Dân Việt

Giải mã hồ sơ Nguyễn Thái Bình (Kỳ cuối): Lá thư cuối cùng

Quốc Minh 05/02/2019 14:50 GMT+7
Mưa chiều tầm tã, trong ngôi nhà ở con hẻm Đa Thiện, quận 7 (TP.HCM), khói hương phảng phất trước di ảnh Nguyễn Thái Bình.

img

Cầu thủ Nguyễn Thái Bình và bạn bè ở Mỹ - Ảnh gia đình

Sống trong thời đất nước bị giày xéo, loạn lạc, em phải có suy nghĩ trách nhiệm, có khát vọng lớn lao cho dân tộc, Tổ quốc. Nhưng anh khuyên em hãy hoàn tất việc học hành rồi cố gắng thực hiện khát vọng của mình

NGUYỄN THÁI BÌNH căn dặn em trai

Có một họa sĩ quá yêu mến Nguyễn Thái Bình nên đã phác họa hình anh giống Che Guevara, một biểu tượng anh hùng cách mạng của châu Mỹ Latin.

Bức họa này treo trên bức tường đối diện bàn thờ Nguyễn Thái Bình. Treo bên cạnh là ảnh Che Guevara...

Anh tôi là một Che Guevara

Thấy tôi đứng lặng nhìn mãi bức phác họa đặc biệt này, anh Nguyễn Trường Sanh nói: "Anh tôi rất giống anh hùng Che Guevara!".

Người em trai này của Nguyễn Thái Bình còn giữ nguyên vẹn ký ức chuyến về thăm quê hương của anh mình khi đang du học ở Mỹ.

Đó là chuyến nghỉ hè hai tháng vào giữa năm 1970, Bình đã đi thăm khắp miền Nam chiến tranh trên chiếc xe Honda 67 cũ kỹ. Anh rong ruổi xuống miền Tây rồi ngược ra miền Trung... để tận mắt nhìn thấy những hình ảnh tàn khốc của bom đạn.

"Lúc ấy tôi đang là sinh viên ở Sài Gòn cũng tự dưng thấy sao anh mình giống Che Guevara. Trước khi hi sinh, Che Guevara cũng trên chiếc xe máy đi khắp nơi làm cách mạng. Khi ấy, Nguyễn Thái Bình mới vừa tròn 22 tuổi. Anh còn quá trẻ nhưng đã trĩu nặng tấm lòng với đất nước".

Anh tâm sự với em trai bao điều tâm huyết mà nhiều người trẻ tuổi khác chưa kịp nghĩ tới. Trong chuyến thăm quê nhà ngắn ngủi này, anh vẫn kịp tham gia cuộc biểu tình trước tòa sứ quán Campuchia để phản đối sự bức hại người Việt đang sống ở quốc gia này.

Trong thời gian du học ở Mỹ, Nguyễn Thái Bình vẫn dành rất nhiều sự quan tâm cho các em của mình. Anh hay viết thư, ghi âm các lời thăm hỏi cha mẹ và khuyên dạy em rồi gửi về cho gia đình.

Anh cũng có thói quen chụp ảnh kỷ niệm tất cả các hoạt động của mình, từ chơi thể thao ở trường học, tham gia các hoạt động phản chiến... để gửi về nhà. Một số không kịp gửi thì bạn bè ở Mỹ đã gửi về cho gia đình sau khi anh hi sinh.

img

Nguyễn Thái Bình (áo trắng) phản đối chiến tranh trên đường phố Mỹ - Ảnh tư liệu gia đình

Tranh đấu cho quê hương thái bình

Các tàng thư mật của cảnh sát Sài Gòn cũng ghi rõ hành trình sống sôi nổi và hoạt động phản chiến tích cực của Nguyễn Thái Bình.

Phần III báo cáo của Bộ tư lệnh Cảnh sát VNCH ghi chi tiết hoạt động của anh ở Mỹ như sau: "Suốt thời gian ở Đại học đường Washington, Bình là một cầu thủ hữu hạng của Soccer Team. Kỳ nghỉ hè 1970, Bình trở về Việt Nam thăm gia đình trong hai tháng. Bình đi quan sát Huế, Thủ Đức, Vĩnh Long, Cần Thơ, Mỹ Tho và chứng kiến cảnh đổ nát tàn phá.

Khi trở lại Hoa Kỳ, Bình gặp lại một số bạn bè như Đoàn Hồng Hải, Đỗ Đăng Giao, Huỳnh Thị Kim Chi, Trần Lê Dinh, Ngô Vĩnh Long, Nguyễn Hữu An, Nguyễn Hội Chân. Nhóm này lại là nhóm sinh viên phản chiến nên đã khuyến khích Bình tham gia các cuộc hội thảo phản chiến...".

Báo cáo mật của cảnh sát Sài Gòn này còn ghi thêm: "Ngày 23.2.1971, Bình đọc diễn văn chống đối chiến tranh Việt Nam tại Đại học đường Washington. Ngày 10.2.1972, Bình và 10 sinh viên Việt Nam trong nhóm phản chiến chiếm Tòa lãnh sự VNCH tại New York.

Ngày 11.2.1972, Bình thuyết trình tại Đại học đường Washington đề tài "Phản ứng về sự leo thang chiến tranh tại Việt Nam".

Ngày 23.2.1972, Bình viết trên báo Daily của Đại học đường Washington đề xuất đến cuộc thảm sát thường dân Việt Nam tại Mỹ Lai do trung úy Calley gây ra, và đả kích chương trình hòa bình của Tổng thống Nixon...".

Điều tra của cảnh sát Sài Gòn ghi nhận chỉ từ tháng 2 đến đầu tháng 7.1972, tức thời điểm Bình về nước trên chuyến bay 841, anh đã tham gia hoặc trực tiếp tổ chức hàng chục sự kiện phản chiến khác nhau tại Mỹ.

Trong đó, gần ngày Nguyễn Thái Bình hồi hương là sự kiện anh phát truyền đơn và yêu cầu được đọc diễn văn tại lễ nhận bằng tốt nghiệp đại học. Bị ngăn cản, anh đã từ chối nhận bằng tốt nghiệp, cởi trả lễ phục và bị cảnh sát Mỹ tạm giữ trong hai tiếng. Sau đó, anh và 10 người bạn bị cắt học bổng, trả về Việt Nam.

Nhiều năm nhắc lại kỷ niệm không quên này, người em Nguyễn Trường Sanh cho rằng chính những sự kiện phản chiến ở Mỹ đã thể hiện rõ lòng yêu nước của anh trai mình. Những lá thư anh viết, những băng ghi âm anh gửi về đều khát khao ngày thanh bình cho đồng bào quê hương.

...Một ngày sau khi anh Nguyễn Thái Bình hi sinh, mẹ anh (bà Lê Thị Anh) và người em trai Nguyễn Trường Sanh đi nhận thi hài anh ở Bệnh viện Nguyễn Văn Học.

Bị sát hại dã man bởi 5 phát đạn Mỹ vào lưng, nhưng anh vẫn nằm đó như đang ngủ, gương mặt vẫn rực nét mạnh mẽ, cương trực như tháng ngày tranh đấu cho quê hương thái bình...

img

Một ca khúc do anh Nguyễn Thái Bình sáng tác năm 1972

Lá thư cuối cùng

Dòng đầu lá thư này được Nguyễn Thái Bình đề: "Guam, ngày 2.7.1972", tức thời điểm chuyến bay 841 hạ cánh xuống phi trường ở đảo Guam trước khi bay đến Manila.

"Ba má,

Con biết ba má và các em con sẽ khổ nhiều trong cuộc sanh ly hay tử biệt này...

Suốt mấy năm qua khi nghĩ đến quyết định này đã làm cho con giằng co tâm não, để cuối cùng chọn con đường chông gai, khổ nhọc này vì con đã thấy rõ đâu là con đường sống của dân tộc, đâu là con người tàn bạo dã man nhất.

Sự đau khổ của đồng bào quê hương suốt mấy chục năm qua dưới bom đạn đốt phá không gì sánh nổi. Đau khổ này của ba má ví bằng đau đớn của bao triệu cha mẹ Việt Nam mất đi đứa con yêu.

Hôm nay vì chính nghĩa, vì sự sinh tồn của cả một dân tộc, vì chân lý, lẽ công bằng nhân đạo mà con có hi sinh thì cái chết này không phải là một sự chấm dứt mà là một sự khởi đầu cho một sự hồi sinh của thế hệ tương lai.

Đường con đi nhất định theo chân anh hùng Việt Nam đi vào thanh sử chứ không bám gót ngoại xâm làm thân tôi đòi nô lệ...

Con yêu của ba má

Anh của các em thương

Nguyễn Thái Bình"