Dân Việt

Nên cúng gì vào đêm giao thừa Tết Kỷ Hợi 2019 để đón tài lộc?

Bích Hà 03/02/2019 09:01 GMT+7
Rất nhiều người băn khoăn, trong thời khắc giao thừa năm Kỷ Hợi 2019 có được cúng thịt lợn hay không? Nên chuẩn bị  những đồ cúng gì để nghênh đón tài thần, cầu một năm bình an, may mắn?

Cúng giao thừa là nghi lễ thiêng liêng của người Việt Nam trước khi bắt đầu Tết Nguyên Đán. Một năm sẽ bắt đầu vào lúc giao thừa và lại kết thúc vào lúc giao thừa năm sau.

Trong thời khắc này, người Việt thường làm hai mâm cỗ cúng giao thừa ngoài trời và trong nhà.

Theo phong tục truyền thống, người Việt tin rằng giao thừa là thời khắc mà các vị quan Hành khiển sẽ bàn giao công việc cai trị trong năm.

img

Có 12 vị hành khiển và 12 phán quan (phán quan là vị thần giúp việc cho các vị hành khiển).  Vì thế, mâm cúng giao thừa ngoài trời được ví như một buổi tiệc để tiễn đưa các vị quan hành khiển và phán quan năm cũ và nghênh đón vị thần mới.

Còn mâm cúng giao thừa trong nhà là thể hiện sự hiếu thảo, biết ơn đến ông bà tổ tiên, mời ông bà về sum họp với con cháu trong thời khắc linh thiêng đón năm mới.

Việc chuẩn bị mâm cỗ cúng giao thừa tùy vào điều kiện của mỗi gia đình. Tuy nhiên, hiện nay nhiều người dân có những kiêng kỵ. Ví dụ như: Năm lợn thì không được cúng thịt lợn, năm gà không được cúng gà vì sợ bị phạm húy, không đem lại may mắn, tài lộc…

Nêu quan điểm về những kiêng kỵ trên, TS Lê Xuân Phương - chuyên gia phong thuỷ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu doanh nhân và doanh nghiệp Đông Nam Á - cho rằng, người dân kiêng kỵ như vậy là không có cơ sở khoa học. Trong 12 con giáp, có những con không hề có trong thực tế như con rồng, không thể tìm được rồng để cúng giao thừa.

“Mỗi vùng có cách bày tỏ tấm lòng thành kính với các vị thần linh một cách khác nhau. Có nơi cúng giao thừa bằng gà, bằng thịt lợn hay bằng cá. Miễn sao người dân thấy món ăn nào đã ăn quen và đi vào tiềm thức của mọi người thì sẽ chế biến món đó một cách công phu, để dâng cúng thần linh, tổ tiên.

Những quan niệm như năm lợn thì không được cúng lợn, năm gà thì không được cúng gà chỉ là mê tín dị  đoan”- TS Phương khẳng định. 

Mâm cỗ cúng giao thừa truyền thống thường bao gồm có các lễ vật: Thủ lợn hoặc gà luộc, bánh chưng, mứt kẹo, trầu cau, hoa, quả, rượu và vàng mã. Trên hương án có bình hương, hai ngọn đèn dầu hoặc hai ngọn nến.

Chuyên gia phong thủy này cho rằng, quan trọng nhất trong mâm cúng giao thừa là phải có rượu, tức là có hương vị.  Vào thời khắc chuyển giao năm mới và năm cũ cũng nên thực hiện cúng ngoài trời trước rồi mới tới trong nhà.

Người thực hiện nghi thức cúng phải được sắc dầu thơm, rồi thắp hương để chiêu được thần linh, tổ tiên, bày tỏ những nguyện vọng của mình trong thời khắc năm mới vừa tới.