“Mọi người muốn lên “thiên đường cỏ lau” hay muốn cưỡi “sống lưng khủng long?” – Vi Ngọc Nhất, cán bộ phòng Văn hóa huyện Bình Liêu và là người đồng hành cùng chúng tôi trong chuyến đi này, hỏi khi vừa bước lên xe. “Chúng ta đi cả hai được không?” – tôi hỏi lại. Nhất mỉm cười, dường như còn hồ nghi về sức khỏe và sự kiên trì của những “nhà leo núi” nghiệp dư đến từ thành phố. Nhưng rồi, anh vẫn bình thản thắt dây an toàn, chuẩn bị cuộc hành trình đưa chúng tôi tới xứ sở của những cột mốc và cung đường tuần tra quốc phòng, mà giờ đây đã trở thành những điểm phượt và check-in lý tưởng của giới trẻ.
Chiếc xe bán tải nổ máy lên đường, tới lối rẽ xã Lục Hồn để vào đoạn đường đèo dài 30km hướng đến mốc 1297. Nhất dặn trước: “Từ Lục Hồn tới chân cột mốc 1297 chỉ khoảng 30km, nhưng đi xe ô tô phải mất cả giờ đồng hồ, vì đường đèo khó đi, khá nguy hiểm”.
Những bậc thang cuối cùng dẫn lên mốc 1297, vào những ngày nhiệt độ xuống thấp phủ đầy băng tuyết. Ảnh: Việt Quốc.
Mốc 1297 thực tế nằm trên địa phận tỉnh Lạng Sơn, giáp ranh huyện Bình Liêu. Tuy nhiên đường đi từ Bình Liêu đến mốc biên giới này thuận lợi hơn nên các phượt thủ thường chọn cách đi từ thị trấn Bình Liêu tới mốc 1297. Sở dĩ nơi đây còn được gọi là “thiên đường cỏ lau” bởi đoạn đường đi bộ lên mốc 1297 bao phủ bởi hoa lau trắng. Vào mùa thu, từ trên mốc biên giới nhìn xuống, cả khoảng trời phủ kín cỏ lau dập dềnh theo gió, khiến khách cảm giác như lạc vào khung cảnh một đào nguyên xưa cũ.
Tôi đạp nhẹ chân ga khi đi qua những xóm làng thưa thớt dưới chân núi. Vào những ngày giáp Tết, ở các ngả đường thành thị, người xe đang nườm nượp, vội vã để hoàn thành nốt những công việc năm cũ và lo sắm Tết. Ở Lục Hồn, thi thoảng chỉ thấy xuất hiện vài bóng người đi rừng, đàn trâu chặn đường dương cặp mắt to thách thức, đám khói đốt rạ buổi sáng còn sót lại trên ruộng bậc thang... Khung cảnh phẳng lặng, tịch liêu không trộn lẫn.
Đường lên cột mốc 1297 trập trùng qua những ngọn núi cao, hay đổ đèo thăm thẳm. Ảnh: Đức Bằng.
Bắt đầu vào đường tuần tra biên giới, tịnh không còn thấy một nóc nhà. Ranh giới 2 nước Việt Nam – Trung Quốc được phân chia bởi những cột mốc nhỏ, nhưng đầy ý nghĩa, như những ngọn hải đăng soi sáng một dải đường biên ải. Có chỗ chỉ cần bước chân qua tảng đá là “vượt biên”, nhưng có đoạn phải phóng tầm mắt xa vời vợi mới thấy dải rừng núi nước láng giềng...
Không dưới 2 lần tôi phải đạp phanh gấp dừng ngang dốc, bởi bất ngờ gặp đoàn “phượt thủ” đang đổ đèo ở giữa khúc cua. Dù ánh mặt trời đã lấp lánh trên đỉnh núi, nhưng sương mù vẫn dày đặc, khiến tầm nhìn của người lái xe bị hạn chế. Nhất nói với chúng tôi Mốc 1297 không phải quá cao, chỉ tầm 900m so với mực nước biển, còn thấp hơn so với đỉnh Cao Ly ở Húc Động và Cao Ba Lanh ở Đồng Văn (2 ngọi núi nổi tiếng của huyện Bình Liêu). Thế nhưng hầu như mùa đông năm nào ở đỉnh Mốc 1297 cũng có băng tuyết, trong khi những điểm cao hơn lại không có. Vì thế, ngoài là “Thiên đường cỏ lau” vào mùa thu, Mốc 1297 còn là địa điểm săn tuyết của giới trẻ khi mùa đông tới.
Không dễ dàng để đặt chân tới cột mốc thiêng liêng này. Ảnh: Nguyễn Quý.
Cuối cùng, đồi cỏ lau ở chân núi chôn cột mốc 1297 cũng xuất hiện trong tầm mắt. Mùa xuân, những bông lau qua các đợt rét mướt đã ngả tàn, nhưng vẻ đẹp thơ mộng trên đồi cỏ lau vẫn không hề giảm sút.
Chúng tôi leo bộ lên những bậc thang rộng rãi, có tay vịn bằng sắt lạnh buốt, mất chừng 15 phút để tới Mốc 1297. Cột đá ướt đầm sương, nhưng màu sơn đỏ trên chữ “Việt Nam” vẫn màu tươi thắm. Chạm tay vào cột mốc, cảm giác như chạm vào đôi vai của người lính can trường sẵn sàng tuẫn tiết.
Tôi bất chợt hiểu rằng, đâu chỉ vì “check-in” mà rất nhiều bạn trẻ đã bất chấp thời tiết khắc nghiệt để tới đây. Họ, cũng như tôi, đến để chạm tay vào vai “người lính” mang số hiệu 1297.
Đồi cỏ lau dưới chân cột mốc 1297 đẹp như một bức tranh. Ảnh: Internet.
Chúng tôi rời “thiên đường cỏ lau” khi đã sang chiều. Nhất bảo rằng giờ này không còn kịp thời gian để leo lên “Sống lưng khủng long”, nơi có cột mốc 1305 nữa. Chúng tôi đành xuôi xuống Lục Hồn, về thị trấn Bình Liêu, hẹn với “người lính” 1305 vào mùa thu tới.
Đường rừng quanh co xanh rượi, thi thoảng lại xuất hiện những tán cây lá đỏ, hay bóng hoa đào đá nở bung dưới nắng chiều miền sơn cước. Bình Liêu mùa xuân đẹp đến nao lòng!