Theo đó, dự thảo yêu cầu các tổ chức, cơ quan, trong đó có các ngân hàng thương mại phải cung cấp thông tin tài khoản khách hàng cho cơ quan quản lý thuế.
Riêng với ngân hàng thương mại, các đơn vị này có trách nhiệm cung cấp thông tin tài khoản của khách hàng là người nộp thuế mở tại ngân hàng cho cơ quan quản lý thuế, gồm nội dung giao dịch tài khoản, số dư tài khoản người nộp thuế trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu cung cấp thông tin của cơ quan quản lý thuế.
Ngay sau thông tin này, dư luận được một phen nóng ran. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ngay lập tức lên tiếng cho rằng, quy định trên chưa bảo đảm tính minh bạch vì không rõ trong các trường hợp nào thì cơ quan quản lý thuế có quyền yêu cầu ngân hàng thương mại cung cấp các thông tin này và căn cứ vào nhu cầu quản lý nhà nước cụ thể là gì.
"Nếu quy định mở như hiện nay thì có khả năng hiểu theo nhiều cách khác nhau, việc áp dụng có thể rất tùy tiện trên thực tế" đại diện VCCI bày tỏ quan điểm.
Chưa kể, quan hệ giữa ngân hàng thương mại và người nộp thuế là quan hệ dân sự. Khi ký kết hợp đồng, ngân hàng cần phải cho khách hàng của mình biết các trường hợp thông tin của họ sẽ được cung cấp cho bên thứ ba. Các trường hợp này theo VCCi cần phải hợp lý và rõ ràng để bảo đảm quyền và lợi ích của cá nhân, tổ chức và bảo đảm ngân hàng thương mại không phải chịu gánh nặng tuân thủ yêu cầu này của cơ quan quản lý thuế.
VCCI lo lắng, đề xuất ngân hàng thương mại cung cấp thông tin tài khoản khách hàng cho ngành thuế nếu áp dụng có thể rất tùy tiện trên thực tế. Ảnh minh họa.
Thảo luận về nội dung này sau đó, đại biểu Phạm Thị Thu Trang, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách tỉnh Quảng Ngãi cũng bày tỏ quy định như trên là chưa phù hợp chưa phù hợp vì yêu cầu bảo đảm bí mật thông tin khách hàng là nguyên tắc bảo mật thông tin của ngân hàng theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng.
Trả lời báo chí, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, dự thảo sửa đã đưa ra phạm vi cung cấp thông tin rộng quá. Theo ông, quy định chia sẻ thông tin giữa ngân hàng thương mại với cơ quan thuế đã được thực hiện ở một số quốc gia như Thái Lan, Trung Quốc, Singapore. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, đây là "trao đổi, chia sẻ chứ không phải yêu cầu cung cấp thông tin".
Ngoài ra, ông cho biết, các nước này quy định rất rõ, các ngân hàng chỉ phải cung cấp thông tin trong những trường hợp nào, thông tin ra sao và mức độ cung cấp thông tin như thế nào.
Ở hướng khác, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty luật Basico còn cho rằng, dự thảo cần nêu rõ ai được phép truy cập dữ liệu này. Ông cảnh báo, nếu không quy định rõ, tình trạng bán thông tin khách hàng sẽ xảy ra.
Sau nhiều đóng góp, mới đây, trong văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ cuối tháng 1/2019, Bộ Tài chính đã có những tiếp thu sửa đổi.
Cụ thể, dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi sẽ quy định nội dung trên theo hướng: Ngân hàng thương mại cung cấp thông tin về số hiệu tài khoản theo mã số thuế của người nộp thuế khi mở tài khoản.
Điều này đồng nghĩa, dự thảo đã lược bỏ nội dung nghĩa vụ của ngân hàng thương mại là: “Cung cấp thông tin tài khoản của khách hàng là người nộp thuế mở tại ngân hàng cho cơ quan quản ỉý thuế, bao gồm: thông tin về mở tài khoản, số tài khoản cùng với mã số thuế của người nộp thuế; đồng thời cung cấp thông tin của người nộp thuế theo quy định tại tiết a khoản 2 Điều 98 của Luật này”.
Đáng chú ý, cơ quan chức năng cũng cũng sửa dự thảo theo hướng "giao Chính phủ quy định chi tiết điều này để đảm bảo quy trình thực hiện được rõ ràng, chặt chẽ".
Nhiều doanh nghiệp, chuyên gia tiếp tục phản ứng với quy định ngân hàng thương mại phải cung cấp thông tin tài khoản của...