Theo như các tài liệu ghi lại, khu vườn xưa của dòng họ Nguyễn Tiên Điền thời kỳ đầu chỉ là một cù lao nổi do quá trình bồi đắp giữa sự hợp lưu của con sông Tân Quyết đổ vào sông Lam. Khi Nam Dương hầu Nguyễn Nhậm - gốc ở làng Quanh Hoạch, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội), một tướng giỏi của nhà Mạc bị Trịnh Tùng đánh thất thủ ở vùng đất Thanh Hoá, trên đường rút chạy, ông đã chọn khu đất ấy để mai danh ẩn tích. Ngày ấy, cả một vùng chỉ có lau sậy hoang vu. Từ khi đặt chân lên vùng đất ấy, Nam Dương hầu Nguyễn Nhậm dựng trại lập điền, bắt tay vào cuộc khẩn hoang, hình thành nên những nương mạ bãi dâu... Sau này Nguyễn Nhậm được dân làng dựng vợ lập chồng, con đàn cháu lũ, một dòng họ mới Nguyễn Tiên Điền hình thành sánh vai cùng các dòng họ khác. Hàng năm, bãi bồi lấn rộng ra đến đâu, cây cối trong vườn được trồng ra đến đấy, tạo thành một khu vườn của gia tộc họ Nguyễn rộng trên 4ha bên bãi bồi sông Lam. Tuy vậy thời kỳ này cây xanh trong vườn chỉ là cây bần, cây đước trồng lên nhằm chống xói lở, bão dông.
Cây bồ lỗ (phải) và cây muỗm hiện nay ở Khu lưu niệm Nguyễn Du. ảnh: K.D.T
Phải đến đời thứ 5 Nguyễn Quỳnh - ông nội của đại thi hào Nguyễn Du, vừa là một nhà nho dạy học ở trường làng, vừa sáng tác văn chương, ông lấy thú điền viên trồng cây xanh làm niềm vui tao nhã, mới bắt đầu chú tâm vào cải tạo khu vườn tạp trồng cây xanh, hoa lá. Cây cối được chăm chút tươi tốt xum xuê, hoa trái trĩu cành. Theo truyền ngôn của dân làng: Nguyễn Quỳnh sinh hạ được 6 người con trai và 5 con gái, trong đó, có ba người con trai Nguyễn Huệ, Nguyễn Nghiễm, Nguyễn Trọng là những người sớm có tư chất thông minh. Sinh thời, Nguyễn Quỳnh có một ước nguyện, những người con này khi đến tuổi trưởng thành sẽ thành danh, đậu đạt cao, giữ chức lớn trong triều đình, được cấp xe ngựa đi lại, nên ông quyết định trồng ba cây xanh bên bờ vườn cho ba người con mỗi khi về thăm nhà làm nơi buộc ngựa. Cây thứ nhất đứng vào hàng đầu là cây Rói, ứng với người con trai là Nguyễn Huệ - 25 tuổi đậu cử nhân, đến 28 tuổi đậu tiến sỹ rồi được bổ làm tri phủ vùng La Sơn (nay là vùng Đức Thọ, Hà Tĩnh). Cây thứ hai đứng, chính giữa là cây Muỗm (một họ với cây xoài) ứng với Nguyễn Nghiễm - 24 tuổi đậu tiến sỹ (1731), sau được bổ làm tể tướng trong triều. Cây thứ ba là cây Bồ Lỗ (dân địa phương còn gọi là cây Nóng), ứng với Nguyễn Trọng - đậu cử nhân, sau thi Hội đỗ tam trường (tương đương phó bảng sau này).
Quả như lòng ước nguyện, ba người con trai của Nguyễn Quỳnh về sau đều làm to, hàng năm lễ, tết con cháu đều
Nếu tính từ khi Nguyễn Quỳnh - ông nội Nguyễn Du trồng - thì 2 cây đã gần 260 năm tuổi. |
về sum vầy đông đủ, ba cây xanh trở thành nơi buộc ngựa cho những người con trai thành danh.
Sau này, khu di tích được quy hoạch, trở thành khu di tích quốc gia đặc biệt, 3 cây cổ thụ trên trở thành những di tích sống, được bảo vệ và chăm sóc đặc biệt. Tuy nhiên, đến năm 1982 một trận bão mạnh đã quật đổ cây Rói.
Năm 1997 hai cây xanh cổ thụ Muỗm và Bồ Lỗ đã đến thời kỳ già cỗi, lòng cây đã bị mục ruỗng, nhiều cành bị gãy, tầm gửi bám đầy thân cây. Tổ chức UNESCO đã cấp kinh phí để bảo tồn hai cây xanh. Các nhà chuyên môn đã tiến hành chăm sóc, xử lý chống mối mọt, sâu bệnh, bón phân, đổ đất màu... Nhờ vậy, 2 cây trở lại xanh tốt, có độ cao hàng chục mét, thân cây một người ôm không xuể. Hiện nay, cây Bồ Lỗ vẫn nở hoa, cây Muỗm vẫn cho đầy quả...