Dân Việt

Luxembourg - Tuyệt phẩm ở Paris

Nhà thơ Vi Thùy Linh 08/02/2019 07:04 GMT+7
Có phải vì quá mê đắm Paris mà bất cứ lúc nào nhớ đến, tôi cũng ngợp trong xúc cảm. Chuyến du hành kỳ lạ khi tôi lần đầu đưa tâm trí trở lại vườn Luxembourg - tấm danh thiếp yêu kiều của Paris hoa lệ, vào mùa mà tôi chưa đến.

Lần đầu tôi đến xứ sở lục giác là mùa Đông 2003. Như định mệnh của sự ngưỡng mộ, cuồng say với một nền văn hóa, văn minh lớn của loài người, chuyến xuất ngoại đầu tiên của tôi là bay đến Paris. Và ở đó, khi đến "Thế giới Luxembourg", tôi thực sự choáng ngợp trước những thế giới nhỏ trong không gian 23ha này.

Vẻ đẹp ẩn sau hàng rào sắt

Sinh thời, nhạc sĩ tài danh Nguyễn  Thiện Đạo (1940 - 2015), người du học Paris từ năm 13 tuổi và sống cả đời đến lúc an nghỉ trong lòng Paris, rất tự hào về nơi ông ở, quận 6 - quận nhà giàu, quận danh giá bậc nhất Thủ đô bởi Vườn Luxembourg và chuỗi dài danh sách các quán café, nhà hàng, khách sạn tiếng tăm, nơi ở của nhiều ngôi sao, chính khách, là trung tâm hội ngộ của các nghệ sĩ khắp thế giới.

img

  Đài phun nước Médicis. Ảnh: Thanh Ngô

Ông thường thả bộ từ đại lộ Saint Germain des Pré tới Vườn Luxembourg, vừa đi dạo, vừa thư giãn, tìm cảm hứng âm nhạc. Nguyễn Thiên Đạo đi ngàn lần như thế, nhưng "chưa bao giờ chán", khu vườn khổng lồ ấy là đường tâm hồn thân thuộc của bao thi sĩ, văn hào, nhạc sĩ trứ danh của Pháp mang tầm cỡ thế giới và các văn nghệ sĩ kiệt xuất của hành tinh này đã qua đây. Cần thiết và may mắn cho ai ưa tìm hiểu, có người dẫn dắt để hiểu sơ bộ, dù chớp nhoáng.

Tôi đang đi bus số 27 từ nhà thờ Jean d'Arc quận 13 - ra trung tâm quận - vòng xoay quảng trường Italie, lên phía Nhà thờ Đức Bà, qua đại lộ Saint Michel quen thuộc. Tôi thích xuống xe ở đại lộ này, vào Vườn Luxembourg.

Quá đẹp! Một thán từ không đủ, phải trùng điệp tính từ ngợi ca cái đẹp tuyệt mỹ ở mức cao nhất dành cho Luxembourg, một không gian liên hoàn tuyệt mỹ, gợi cảm vô cùng. Nơi này, giới hạn của trí tưởng tượng trở nên mỏng manh, bởi một thiên đường hiện ra trong hiện thực. Tưởng tượng về thiên đường cũng chỉ thế mà thôi.

Luxembourg quá gây choáng bằng sự giấu mình. Thoạt đầu, nhìn từ bên ngoài, Vườn bao bọc bằng hàng rào sắt 

Khi nô đùa với các em bé Pháp đẹp như thiên thầntại Vườn Luxembourg yên tĩnh năm 2011, tôi đã nghĩ, nhất thiết có ngày tôi sẽ đưa các con của mình đến đây. Vườn Luxembourg thực sự là một thiên đường...

nhọn mạ vàng, tên chỉ được ghi trên tấm biển nhỏ - Jardin du Luxembourg, là vườn (Jardin), không phải công viên (Parc). Thực ra, Luxembourg là khu vườn khổng lồ của cây, hoa, các công trình kiến trúc cổ, tượng trắng và điêu khắc, ngắm kỹ một lần không dễ quên. Bốn phía Vườn Luxembourg đều có cổng vào. Trầm tích và chồng lớp, Luxembourg tỏa danh thơm bởi đây trước hết là nơi lui tới của nhiều tài năng lớn của nước Pháp và thế giới, bối cảnh gợi cảm hứng cho nghệ sĩ, các lĩnh vực và cũng là bối cảnh trong nhiều tác phẩm bất hủ mọi thời đại.

Tôi đi trên lối nhỏ hơn 400 năm tuổi của Luxembourg trong trạng thái lãng mạn vô bờ. Có thể đứng tại nơi D'Artaghan từng hẹn đấu kiếm với Athos, Porthos và Aramis mà Alexandre Dumas cha (1802 - 1870) đã viết trong tiểu thuyết lẫy lừng Ba chàng lính ngự lâm (Trois Mousquetaires, 1844). Tôi đã ăn món vịt rút xương và khoai tây nghiền trong một nhà hàng nhỏ (rất đắt tiền) gắn biển: "Ba chàng lính ngự lâm đã dùng bữa tại đây". Thú vị làm sao khi hình dung các chàng hẹn nhau ở Luxembourg để trổ tài kiếm thuật. Đây là Vườn của tình yêu với vô số tình nhân đến để yêu và yêu hơn, nên tiếng kiếm khua sao thể êm ái bằng tiếng sét ái tình, chỉ bằng ánh mắt từ cái nhìn đầu tiên giữa chàng Marius và nàng Cosette mà đại văn hào V. Hugo (1802 - 1885) đã cho họ gặp nhau, một cảnh nên thơ trong Những người khốn khổ (Les Misérables, 1862).

Sáng tạo tuyệt vời của nữ hoàng Médicis

V.Hugo, O.Balzac, P.Verlaine, cặp đôi huyền thoại - nhà triết học Jean - Paul Sartre và nữ sĩ Simone de Beauvoir... và cả E.Hemingway ngạo nghễ từ nước Mỹ cũng quyến luyến khu vườn này. Nỗi nhớ cố hương nước Ý, sự cô đơn khi chồng - vua Henry IV qua đời, đã làm bùng lên ý tưởng sáng tạo tuyệt vời của hoàng hậu Médicis. Góa phụ vĩ đại này nuôi con trai còn bé (8 tuổi rưỡi), nhiếp chính điều hành triều đình tới lúc vua Louis XIII trưởng thành, đồng thời chỉ huy xây cung kiểu Ý. Thích khi cùng các con dạo trong vườn dinh thự Petit Luxembourg của người bạn, Hoàng hậu mua lại nó từ công tước Luxembourg. Médicis cho xây dựng Cung điện năm 1615 và 10 năm sau, rời khỏi Louvre, về sống tại đây.

img

 Phía trước cung điện Luxembourg. Ảnh: Anh Đào

Từ giữa thế kỷ 17, Vườn Luxembourg đã mở cửa cho công chúng và đến nay vẫn là nơi hội tụ, gặp gỡ, hẹn hò của mọi lớp người, không nệ tuổi. Lịch sử nước Pháp trong 4 thế kỷ qua in dấu ấn qua khu vườn.

Cung điện Luxembourg sau này là trụ sở Thượng nghị viện Pháp, ở phía Bắc. Trung tâm Vườn, phía trước cung điện là hồ nước bát giác, trẻ con thích thả thuyền, đồ chơi. Rất nhiều lối đi và các thảm cỏ riêng, ghế sắt được kê bên sườn các lối đi, dưới những hàng cây, quanh hồ, các đài phun nước. Lối kiến trúc độc đáo tinh tế như một lòng chảo là sự kết hợp đặc biệt của hồ phun nước và vườn hoa đem lại cái nhìn toàn cảnh.

Sắp đặt tài tình khắp vườn 100 bức tượng phong cách thần thoại Hy Lạp và các con con thú ngộ nghĩnh mà chỉ để ngắm kỹ, cũng mất cả tuần, thì ai dám nói hiểu hết Luxembourg.