Giải cứu cháu gái
Trưởng Công an xã Trung Lý (huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa) Giàng A Lâu kể, cháu gái mình là Giàng Thị D (SN 2000, trú bản Pa Búa) mồ côi cha từ khi còn nhỏ, hoàn cảnh gia đình rất nghèo khó.
Trưởng Công an xã Trung Lý Giàng A Lâu kể lại quá trình giải cứu cháu gái bị lừa bán.
Khoảng tháng 8.2017, D có quen một người đàn ông dân tộc Mông trên Facebook và thường xuyên nói chuyện với nhau. Người này giới thiệu là Giàng Sinh, hiện đang sống ở Thái Lan và làm giám đốc công ty thương mại quốc tế.
Sau nhiều lần nói chuyện, được Giàng Sinh gửi quà, hắn hứa hẹn sẽ lấy D làm vợ đưa sang Thái Lan sinh sống.
Cuộc sống khó khăn, lại thấy Giàng Sinh quan tâm nên D đã bỏ nhà đi theo.
3 tháng sau đó, D bắt xe khách đến cầu Hồi Xuân (huyện Quan Hóa) để gặp Giàng Sinh. Đến điểm hẹn, có 2 người Mông (1 nam, 1 nữ) tự giới thiệu là bạn của Giàng Sinh đến đón.
Tin theo, D cùng hai người nói trên đi trên xe ô tô 4 chỗ sang Hòa Bình, rồi theo QL6 đến Xuân Mai dừng ăn cơm. Sau bữa cơm, hai người này để lại chiếc ô tô rồi bắt taxi đi tiếp.
Lúc này D ngủ thiếp đi không còn biết gì, khi tỉnh dậy đã thấy mình đang ở bên TQ. Hôm sau, D bị bán cho một người đàn ông TQ (khoảng 50 tuổi) với giá 78.000 NDT.
Thời gian đầu, D bị giam lỏng. Đến ngày 11.3.2018, D mới được ra ngoài đi mua sắm, dùng điện thoại di động. D đã vào Facebook tìm cách liên lạc với người thân là chú họ Giàng A Lâu.
Nhận thức kém cộng với cuộc sống khó khăn, nhiều phụ nữ ở Mường Lát dễ bị dính bẫy.
“Gặp được tôi, cháu D khóc lóc và nói chú cứu cháu với... Tôi dặn cháu, giờ tiếng họ mình không biết, phải ngoan ngoãn làm theo yêu cầu của gia đình họ để lấy lòng tin, đồng thời phải tìm được đồn công an gần nhất. Dù không biết tiếng, nhưng cứ chạy đến khóc lóc, nói Việt Nam, Việt Nam, công an họ sẽ tự hiểu”, anh Lâu kể lại.
Làm theo lời chú dặn, cuối tháng 3.2018, D bỏ trốn đến đồn công an để trình báo. D đã khai bị bán sang TQ, sau đó được công an trao trả về qua Đồn biên phòng Bảo Lâm (Lạng Sơn).
Dụ lời mật ngọt, lừa bán làm vợ xứ người
Đại úy Phạm Hồng Khoái (Đội trưởng Đội an ninh, Công an huyện Mường Lát) cho biết, thống kê đến hiện tại toàn huyện có 74 phụ nữ vắng mặt khỏi địa phương nghi lấy chồng hoặc bị lừa bán sang Trung Quốc.
Xã Trung Lý có 36 trường hợp, Mường Lý 24 trường hợp, còn lại rải rác ở Tam Chung, Nhi Sơn, Pù Nhi.
Theo đại úy Phạm Hồng Khoái, nguyên nhân của việc trên xuất phát từ nghèo khó, nên khi có người Mông ở khu vực phía Bắc dụ dỗ đưa đi làm, hứa hẹn kiếm được nhiều tiền là họ lập tức đi theo.
Trung Lý là xã đứng đầu về số phụ nữ vắng mặt tại địa phương.
Thủ đoạn chính của các đối tượng là nhắm vào mạng xã hội Facebook để kết bạn.
Bọn chúng tự xưng người Mông ở trên Lạng Sơn, Hà Giang, Lào Cai… dụ dỗ bằng những lời mật ngọt như: Yêu thương, lấy làm vợ hoặc tìm việc làm kiếm được nhiều tiền, đến khi bị bán sang TQ mới té ngửa.
“Hiện nay có hai đối tượng chính, một là người Trung Quốc sang Việt Nam vào tận nhà người dân để hỏi lấy con gái làm vợ. Trường hợp thứ 2, đối tượng người Mông ở các tỉnh Hà Giang, Lào Cai lấy lý do về thăm thân, đăng ký tạm trú rồi ở lại lôi kéo dụ dỗ đi làm ăn. Do không có việc trao đổi, mua bán không cấu thành tội phạm nên rất khó để xử lý”, đại úy Khoái nói.
Cũng theo ông Khoái, có những trường hợp được ngăn chặn kịp thời, tuy nhiên bản thân người bị lừa không khai báo, giấu thông tin nên rất khó để phát hiện.
Đơn cử tháng 11 vừa qua, Công an huyện đã ngăn chặn được 2 trường hợp là em Hoàng Thị L (SN 2003) và Hoàng Thị T (SN 2000), trú bản Xa Lao theo người lạ mặt ra Quảng Ninh.
Khi xe khách đến huyện Bá Thước, công an đã ngăn chặn kịp thời đưa hai em xuống xe. Hỏi về người lạ mặt đi cùng, các em nhất quyết không nói.
Công an đến tận thôn bản tuyên truyền để người dân không bị đối tượng xấu lừa đảo bán sang Trung Quốc.
Thượng tá Gia Nọ Pó, Phó trưởng Công an huyện Mường Lát cho biết thêm, những năm gần đây, các đối tượng thường lên Facebook tìm những cô gái nhẹ dạ, nghèo khổ để dụ dỗ. Có những kẻ còn đóng vai tán tỉnh để các cô gái Mông mang lòng yêu rồi khi gặp là lừa đưa sang Trung Quốc.
“Giải pháp trước mắt là các bậc cha mẹ cần phải nhắc nhở con cái về những thủ đoạn mà bọn buôn người hay dùng trên mạng. Kịp thời tố giác đến cơ quan chức năng về những hành vi của tội phạm mua bán người để có cơ sở xử lý, tuyên truyền”, thượng tá Pó chia sẻ.