Từ vườn nhà...
Từ xa xưa, ông bà ta khi đến định cư, lập nghiệp ở địa điểm mới, công việc đầu tiên là đào ao sâu nuôi cá, lấy đất tôn nền nhà, lập vườn và xây chuồng nuôi gia súc, gia cầm… Từ vất vả kiếm tìm cái ăn, cái mặc, từ thất bại và thành công trong sản xuất, người xưa đã đúc kết “Thứ nhất canh trì, thứ nhì canh viên, thứ ba canh điền” – có nghĩa là: thu nhập từ nuôi cá hơn làm vườn, làm vườn thu nhập hơn trồng lúa.
Làm nông, ai cũng biết vậy! Nhưng hậu quả chiến tranh tàn phá sau 30 năm và một thời bao cấp, kinh tế kế hoạch hóa tập trung, ruộng đất, tư liệu sản xuất tập trung vào HTX, kinh tế “vườn - ao – chuồng” (VAC) bị mai một; cái “bóng” kinh tế tập thể “đẻ” ra vườn nhà, cố hữu kiểu vườn xưa trên đất tổ tiên: trồng cây để giữ đất, trồng cây lấy bóng mát, trồng cây để “mùa nào thức ấy”... Chính cách nghĩ, cách làm ấy, đã tạo nên “vườn tạp”. Vườn tạp với đủ các loại cây: bưởi, ổi, thị, vài khóm chuối…, quả ăn thì đủ, đem bán thì như cho; người căn cơ thì trồng cây xoan, cây mít… lấy gỗ làm nhà, người khốn khó thì trồng cây dong riềng để phòng khi mất mùa, giáp hạt.
Năm 1988, Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị được ban hành, coi hộ nông dân là đơn vị tự chủ, luồng gió “đổi mới” ấy đến mọi nhà khi ruộng đất được nhà nước giao cho hộ gia đình sử dụng ổn định, lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp. Cùng với cơ chế thị trường được “bung ra” - kinh tế hộ gia đình, gồm vườn, ao chuồng được hình thành trong một hệ sinh thái khép kín, có quan hệ hỗ trợ nhau phát triển – Từ đây, vườn được đổi thay, bắt đầu từ các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên với những vườn trồng táo Gia Lộc, táo Thiện Phiến, táo H12, H32… có năng suất cao, quả to ngon, dòn và lạ, được bán ra khắp chợ quê các tỉnh.
Quả táo đánh thức người dân nghĩ về làm vườn và kinh tế vườn với tư duy: làm ra để bán, bán sao cho được giá cao…, cứ thế, loang dần các tỉnh cận kề. Cũng vào thời kỳ này, các vị tiền bối trong nghề nông như ông Nghiêm Xuân Yêm, ông Nguyễn Ngọc Trìu - Nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp đã đứng ra lập “Hội Làm vườn Việt Nam” để tập hợp đội ngũ cán bộ về hưu tổ chức cuộc vận động “Cải tạo vườn tạp, ao hoang, chuồng trống” để góp phần xoá đói, giảm nghèo và phát triển kinh tế VAC trong nghiệp, nông thôn.
Đến vườn đồng
Vườn đồng – một hình thức canh tác không mới ở Đồng bằng Nam Bộ hay miền Trung – Tây Nguyên, nhưng với các tỉnh phía Bắc vốn đất chật, người đông, thì việc đưa “vườn ra đồng” là một cam go, thách thức; đôi khi những “ngọn giáo” tiên phong để tới đích thành công phải trả giá bằng mồ hôi và nước mắt – xã Mễ Sở (Văn Giang, Hưng Yên) là một điển hình.
Là xã ven sông Hồng, Mễ Sở từng chịu 18 lần đê vỡ, phù sa dồn lại thành những ruộng cát già. Những năm 1980,
Cùng với cơ chế thị trường được “bung ra” - kinh tế hộ gia đình, gồm vườn, ao chuồng được hình thành trong một hệ sinh thái khép kín, có quan hệ hỗ trợ nhau phát triển – Từ đây, vườn được đổi thay, bắt đầu từ các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên... |
vẫn mảnh đất, con người ấy, vẫn thâm canh tăng vụ, hết đay, ngô, lúa đến sắn khoai, đậu đỗ, dong riềng…mà nhà nhà đứt bữa, cái đói, cái rét cứ cận kề; người lớn gánh chổi, mía ra Hà Nội bán rong, trẻ em cầm cân ra chợ kiếm tiền. Trong sự khốn khó ấy, những tư tưởng, giải pháp đột phá làm “vườn đồng” đã thành nghị quyết của Đảng bộ, với bước đi dồn điền, đổi thửa, làm giao thông, thủy lợi nội đồng theo quy hoạch 3 vùng: vườn cây ăn quả; vườn cây dược liệu; vườn cây cảnh.
Một trong những điều làm nên khác biệt ở Mễ Sở chính là sự sáng tạo của người dân dám tiếp thu và làm theo cái mới: giảm diện tích lúa, đay, đưa vườn táo ra đồng. Khi táo không còn cho hiệu quả kinh tế cao, bà con chuyển sang trồng cam, quýt, quất, ổi…Trên các vườn đồng cam, quất… bà còn trồng xen các loại hương liệu, dược liệu, cây ngắn ngày. Cũng từ những vườn đồng ấy, nhiều nhà vườn đã thu nhập hàng trăm, thậm chí hàng tỷ đồng.
Tháng 4.2015, Mễ Sở đón nhận danh hiệu “Xã nông thôn mới”, 19 tiêu chí đã hoàn thành trọn vẹn, với sự đóng góp của người dân lên tới 189 tỷ đồng, chiếm 71,42% tổng nguồn lực cho các công trình hạ tầng cơ sở.
Và đường đi xuất ngoại
HTX Phương Nam (huyện Yên Châu, Sơn La) được thành lập tháng 8.2016, có 9 thành viên với 80ha trồng nhãn, trồng xoài theo tiêu chuẩn VietGAP. Ngay từ khi mới thành lập, HTX đã giúp các thành viên tiếp cận tiến bộ kỹ thuật sản xuất. Trong đó có việc áp dụng công nghệ tưới ẩm, chăm sóc, thu hoạch đúng quy trình kỹ thuật, bảo đảm sản phẩm sạch đến với người tiêu dùng. Các thành viên được học thêm các lớp bồi dưỡng kỹ thuật: tỉa cành, bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”, sử dụng các chế phẩm sinh học, côn trùng thiên địch để bảo vệ cây trồng...
Hiện HTX đã được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, sơ chế quả an toàn. Đặc biệt, thương hiệu nhãn ghép đã được Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) cấp mã số vùng trồng; sản phẩm đã có mặt tại các thị trường trong tỉnh và siêu thị tại các tỉnh, thành phố lớn Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Thanh Hóa... Doanh thu của HTX hai năm qua đạt gần 20 tỷ đồng, thu nhập bình quân của các thành viên đạt 500 - 900 triệu đồng/năm.
Ông Nguyễn Văn Hừa - thành viên của HTX, cho biết gia đình ông sở hữu 17ha nhãn ghép, trong đó 13ha đã cho thu hoạch. Năm 2017, gia đình ông thu hoạch gần 135 tấn quả nhãn, với giá bán 15.000 - 17.000 đồng/kg, trừ chi phí thu lãi trên 2 tỷ đồng.
Từ kết quả có được, hướng đến xuất khẩu trái cây, phải chấp nhận thị trường khắt khe và khó tính. Và chỉ có như vậy, người dân mới có thu nhập cao, các vườn trái cây liên kết với nhau thành trang trại lớn. Cũng từ đó, sẽ sinh ra các chủ vườn trẻ dám nghĩ, dám làm, dám xông pha vào hội nhập - ông Trần Như Kiên - Giám đốc HTX Phương Nam, khẳng định và ông cho rằng, cây với người ăn ở với nhau đời đời, kiếp kiếp. Dù có lũ đi qua hay xác xơ dưới nắng, thì tự thân vườn cây ăn quả có chết cũng đứng đợi con người.
Mô hình nhãn ghép của HTX được nhiều địa phương tham quan, học tập kinh nghiệm.