Tôi và Thông yêu nhau từ khi cả hai học cùng năm thứ nhất trường cao đẳng sư phạm tỉnh nhà. Mối tình sinh viên kéo dài ba năm cho tới khi tôi và anh cùng ra trường. Khi một đám cưới viên mãn chuẩn bị diễn ra thì tôi tình cờ phát hiện anh có cuốn sổ "tình phí" ghi lại chi tiết những lần cả hai hẹn hò ăn uống và anh phải chi trả.
Thoáng nghĩ tới việc cả đời phải sinh sống với "người đàn ông mặc váy", tôi đã nghĩ tới giải pháp chia tay. Đen đủi thay đúng thời điểm ấy tôi phát hiện mình có bầu. Vậy là đám cưới bất đắc dĩ diễn ra trong tâm trạng rối bời của cô dâu trẻ.
Lệ thuộc kinh tế khiến tôi sống khổ sở. Ảnh minh họa
Sau ngày cưới, tôi chưa có điều kiện đi làm luôn mà phải ở nhà lo cho em bé ra đời cứng cáp. Vậy là trong khi bạn bè cùng trang lứa đã xin được biên chế ổn định ở các trường trung học thì tôi vẫn đang quanh quẩn với bỉm tã sữa. Thông nói tôi không cần lấn cấn chuyện kinh tế, mọi việc đã có anh lo. Dù có muốn vừa trọn vẹn việc gia đình, vừa lo công việc ổn định cũng chẳng được nên tôi đành phó mặc chuyện kinh tế cho chồng.
Tuy xuất phát điểm từ dân sư phạm, chuyên ngành tin học nhưng anh lại rẽ ngang làm chuyên viên công nghệ thông tin cho một công ty phần mềm về máy tính. Chính vì thế, Thông có thể lo lắng chuyện tiền bạc cho cả gia đình và thậm chí đưa gia đình phất lên trông thấy.
Tuy nhiên, cái gì cũng có mặt trái của nó. Lệ thuộc kinh tế vào chồng nên anh đối xử với tôi kém sự tôn trọng. Bên cạnh đó, thói keo kiệt đã ngấm vào máu của anh từ xưa nên tôi cũng chẳng dễ thở gì khi sống trong cơ ngơi gia đình khang trang như vậy. Đi làm về, ngó thấy nhà cửa hơi bụi bẩn vì vợ bận bịu con nhỏ chưa chu toàn được, lập tức anh chê tôi đoảng vị, chậm chạp.
Vì muốn nhà cửa yên ấm nên tôi bấm bụng nhẫn nhịn cho qua. Không những thế, tôi mua gì anh cũng hỏi giá tường tận và thường xuyên chê bôi đắt rẻ. Biết tính chồng nên thậm chí mua bất cứ thứ gì tôi phải khai tụt giá xuống còn một nửa. Đương nhiên số tiền lậm vào do bù vào giá cả khai rẻ xuống, tôi đành đắp đổi bằng cách nhờ cậy nhà mẹ đẻ.
Bà biết nỗi khổ của tôi nên đành dấm dúi cho thêm con gái mỗi khi tôi xin phép chồng bế con về chơi. Thành thử mang tiếng con gái lấy được chồng giàu có mà mẹ chẳng nhờ cậy được gì, thậm chí phải bỏ tiền túi để mong con cái yên ấm nếp nhà. Nỗi khổ đó chỉ có hai mẹ con nhìn nhau và thấu hiểu.
Năm vừa qua, công ty anh ăn nên làm ra nên dịp tết đến, anh đã được thưởng số tiền tết lên tới con số 50 triệu. Chưa bao giờ thấy chồng vui vẻ đến thế. Thậm chí anh còn hào phóng đưa ngay cho vợ 5 triệu, nói tùy tôi lo sắm sanh tết sao cho chu toàn.
Tuy nghe chồng nói thế nhưng tôi hiểu những lời lẽ đó chỉ được thốt ra trong cơn ngẫu hứng. Bản thân không thể căn cứ vào lời chồng nói để mạnh tay chi tiêu cho dịp Tết. Một khi bản chất quay trở về, thể nào anh cũng đay nghiến "làm vợ mà không biết cách gói ghém kinh tế gia đình, không kiếm nổi đồng tiền nhưng chi tiêu vung tay quá trán".
Tôi nhìn cành đào mà lòng không thể nào vui nổi. Ảnh minh họa
Những lo lắng mơ hồ của tôi hóa ra đều có cơ sở. Loanh quanh từ hôm 27 Tết nhưng tôi vẫn chưa mua nổi cành đào. Cành đẹp, ưng ý thì thể nào chồng cũng chê đắt, còn mua cành thưa thớt hoa thì bản thân không muốn. Đợi đến ngày 29 Tết, các chợ cây cảnh "bán phá giá" để về ăn Tết với gia đình, tôi chỉ phải trả 150 ngàn đồng cho một cành đào nho nhỏ về trưng phòng khách.
Niềm vui chưa được bao lâu thì chồng đi ăn tất niên về, nhấm nhẳng hỏi vợ mua cành đào ở đâu, giá cả ra sao. Thấy chồng có vẻ ưng ý nên tôi thật thà khai nhận cành đào mua ở chợ cây cảnh gần nhà, chỉ có hơn một trăm ngàn đồng. Với giá ấy bản thân tự tin rằng đã "rẻ như cho" rồi, chẳng thể nỡ dối chồng mà giảm đi một nửa được nữa.
Ai ngờ anh thay đổi sắc mặt, lầm bầm nói đã cố đợi đến trưa 29 rồi mà vẫn phải chịu chi trả một cành đào với...giá đắt đỏ như vậy.
Nghe chồng làu bàu, tôi thật không hiểu mình đang sống cùng ai. Vì lẽ gì mà cá nhân cam chịu cuộc hôn nhân đến cái tết này đã là tết thứ tư. Thưởng tết 50 triệu nhưng khi vợ chi 150 trăm ngàn cho việc sắm sanh cành đào vẫn bị anh chê đắt rẻ. Chắc anh chỉ muốn người ta cho không anh chắc, còn chi phí chăm cây cả năm trời và công vận chuyển của người làm vườn nữa. Nhưng nếu chồng hiểu được thế thì đã không buông những lời cạn tình cạn nghĩa đến như vậy.
Hơn một lần tôi muốn ôm con về nhà đẻ và đưa đơn ly hôn nhưng lại không đủ mạnh mẽ. Tôi nhìn đứa con đang toe toét cười với ba chúng mà lòng rối bời. Nhưng nếu tôi cứ nấn ná lại cuộc hôn nhân này vì nhiều lẽ, rốt cuộc ai sẽ thương cho tôi đây?