Vào những ngày cận Tết:
Các công ty, cơ quan, đoàn thể - Tất niên.
Các đoàn hội, nhóm hội – Tất niên.
Bạn bè thân cận, hàng xóm – Tất niên.
Người người Tất niên, nhà nhà Tất niên. Trong mỗi bữa tiệc đó không thể nào thiếu đi những chén rượu để “tăng thêm không khí” và “tăng tình đoàn kết”.
Tất niên, gặp gỡ bạn bè đã cùng đồng hành với mình trong một năm qua và gửi lời chúc mừng đến nhau khi về quê ăn Tết là điều tốt. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều người dùng chính bữa tiệc này để rồi “ép rượu, ép bia”. Họ sử dụng những lý do khiến cho người cùng bàn khó có thể chối từ như “bạn bè lâu mới gặp phải vui hết mình, phải uống hết mình”, “sợ vợ hay sao mà về sớm thế”…. Xong tiệc rượu Tất niên để trở về nhà cũng là lúc “hơi men nồng đượm” trong anh.
Ảnh minh họa. I.T
Để rồi gần 1 tháng cận Tết này, trên các trang mạng xã hội, báo chí đưa tin, lượng người bị tai nạn giao thông chỉ vì chén rượu, “chén tạc chén thù” của Tất niên. Vậy là Tất niên cũng đồng nghĩa với việc hết Tết của gia đình người bị nạn.
Thế nhưng, có ai khi ngồi vào bàn nhậụ mà nghĩ về những người ở phía sau mình không?
Đó là người mẹ, người bố đi ra đi vào ngóng đợi dù đêm khuya đến đâu.
Đó là người vợ ngồi bên bàn cơm chờ.
Đó là đứa em sốt ruột vì sợ anh quá chén.
Hệ quả của việc quá chén trên bàn nhậu, và ngẫu hứng khi say thì ai cũng biết rồi đấy.
Có thể trên bàn nhậu mình vui một nhưng niềm vui đó được mua bằng sự thấp thỏm lo âu của rất nhiều người thân của bạn.
Vậy nên đừng để Tất niên là hết Tết!
* Bài viết thể hiện quan điểm của người viết. Tít bài do Dân Việt đặt.