Sau đêm đó, tôi đã nhận được rất nhiều hồi âm thân thiết từ khán giả, kể cả những người tôi gặp gỡ ngoài đời cũng như bạn bè trên Facebook. Và tôi biết, sở dĩ như vậy là vì bài thơ của Lưu Quang Vũ quá hay và vì tình cảm bao lâu nay mọi người vẫn giành cho tác giả của những vần thơ và cả những vở kịch tuyệt vời, người đã rời xa chúng ta quá sớm khi đang đứng trên đỉnh cao của sáng tạo.
Bài thơ - một phần ký ức
Với tôi, bài thơ “Vườn trong phố” là một kỷ niệm khó quên, một phần trong ký ức tuổi trẻ của tôi. Sự thật tôi đã đọc bài thơ này trên báo Văn Nghệ, khi nó còn chưa được in trong tập thơ “Hương cây – Bếp lửa” của Lưu Quang Vũ và Bằng Việt vào năm 1968. Tôi đọc một lần, một lần thôi, và đã thuộc lòng nó, cho đến tận bây giờ tôi vẫn có thể nhắm mắt lại và đọc bài thơ này không sai một chữ. Chỉ cần nói thế chắc mọi người đã biết bài thơ ấy gây ấn tượng như thế nào và tôi đã yêu nó ra sao.
Vâng, “Vườn trong phố” là một bài thơ có thể đóng dấu cho hồn thơ và tài thơ của Lưu Quang Vũ.
“Trong thành phố có một vườn cây mát/Trong triệu người có em của ta”. Hai câu thơ mở đầu của bài thơ đã xác định hai chất liệu thơ, hai nguồn cảm hứng của bài thơ là khu vườn xanh tươi giữa một chốn phồn hoa đông đúc, tự thân nó đã như một ốc đảo mát rượi hiếm hoi giữa sa mạc của những nhà cửa gạch ngói, bê tông và sắt thép… Và đó cũng là nơi có “em của ta”, một hình bóng thân yêu của riêng ta, giữa bạt ngàn người đang nườm nượp trẩy đi trong thành phố, một bến tịnh giành riêng cho ta, giữa biển cả “triệu người” mà ta xa lạ. Tác giả đã cực tả cái ấn tượng thân yêu mà khu vườn nhỏ của em tạo ra cho mình, tất cả đều đập vào trực cảm, từ hình ảnh, âm thanh, màu sắc, mùi vị: “Hoa tím, chim kêu, bàng thưa lá nắng/Con nhện đi về giăng tơ trắng/Trái tròn căng mập nhựa sinh sôi…”.
Đã “tròn”, còn “căng”, lại “mập” và… “nhựa sinh sôi”, một câu thơ mà nhồi nhét bao nhiêu sự tràn trề sức sống của cõi đời này. Sự say người mang chất nhục cảm trong những câu thơ của chàng thi sĩ trẻ thời chống Mỹ, khi cực tả làn môi dịu dàng và “ẩm ướt” của người yêu và mấy câu thơ ngon lành như ăn được: “Dưa hấu bổ ra thơm suốt ngày dài/Em cũng mát lành như trái cây mùa hạ”.
Với cách ca ngợi một làn da đầy sức sống, làn da “nâu”, da bánh mật, chứ không phải là làn da trắng nõn trắng nà như người dân xứ da vàng chúng ta vốn vẫn mơ ước: “Nước da nâu và nụ cười bỡ ngỡ/Em như cầu vồng bẩy sắc hiện sau mưa”...
Không hiểu sao khi đọc những câu thơ của Lưu Quang Vũ tôi luôn chợt nhớ đến Xuân Diệu, một nhà thơ tiền chiến từng say đắm ca ngợi vẻ đẹp phồn thực của cõi đời này với câu thơ “hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi”…
Khoảng lặng dịu dàng...
Từ bài thơ này, để cập nhật với thời sự của hôm nay, có thể mở rộng ý nghĩa của nó tới nhu cầu của chúng ta lúc
Bài thơ đan cài hai đối tượng cảm xúc là “khu vườn” và “em” với nhau – nói sự tươi xanh, mát rượi của khu vườn cũng chính là nói sự ngọt ngào, ấm áp của người yêu, của tình yêu. |
này. Ấy là khi công cuộc thành thị hóa đang diễn ra ồ ạt khắp nơi, nhà cao cửa rộng san sát, đâu đâu cũng đường nhựa và bê tông, sắt thép dĩ nhiên là rất tốt, rất cần cho cuộc sống của nhân dân, nhưng từ đó cũng đang đe dọa đến môi trường sống trong lành. Và rõ ràng chúng ta ai cũng đang khao khát được sống giữa một thiên nhiên tươi xanh, nguồn dưỡng khí và bóng mát không chỉ nuôi dưỡng thân thể mà cả tâm hồn con người.
Đúng là như vậy, những hàng cây mới trồng đang lên xanh đây đó, những khu vườn nho nhỏ nép sau những căn nhà sang trọng, những sân thượng chỉ mấy mét vuông thôi, thậm chí những cái ban công nhỏ bé giữa lưng chừng cao ốc… cũng đang được mọi người biến thành những mảnh “vườn trong phố” vô cùng quý giá.
Và như thế, bài thơ “Vườn trong phố” của nhà thơ tài hoa Lưu Quang Vũ sẽ trở thành người bạn tâm tình mãi mãi của chúng ta, một khoảng lặng dịu dàng không chỉ trên trang giấy mà ngay giữa cõi sống ồn ào, náo nhiệt của hôm nay.