Dân Việt

Đến Quảng Đức Xưa, nhớ làng...

HÙNG PHIÊN 02/02/2019 06:15 GMT+7
“Càng đi xa, tôi càng yêu nơi chôn nhau cắt rốn. Yêu những trầm tích lịch sử văn hóa lắng đọng trên quê mình. Vậy là tôi trở lại, dồn hết đam mê cho nhà vườn bảo tàng Quảng Đức Xưa. Để lưu giữ ký ức, sẻ chia với mọi người”.

Đó là tự sự của anh Phạm Lê Quốc Cường, chủ Không gian văn hóa du lịch làng nghề Quảng Đức Xưa, tại thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An, Phú Yên. 

Cuối năm trời mưa lạnh, vẫn râm ran từng nhóm du khách bước qua cánh cổng gỗ ướm màu thời gian của Quảng Đức Xưa. Một khuôn vườn đậm chất Nam Trung Bộ, dung dị mà không kém phần sang trọng với nền cỏ, bóng cau ánh vàng, những kiểng gốm được cắt tỉa công phu. Giữa vườn cây ăn trái thoáng đãng, khách du chợt gặp hàng trăm vật dụng dân dã của nông thôn Phú Yên từ những thế kỷ trước. Đó là những cối đá xay bột thủ công, cối quết thực phẩm, hòn đá cà (dùng để lăn, tán nhỏ ngũ cốc)...

img

Trong ngôi nhà gỗ cạnh lối vào, là câu chuyện của khung dệt ở làng nghề lụa Ngân Sơn (Tuy An) cách đây vài thế kỷ. Tiếp đó là những dụng cụ làm ruộng: cày, bừa, cối xay lúa, quạt rê lúa, đôi nừng đựng nông sản. Những vật dụng đánh bắt ven sông: cái nơm, cái đó, lộng, chấn, đăng, giỏ tre đựng cá. Những bộ sưu tập nồi đồng, bàn ủi than, điện thoại cổ, chiếc vali “quý tộc” một thời, những chiếc máy may cũ...

Ngôi nhà cổ tiếp theo bài trí những cổ vật của làng gốm Quảng Đức: những chậu kiểng, hồ cá, nồi niêu thuộc dòng gốm không tráng men. Kế đó là trưng bày dòng gốm tráng men, với những màu men quý như xanh ngọc, huyết dụ; những chum, chóe, nậm rượu… Cùng với đó là các sản phẩm độc đáo như trầm hương, tơ lụa,...

Quảng Đức Xưa tọa lạc trong thửa đất khoảng 2.000m2. Sự hài hòa, sinh động của nhà và vườn và hiện vật tạo nên cảm giác nhẹ nhàng, thư giãn cho người đặt chân đến. Bên ly cà phê mộc, pha theo kiểu những năm đầu thế kỷ XX, du khách sẽ cảm nhận phần nào dòng chảy văn hóa của một vùng đất trù phú cách đây vài thế kỷ, đang được lưu giữ một cách chân thực. Thấy như còn vẳng tiếng thoi đưa của làng lụa Ngân Sơn nổi tiếng một thời, tiếng lanh canh của đồ gốm vừa ra lò ở làng Quảng Đức ngày vang bóng...

Bên bàn cà phê dưới tán cây rười rượi, Cường say sưa kể về dòng sông Cái cạnh nhà. Đây đoạn hạ lưu của sông Kỳ Lộ, chảy qua hai huyện Đồng Xuân và Tuy An, rồi đổ ra cửa biển Tiên Châu, Phú Yên. Hai bên bờ sông là những làng mạc trù phú; trong đó, làng nghề gốm Quảng Đức nức tiếng một thời vẫn như còn ấm lò nung...

Theo những ghi chép còn lại, làng nghề gốm Quảng Đức đã có lịch sử trên 300 năm, khoảng cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII. Thời những lò gốm trong làng còn đỏ lửa, sông Cái qua Quảng Đức luôn tấp nập trên bến dưới thuyền. Nơi đây từng sản xuất từ những vật dụng bình dân như cái trã kho cá, cái lu, cái chát đựng nước, đến những sản phẩm tráng men cao cấp đòi hỏi kỹ thuật cao, như: độc bình, lọ kiểng, chum, chóe, nậm rượu, bình vôi, chậu cá cảnh... Một thời, gốm Quảng Đức chiếm lĩnh thị trường khu vực miền Trung - Tây Nguyên, Nam Bộ, thậm chí sang cả Tây Âu. Minh chứng điều đó, tại Quảng Đức Xưa đang lưu giữ một số hiện vật khá nguyên vẹn, có khắc rõ dòng chữ “1934 Village Quang Duc”. Họa tiết và màu men tinh tế của dòng gốm này đã được các thương nhân người Pháp gom để xuất sang châu Âu.  Phạm Lê Quốc Cường lý giải thích thêm về sự “độc nhất, vô nhị” của dòng gốm Quảng Đức, đó là các nghệ nhân làng đã dùng vỏ sò đầm Ô Loan (Phú Yên) để tạo nên hoa văn tự nhiên, trong lúc nung sản phẩm. Nguyên liệu làm gốm Quảng Đức là đất sét được lấy quanh vùng. Gốm thô vừa nặn xong sẽ được người thợ đưa vào lò nung, chèn áp xung quanh bằng vỏ sò huyết Ô Loan. Tiếp đó, dùng củi bằng lăng nung 3 ngày 3 đêm. Quá trình nung này đã làm vỏ sò nóng chảy bám vào bề mặt sản phẩm gốm,  tạo thành một lớp men và hoa văn độc đáo, chẳng cần trực tiếp tay người.

img

Hàng chục năm cùng người thân nung nấu xây dựng không gian Quảng Đức Xưa, Phạm Lê Quốc Cường đã cho mở cửa đón khách từ tháng 9.2017. Sau đó một năm, Sở VHTTDL Phú Yên gắn biển công nhận Không gian văn hóa du lịch làng nghề Quảng Đức Xưa.