Dân Việt

Các gia đình ở chung cư nên cúng giao thừa như thế nào?

Diệu Thu 01/02/2019 09:55 GMT+7
Nhà nghiên cứu văn hóa tâm linh Nguyễn Đức Hiển hướng dẫn các gia đình cúng giao thừa chuẩn nhất.

Nhà nghiên cứu văn hóa tâm linh Nguyễn Đức Hiển, Viện nghiên cứu Văn hóa tín ngưỡng Việt Nam cho biết, cúng Giao thừa hay người ta còn gọi là cúng trừ tịch có ý nghĩa đem bỏ hết đi những điều xấu của năm cũ sắp qua để đón những điều tốt đẹp của năm mới sắp đến. Lễ trừ tịch còn là lễ để “khu trừ ma quỷ”, do đó có từ “trừ tịch”.

Lễ Giao thừa trong dân gian có thể hiểu như là buổi tiệc để “tống cựu nghinh tân” tiễn đưa những vị thần năm cũ đi và nghinh đón những vị thần mới. Đây chính là một tập tục đẹp thể hiện sự tri ân báo đức cũng như bày tỏ lòng mong ước được gia hộ bình an, hạnh phúc và ấm no.

img

Mâm cỗ cúng giao thừa. (Ảnh minh họa)

Theo chuyên gia Nguyễn Đức Hiển, các nhà thường sửa soạn mâm lễ để cúng giao thừa ở giữa sân. Nếu không có sân thì cúng giữa nhà, hoặc có thể làm lễ trên sân thượng.

“Đối với các gia đình ở chung cư có thể cúng giao thừa ở trong nhà mà không nhất thiết phải cúng ngoài trời. Nếu các gia đình muốn cúng ngoài trời nên xuống dưới sân của nhà chung cư”, chuyên gia văn hóa Nguyễn Đức Hiển nhấn mạnh.

Hướng đặt mâm lễ chỉ nên đặt hướng Bắc, hoặc hướng Đông tuỳ theo từng gia đình (hướng Bắc để cúng Thượng Đế, hướng Đông để cúng Thiên Tử là Vua).

Hiện nay, ngoài cúng tại gia, nhiều gia đình cúng giao thừa ở chùa, đền, miếu để cầu xin Phật Thánh phù hộ độ trì cho bản thân và gia đình suốt năm bình an, may mắn, thịnh vượng, mọi việc như ý.

Mâm lễ cúng Giao thừa ngoài trời là gồm có: Thủ lợn hoặc gà trống tơ, luộc – Bánh Chưng – Đèn nến – Vàng mã – Hoa tươi – Trầu cau – Rượu/ trà ( rượu trước, sau đến trà ) – Một chiếc mũ chuồn, đây chính là mũ để cúng tế vị thần.

Lưu ý, những lễ vật này cần được chuẩn bị từ trước thời điểm giao thừa. Chúng được đặt trên bàn hay mâm lớn kê trên một cái đôn (không để trên mặt đất). Tới đúng thời điểm giao thừa, người dân thắp đèn, hương. Nếu có chuẩn bị văn khấn trên giấy để đọc thì sau khi đọc xong, người ta đốt ngay cùng với tiền, vàng dâng cúng.

Bài khấn đêm giao thừa: 

Kính lạy chín phương Trời, lạy mười phương Đất, lạy chư Phật mười phương

Kính lạy Thượng Đế vạn năng

Kính lạy Phật Tổ vạn pháp

Kính lạy chư vị tam thiên, chư vị phật pháp

Kính lạy Ngũ Đế, Đông phương Thanh Đế, Nam phương Xích Đế, Tây phương Bạch Đế, Bắc phương Hắc Đế, Trung ương Hoàng Đế

Kính lạy thượng đàm thần tướng thiên thiên tướng

Trung đàm thần tướng thiên thiên binh

Hạ đàm thần tướng thiên thiên mã

Kính lạy sơn thần, long thần, thổ địa, thổ công táo quân, thổ kỳ lai sàng chứng giám

Kính lạy cựu niên hành khiển Trần Nhân Tông, Hưng Đạo Đại Vương hành binh chi thần, Chu Văn An phán quan.

Kính lạy đương niên hành khiển Đức Vua Lê Lợi, Lê Lai hành binh chi thần, Nguyễn Trãi phán quan.

Giờ phút giao thừa năm Bính Thân chuyển sang năm với năm Đinh Dậu tín chủ con là.... sinh ngày... tháng... năm...

Nguyên quán.... hiện thường trú tại...

Vào giờ phút linh thiêng này, con xin cung thỉnh tiễn nghinh cựu niên hành khiển và kính rước Đức Vua Lê Lợi đương niên hành khiển, Lê Lai hành binh chi thần, Nguyễn Trãi phán quan, vâng lệnh Ngọc Hoàng Thượng Đế giám tra trần thế giám sát muôn dân, trước là tiêu trừ nghiệp chướng giải hạn trừ tà, sau là ban tài ban lộc ban phúc ban thọ và sự bình an cho muôn dân thiên hạ.

Con xin kính mời ngài cựu niên hành khiển, kính mời Đức Vua Lê Lợi và các vị đương niên hành khiển, kính mời sơn thần, long thần, thổ địa thổ công táo quân thổ kỳ lai sàng chứng giám cho tấm lòng thành kính của con.

Con xin đa tạ các vị cựu niên hành khiển đã ban ơn phước lộc, sức khoẻ và sự bình an cho muôn dân trong năm qua.

Kính lạy chư ngài, tín chủ con lòng thành gọi là có chút lễ vật tiềm vàng, rượu trà nhang đăng thỉnh cầu kính mời chư vị thụ hưởng chứng giám, phù hộ cho bách gia trăm họ cùng gia đình chúng con năm mới được mạnh khoẻ, hạnh phúc, an khang thịnh vượng, cầu tài đắc kỳ tài, cầu lộc đắc kỳ lộc vận khí hanh thông, vạn sự như ý. Cầu xin cho đất nước Việt Nam được thái bình đông, tây, nam, bắc, thế giới đại đồng.

Chúng con xin nguyện tu tâm dưỡng tính làm điều tốt đẹp mang lại lợi ích cho quê hương cho đất nước cho nhân dân, trước là kính lễ Trời Phật cùng các vị tiên thần, sau là báo ơn chư vị Đế Vương Việt Nam cùng gia tiên dòng tộc. Chúng con nguyện một lòng xây dựng quê hương, xây dựng đất nước giàu đẹp và hùng mạnh.

Kính mong Thượng Đế, Phật Tổ, cùng chư ngài và tổ tiên chứng giám cho chúng con lời hứa đầu xuân.

Chúng con xin đa tạ, chúng con xin đa tạ, chúng con xin đa tạ.

Cúng xong bạn bái lạy 9 lạy sau đó bái lạy đủ 8 hướng mỗi hướng một lạy lại quay mặt vào hướng ban thờ gia tiên bái vọng thêm một lạy nữa. Sau đó, người cúng lùi ra ba bước mới được đi.

Chuẩn bị mâm cỗ, bài cúng Giao thừa thế nào cho đúng?

Lễ cúng đêm Giao thừa tiễn năm cũ, đón năm mới là nghi lễ rất quan trọng đối với mỗi gia đình.