Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex – HNX: VCG) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV.2018 với doanh thu và lợi nhuận sụt giảm mạnh.
Lợi nhuận từ nghìn tỷ về trăm tỷ
Cụ thể, doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ quý IV.2018 đạt 3.340,6 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ. Giá vốn giảm chậm hơn từ mức 3.420 tỷ xuống còn 2.874 tỷ đồng vào quý IV.2018 khiến lợi nhuận gộp của Vinaconex còn 447 tỷ đồng, giảm 45% so với cùng kỳ 2017. Biên lợi nhuận gộp giảm mạnh còn 13,4% trong khi cùng kỳ năm trước đạt trên 19%.
Trong kỳ, doanh thu tài chính giảm mạnh với trên 700 tỷ đồng do cùng kỳ năm trước công ty thoái vốn hàng loạt công ty con trong đó có công ty nước sạch Vinaconex (Viwasupco). Thay vào đó, lãi từ liên doanh liên kết gấp 6 lần cùng kỳ và lợi nhuận khác đột biến gần 50 tỷ đồng.
Trong khi đó, chi phí tài chính trong kỳ giảm từ mức 88 tỷ xuống còn gần 71 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí lãi vay lại tăng từ 61 tỷ lên 73 tỷ đồng. Chi phí bán hàng cũng tăng 40% lên 30 tỷ đồng.
Kết quả, quý IV.2018, Vinaconex giảm lãi trên 73% về mức 340,5 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Lợi nhuận sau thuế gần 268 tỷ đồng, tương đương 27% của cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế năm 2018, doanh thu thuần Vinaconex giảm 10% còn 9.721 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế 788 tỷ đồng; Lợi nhuận sau thuế giảm 61% còn 636 tỷ đồng.
Cuối năm 2018, tổng tài sản của Vinaconex giảm khoảng 1.500 tỷ so với đầu năm còn 20.083 tỷ đồng. Sự sụt giảm chủ yếu ở khoản mục tiền và tương đương tiền (861 tỷ), phải thu về cho vay dài hạn (430 tỷ) và các khoản đầu tư tài chính dài hạn (382 tỷ).
Vốn chủ sở hữu của Vinaconex tăng nhẹ từ 7.858 tỷ lên 8.019 tỷ đồng, trong đó vốn điều lệ là 4.417 tỷ đồng. Tổng vay nợ cuối năm của tập đoàn này ở mức 3.708 tỷ đồng, giảm khoảng 330 tỷ so với đầu năm.
Không chỉ gây bất ngờ về kết quả kinh doanh sụt giảm mạnh, năm 2018 vừa qua còn là 1 năm ghi nhận nhiều dấu ấn quan trọng đối với Vinaconex.
Theo đó, SCIC và Viettel thoái vốn khỏi Vinaconex với mức giá "thành công vượt kỳ vọng", thu về gần 9.400 tỷ đồng vào cuối tháng 11. Kể từ ngày 13.12.2018, ba cổ đông là Công ty TNHH An Quý Hưng (57,71% vốn), Công ty TNHH bất động sản Cường Vũ (21,28% vốn) và Công ty TNHH Đầu tư Star Invest (7,57%) đã nắm giữ toàn bộ cổ phần nhà nước tại Vinaconex. Chỉ sau 1 tuần nắm vốn, Vinaconex đã thay Tổng giám đốc và sau 1 tháng thay đổi toàn bộ thành viên hội đồng quản trị. Công ty này cũng vừa ra nghị quyết tạm ứng cổ tức 10% bằng tiền mặt và xóa bỏ ngành nghề để mở room ngoại.
Như vậy, đây cũng sẽ là báo cáo tài chính cuối cùng của Vinaconex dưới danh nghĩa một tổng công ty có vốn Nhà nước.
"Thách thức" mục tiêu đưa Vinaconex thành top 3 công ty xây dựng Việt Nam
Trong 1 diễn biến khác, tại ĐHCĐ bất thường của Vinaconex vào 11.1.2019, Chủ tịch HĐQT Vinaconex Đào Ngọc Thanh với tư cách là người đại diện cho nhóm cổ đông lớn An Quý Hưng, chia sẻ "Trong ngành xây dựng - bất động sản, tôi không phải là một nhân vật xa lạ. Bản thân giới truyền thông cũng viết nhiều về tôi, trên google các bạn gõ tên tôi sẽ thấy rất nhiều".
"Tôi là sinh viên xây dựng năm 1966, năm 71 đứng trên bục giảng xây dựng và 2004 thì làm CEO cho Ecopark. Tôi đến đây với tư cách đại diện nhóm cổ đông lớn An Quý Hưng. Tôi không phải đại gia làm thương mại hay kinh doanh. Chúng tôi đại diện cho nhóm cổ đông, muốn tập hợp anh em lại để làm gì đó cho Vinaconex”
Vị chủ tịch Vinaconex nhấn mạnh, không chỉ các cổ đông mà ngay bản thân ông cũng mong muốn đưa Vinaconex lên TOP3 trong ngành xây dựng, không có lý do gì mà ông và các cổ đông không mong muốn.
Chủ tịch HĐQT Vinaconex Đào Ngọc Thanh
Trong giai đoạn trước, có lẽ vì cơ chế hoặc bởi một thời gian dài, Vinaconex say mê về những câu chuyện khác nên đã bỏ quên đi việc tạo dựng một thương hiệu ở trên nóc của các công trình, trên cổng các công trường khắp Việt Nam.
"Chúng ta không có một thương hiệu gì về xây lắp, điều này là vô lý và khiến chúng ta phải suy nghĩ", ông Thanh nhấn mạnh.
Trong tương lai, ông Thanh nung nấu mong muốn đưa thương hiệu Vinaconex lên trên nóc các tòa nhà lớn, tại khắp những công trình trong nước. Mục tiêu sau đó đưa Vinaconex trở thành doanh nghiệp TOP 3 sẽ không phải là "câu cửa miệng" mà phải thực hiện với một tinh thần nghiêm túc.
“Không có gì mà chúng ta không làm được như Cotecons”, Chủ tịch Vinaconex khẳng định.
Với tham vọng xa hơn, ông Thanh nhấn mạnh rằng, Vinaconex là một thương hiệu, một tên tuổi, không chỉ xây lắp mà đa ngành nghề. "Nếu chúng ta chỉ dừng lại với việc tạo dựng thương hiệu xây lắp trên nóc các tòa nhà thì chúng ta đã quên đi một nửa giang sơn, một nửa gánh nặng trách nhiệm của những người muốn xây dựng Vinaconex", chủ tịch Vinaconex chia sẻ.
Vinaconex sẽ phải là nhà đầu tư, những nhà phát triển bất động sản, những khu đô thị lớn, phải ra được những khu công nghiệp kiểu mẫu mà thế giới phải thừa nhận, đáp ứng được môi trường cảnh quan, tạo ra môi trường sống đích thực của người Việt Nam. Phải chọn được những ngành nghề gần gũi, xác thực với ngành nghề của Vinaconex.
Kể ra như vậy để thấy, tham vọng đưa Vinaconex vươn tới một tương lai mới, thực sự chuyển mình tạo nên dấu ấn trên thị trường của vị chủ tịch Đào Ngọc Thanh là hiện hữu. Thế nhưng, liệu rằng tham vọng đưa Vinaconex trở thành thương hiệu trên nóc các tòa nhà lớn, tại khắp những công trình trong nước và sẽ là doanh nghiệp TOP 3 trong ngành xây dựng của tân chủ tịch Đào Ngọc Thanh có sớm trở thành hiện thực hay không khi kết quả kinh doanh của Vinaconex giảm sút quá mạnh trong năm 2018 và cũng là mức lợi nhuận thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây?