Dân Việt

Quảng Ninh hoàn thành cấp điện cho 100% hộ dân

Nguyễn Quý 27/01/2019 19:04 GMT+7
Ngày 27.1, 20 hộ dân tại bản Đồng Thắng, xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) đã được cấp điện lưới quốc gia. Đây là số hộ dân cuối cùng của tỉnh Quảng Ninh được sử dụng điện lưới quốc gia hoặc sử dụng điện từ pin năng lượng mặt trời do tỉnh đầu tư.

img

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cắt băng khánh thành dự án. Ảnh: Nguyễn Quý.

Dự án cấp điện cho các điểm/cụm dân cư dưới 20 hộ trên địa bàn tỉnh chưa được sử dụng điện khởi công từ tháng 10.2018, tổng mức đầu tư trên 54 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh. Quy mô dự án gồm: Xây dựng mới 5,7km đường dây 35kV; 8,5km đường dây 22kV; 23,3km đường dây hạ thế; thi công lắp đặt 11 trạm biến áp với tổng công suất 750kVA; lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời cho 210 hộ sử dụng điện và lắp mới 276 công tơ điện một pha. Như vậy, có 486 hộ dân vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của tỉnh đã được thụ hưởng dự án (trong đó huyện Bình Liêu nhiều nhất với 262 hộ dân).

Với dự án trên, Quảng Ninh đã đạt được mục tiêu 100% hộ dân trong toàn tỉnh được sử dụng điện lưới quốc gia hoặc sử dụng điện từ pin năng lượng mặt trời do tỉnh đầu tư.

img

Ông Chìu Cắm Dường (bản Đồng Thắng, xã Đồng Văn, Bình Liêu) lần đầu tiên được sử dụng điện lưới. Ảnh: Nguyễn Quý.

Ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, khẳng định: Trong thực hiện đột phá chiến lược về hạ tầng, tỉnh không chỉ ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông mà còn quan tâm và dành nguồn lực đầu tư rất lớn để phát triển hạ tầng điện, đặc biệt là tại khu vực vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo và các xã, thôn khó khăn trên địa bàn. Với nỗ lực đó, từ năm 2013 đến nay, Quảng Ninh lần lượt hoàn thành việc đưa điện lưới quốc gia ra huyện đảo Cô Tô, 5 xã đảo thuộc huyện Vân Đồn, xã đảo Cái Chiên (huyện Hải Hà).

Đây đều là những dự án đầu tư lớn, thi công khó khăn, phức tạp, nhưng với quyết tâm của tỉnh cùng sự nỗ lực của ngành Điện và các đơn vị liên quan nên tất cả đều đã hoàn thành, đưa vào sử dụng. Qua đó, phục vụ người dân trong sinh hoạt, sản xuất và thúc đẩy phát triển KT-XH khu vực nông thôn, rút ngắn khoảng cách với thành thị. Các dự án hạ tầng điện đến với vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn có ý nghĩa rất lớn trong công tác an sinh xã hội, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của tỉnh đối với những địa bàn này.

Riêng đối với dự án cấp điện cho các điểm/cụm dân cư dưới 20 hộ trên địa bàn tỉnh chưa được sử dụng điện là hạng mục quan trọng trong Chương trình đưa các xã, thôn/bản ra khỏi diện đặc biệt khó khăn của tỉnh. Qua đó, góp phần vào việc thực hiện mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2019, không còn xã, thôn/bản đặc biệt khó khăn, về đích trước cả nước 1 năm; đến năm 2020 hoàn thành Chương trình xây dựng nông thôn mới.