Những câu thơ trong bài thơ “Mảnh vườn riêng” của nhà thơ Thảo Phương được mượn để diễn tả nỗi lòng của Hạnh (Hồng Ánh) trong bộ phim “Trăng nơi đáy giếng”, khiến tôi liên tưởng đến một khu vườn Huế. Một khu vườn xanh mướt mà nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường từng miêu tả trong bút ký “Hoa trái quanh tôi”. Điện ảnh Việt có rất nhiều khu vườn đẹp như thế.
Mảnh vườn riêng của Huế
Nhà vườn An Hiên - nguồn cảm hứng cho nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường viết bút ký “Hoa trái quanh tôi” là một khu vườn Huế đặc trưng với lối vào có hai hàng cây giao nhau như một mái vòm nhỏ. Khu vườn của vợ chồng Hạnh trong bộ phim “Trăng nơi đáy giếng” dù không phải là một nhà vườn lớn như An Hiên, nhưng nó cũng mang nhiều dáng vẻ đặc trưng của khu vườn Huế. Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn (người Huế) xây dựng hình ảnh của Hạnh (Hồng Ánh) như một người phụ nữ Huế điển hình, luôn coi chồng như “thánh sống” và chăm sóc, phục dịch chồng hết sức chu đáo. Thế giới của Hạnh chỉ quẩn quanh trong ngôi nhà rường và mảnh vườn của riêng họ. Một mảnh vườn riêng mà “nơi anh và em bình yên trên thảm cỏ/ Xa cách cuộc đời”. Để rồi khi người chồng ích kỷ và thực dụng phản bội lại tình yêu của Hạnh, cô khép chặt lòng mình và tìm kiếm một mảnh vườn riêng khác để thờ phụng.
Khu vườn xưa đã mất
Đặng Nhật Minh - một đạo diễn gốc Huế nổi tiếng khác cũng là người mang đến cho điện ảnh Việt những khu vườn đẹp. Nói đến Đặng Nhật Minh là nói đến “Bao giờ cho đến tháng Mười”, bộ phim kinh điển được CNN bình chọn là một trong 18 bộ phim kinh điển của điện ảnh châu Á. Không gian văn hóa làng quê Bắc Bộ với cánh đồng lúa, chiếu chèo, miếu thành Hoàng, phiên chợ âm dương mang đậm tính ngưỡng văn hóa tâm linh trở thành một bệ đỡ vững chắc cho câu chuyện nhiều nỗi niềm cay đắng của chị Duyên (diễn viên Lê Vân). Không chỉ là một mảnh vườn riêng, “Bao giờ cho đến tháng Mười” còn xây dựng được một không gian văn hóa, một khu vườn lớn của làng quê Bắc Bộ hay rộng hơn là của người Việt Nam trước những thay đổi, biến thiên của đời sống. Những ẩn dụ này tiếp tục được ông khai triển trong các bộ phim đặc sắc sau này như “Thương nhớ đồng quê”, “Trở về”, “Mùa ổi”…
Phim “Mùa ổi” - lấy cảm hứng từ câu chuyện có thật về người thân của ông (gia đình bên vợ) là một bộ phim như thế, một dụ ngôn cay đắng về sự đánh mất ký ức, đánh mất không gian sống của họ. Điều này được thể hiện qua nhân vật ông Hòa (Bùi Bài Bình đóng) - người đàn ông trung niên nhưng luôn sống trong ký ức của một cậu bé 13 tuổi về khu vườn Hà Nội xưa mà gia đình ông sống. Bộ phim là một ẩn dụ tinh tế của một nhân vật khi đi tìm lại thời gian đã mất của mình.
Mùa và mùi vườn Nam Bộ
Trong những bộ phim đặc sắc của điện ảnh Việt Nam có bối cảnh ở miền Nam, tôi đặc biệt yêu thích những bộ phim về “mùa” và “mùi” của những đạo diễn Việt kiều. Trong “Ba mùa” của đạo diễn Việt kiều Mỹ Tony Bùi, anh cho rằng ở Sài Gòn, ngoài hai mùa chính là mùa nắng và mùa mưa, còn có một mùa khác là mùa hi vọng. Chính mùa hi vọng ấy đã khiến những cặp nhân vật song hành trong bộ phim này tìm thấy nhau dù xuất phát điểm của họ khác nhau hoàn toàn. Câu chuyện mang tính ẩn dụ mơ hồ của thầy Đào và Kiến An phải chăng là cuộc tìm kiếm vẻ đẹp của tâm hồn và tinh thần của người phương Đông, nơi những đóa sen trắng biểu tượng cho vẻ đẹp thanh khiết đã đánh mất trong quá khứ, nơi người ta quan niệm thể xác chỉ là chốn trú ngụ tạm thời của linh hồn...?
Trong phần chủ đạo của phim “Mùi đu đủ xanh”, qua những hồi ức của tuổi thơ, Trần Anh Hùng đã tạo dựng nên một “khu vườn” tuyệt đẹp, đầy màu sắc với từng chi tiết nhỏ nhất qua đôi mắt luôn mở to của Mùi - cô bé đi ở đợ cho một gia đình trung lưu ở Sài Gòn trong những năm tháng đó.
Không gian thu nhỏ trong khu vườn của gia đình bà chủ trở thành một thế giới rộng lớn qua đôi mắt của Mùi. Cô bé quan sát và thu vào mắt tất cả mọi dịch chuyển và mùi vị của cuộc sống, từ một giọt mủ đu đủ trắng xóa chậm rãi rơi xuống vòm lá, từ một chú ếch nhảy lên từ lá sen trong hồ, từ những hạt đu đủ trắng xóa khi Mùi bổ đôi quả đu đủ xanh, từ những chú kiến bò hỗn loạn trên mặt đất qua góc máy cận cảnh... Thế giới xung quanh trong khu vườn nhỏ qua mắt của Mùi sống động, rực rỡ màu sắc và tràn ngập mùi vị.