Dân Việt

Gần xa câu hát thêm thương

Nguyễn Quang Hưng 08/02/2019 16:17 GMT+7
Gần đấy, mà rồi xa thế. Xa xôi mà lòng dạ lại hóa gần từ bao giờ. Câu hát sao mà có sức dẫn dụ người theo. Bởi vì nó hay, nó đẹp, nó cởi mở vô ngần. Mà nữa, phải có người hát để luồn đẩy âm thanh, giọng điệu vào câu hát, để mà trông thấy nhau...

Hát cứ như đã bao năm chả gặp. Hát cứ như bao năm sau nữa mới có thể thấy lại nhau. Hát như lát nữa thôi, những bóng người khuất vào rặng tre bên kia sông là mình sẽ khóc rưng rức. Mà lúc này đây, đã thấy nao nao lắm rồi!

Nao nao thật ấy, ông anh người Quảng Trị ra công tác Hà Nội, anh em đưa đi nghe hát bên Bắc Ninh từ trưa đến tối, xen đó là thăm chùa trên núi, vào đình bên hồ thắp hương, chơi vòng quanh phố xá để cảm nhận cảnh quan không khí miền đất, quan họ cất lên cứ lặng lẽ mà ngồi nghe, lúc đại diện thưa đôi lời để chào tạm biệt, nói thấy trong lòng đã nao nao, cái nao nao của con người mang đậm dấu vùng đất khác. Lần đi nghe hát đó ở làng Đặng, chỉ mấy năm trước thôi, mà sao đã phủ lớp gió sương kỷ niệm.

img

Khó lòng đặt con mắt nay vào lối sống người xưa để mà nghiền ngẫm theo cách mới được. Rằng làng quê kết chạ xa nhau chẳng mấy đường đất, chục cây, hơn chục cây là nhiều. Muốn gặp gỡ, để mà hát với nhau thôi nhé, chứ không phải tự tình gần gũi gì như chính lời bài hát đã giục giã “sang đây tự tình” đâu, có lẽ cũng không khó khăn mấy, kể cả ngày xửa ngày xưa các anh các chị có đi bộ. Vậy mà sao người quan họ với nhau và những lời ca giữa họ cứ lưu luyến thế?

Không cố đặt mắt nhìn của mình như thế, nhưng mà vẫn cứ băn khoăn, sao cũng gần gần thế thôi, năm chẳng lẽ không thấy nhau đến mươi lần. Chẳng riêng câu chuyện đối đãi giao duyên, mà rồi còn đi chợ, đi thăm nom qua lại đôi bên bè bạn. Thế thì sao phải quấn bện trong ý nghĩ, lời lẽ, câu hát đến như vậy. Liền anh hát: “Nhớ ai (thì tôi) nhớ mãi thế này (ừ hừ hự)/Càng tương tư mặt (i hi) càng cay (bên) đắng (a) lòng”. Liền chị hát: “Về là chứ đôi em về/Mai em lại (mà lên) chơi ngay”, nghe đã thấy “ghê”! Tất nhiên, chẳng phải lên ngay đâu, nhưng lời ca nó thế, nó thúc giục vô cùng. Không lên bằng chân đi, bằng người thật đây, thì cũng lên bằng vọng tưởng, bằng nỗi niềm rồi đấy!

img

Nghệ thuật nó có sức hút tự thân ghê gớm lắm! Ở xa, nó kéo con người, kéo lời ca tiếng hát vào gần nhau ấy chứ! Tôi nhớ hồi đầu tình cờ “lọt vào” nhà “bà trùm” Quýnh ở chân dốc Đặng, do đi tìm một ông đạp xích lô sưu tầm và hát hàng trăm bài quan họ. Không thấy ông xích lô, nhưng gặp được quân y sĩ hưu trí Nguyễn Thị Kim Quýnh đang dở tay một việc gì đó. Cô Quýnh pha trà mời, nói đôi ba câu chuyện, tôi hỏi đôi điều về quan họ, thì đã thấy anh hai Ninh nhà ở mấy xóm sau sang chơi, chút nữa lại có anh hai Hiển ở xóm đằng đê xuống, hai liền anh hồi đó từng đã giành giải Nhất hát quan họ toàn tỉnh. Hai anh hát vang lắm, người giọng mạnh khỏe, người giọng nền nã, mềm mại, hòa với nhau khiến lòng người nghe rộn ràng. Càng sau tôi càng thấy những người như thế, không được hát thì tự mà nhớ nhung câu hát lắm lắm! Cho nên đã có người hát cặp với mình ưng ý rồi, thì phải gặp nhau nhiều mà hát.

Những lời ca chưa đựng bao nhiêu là đồ vật, nhịp sống, không gian, đường đất đi về và đường thăm thẳm của tâm trạng. Là giăng là gió của đời nó vận vào suy tưởng. Nó hóa vào những anh hai, chị ba, chị tư, anh năm cụ thể, để từ một người mà thấy thêm người đó thật nhiều, tâm hồn những người ấy thật rộng. Thế rồi cứ gần cứ xa, cứ viễn vọng, muôn hình, để rồi lại đối diện, gần bên và cứ thêm lên ở trong những người quan họ với nhau, với mình, bao nhiêu mến thương, trân quý.