫn luôn nằm trong trái tim của tôi, và một lần nữa, tôi rất vui vì sự ủng hộ của các CĐV tại Nga!