Sau hơn 2 thập kỷ tăng chi tiêu quân sự đều đều cho phép quân đội Trung Quốc trang bị tốt hơn, Bắc Kinh đang tái cấu trúc lại lực lượng lục quân để có thể thu được lợi ích cao nhất từ các thiết bị công nghệ cao mới.
Mục tiêu của ông Tập là muốn thấy “những kết quả ban đầu” của cải cách vào năm sau để đặt cạnh các thành tựu về kinh tế, chính trị và khoa học kỹ thuật trước khi kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc vào năm 2021. Lãnh đạo Trung Quốc muốn thấy quá trình hiện đại hóa quân đội hoàn thành vào năm 2035 và biến quân đội Trung Quốc thành một lực lượng “cấp thế giới” với khả năng chiến đấu và chiến thắng chiến tranh ở bất kỳ nơi đâu vào năm 2050.
Những tham vọng như vậy đang làm suy yếu các cường quốc phương Tây và những láng giềng bao gồm cả Đài Loan - một vùng lãnh thổ về danh nghĩa thuộc Trung Quốc. Trung Quốc không loại trừ việc sử dụng vũ lực để thu hồi Đài Loan. Trong 3 thập kỷ qua, Bắc Kinh đã tăng dần các hoạt động quân sự gần các vùng lãnh thổ Đài Loan kiểm soát và ngăn chặn các sáng kiến ngoại giao và thương mại của Đài Bắc.
Trong một báo cáo phát hành đầu tháng này, Cơ quan Tình báo Quân sự Mỹ (DIA) đã lưu ý tiến bộ trong hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc. Các quan chức DIA nói rằng lòng tin của quân đội Trung Quốc vào các khả năng của mình đã tăng lên và cảnh báo rằng điều đó có thể khiến Bắc Kinh sẵn sàng hơn với các rủi ro xung đột quân sự.
Lực lượng tên lửa, gồm tên lửa chiến lược và tên lửa thông thường đã được nâng lên thành một quân chủng thường trực bên cạnh lục quân, hải quân và không quân. Tương tự như vậy, Bắc Kinh đã tổ chức thêm Lực lượng Hỗ trợ Chiến lược tập trung vào lĩnh vực tác chiến điện tử, giảm bớt gánh nặng của lực lượng mặt đất khi họ tăng sự quan tâm vào an ninh trên vùng biển quanh mình.
Trung Quốc cũng đang tạo ra một cấu trúc chỉ huy và kiểm soát cố định để lần đầu tiên thay thế cho 7 quân khu để chỉ huy trong thời chiến với tên gọi là 5 chiến khu. Các biện pháp khác gồm thay thế các đơn vị quân đội lớn hơn bằng những đơn vị nhỏ gọn hơn và thay thế các sĩ quan cao cấp không đáp ứng được sự đổi mới. Chế độ huấn luyện cũng đang được tân trang.
Mục tiêu bao trùm của các cải cách này là làm cho các bộ phận khác nhau của quân đội hoạt động liền mạch - một khả năng mà Hoa Kỳ đã nắm vững từ nhiều thập kỷ trước và không thể thiếu trong chiến tranh hiện đại với đặc trưng là sự chuyên sâu về công nghệ.
Hãng thông tấn Tân Hoa Xã cho biết Trung Quốc đã có tiến bộ đáng kể trong việc này. Số lượng binh sỹ trong lục quân đã giảm xuống còn chưa đến một nửa so với tổng quân số của quân đội Trung Quốc.
Tuy nhiên các nhà phân tích quân sự nước ngoài vẫn còn hoài nghi. You Ji - một chuyên gia về quân đội Trung Quốc tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Rajaratnam ở Singapore viết trong một bài báo đăng năm ngoái rằng không biết cải cách của ông Tập sẽ cải thiện hiệu quả chiến đấu của quân đội như thế nào, nhưng sự gián đoạn về cấu trúc và nhân sự có thể ảnh hưởng xấu đến hoạt động quản lý và hoạt động thường xuyên của quân đội.
Tuy nhiên cũng có những dấu hiệu cho thấy quân đội Trung Quốc đang giải quyết các điểm yếu của họ. Hsu Yen-chi một nhà nghiên cứu tại Hội đồng Nghiên cứu Chiến lược và Chiến tranh ở Đài Bắc cho biết quân đội Trung Quốc đã liên tục hiện đại hóa chế độ đào tạo và cơ chế đánh giá của họ.
Từ tháng 6.2018, Bắc Kinh đã giới thiệu các bài kiểm tra thường xuyên để các chỉ huy cạnh tranh công khai trong các cuộc diễn tập. Đây là một phần để đánh giá năng lực để thăng tiến.