Trong một chuyến công tác Sài Gòn, tôi quen Thành, chồng tôi bây giờ. Anh có ba là người Sài Gòn gốc, còn má là người Hoa kiều. Sau khi kết hôn, mặc dù rất lưu luyến không khí và con người xứ Bắc đã ngấm sâu và máu thịt nhưng tôi đành theo chồng chuyển hẳn vào thành phố Hồ Chí Minh sinh sống.
Thành biết sự hy sinh của vợ nên một năm đôi lần vẫn cùng vợ kết hợp công việc và ra Bắc thăm gia đình ông bà sui gia. Sau khi sinh con đầu lòng, tôi bỏ hẳn công việc để có thể toàn tâm lo cho gia đình con cái. Tôi sống cùng ba má chồng. Ba chồng hiền lạnh và dễ chịu.
Bố mẹ chồng tôi rất tâm lý. Ảnh minh họa
Hầu như ông không mấy săm soi đến nết ăn nết ở của con dâu. Cũng có thể ông thả lỏng để con dâu mới có cảm giác dễ chịu khi sống cùng ba má chồng. Còn má tôi, bà hay "chấn chỉnh" lại con dâu mỗi khi có điều gì cảm thấy không ưng ý hoặc đi ngược lại những nề nếp quy tắc của gia đình. Một tay bà "thét ra lửa", hầu như những quyết định chính trong gia đình đều do bà đảm đương quán xuyến cả.
Nhưng phải công nhận bà làm mọi thứ đâu ra đấy, công việc cứ thuận chiều băng băng. Bên cạnh đó, bà còn nấu ăn rất ngon. Những món ăn truyền thống của người Hoa như thịt kho tàu, bánh bao, bánh trôi nước,... bà làm thành thục và đậm phong vị. Thành thử sống bên cạnh một bà má chồng uy quyền và có phần lạnh lùng như thế, tôi vừa thấy phục vừa thấy sợ.
Dịp Tết Kỷ Hợi năm nay, khi con gái đầu đã có phần cứng cáp, tôi đánh bạo xin má chồng đem con về quê ngoại ăn Tết. Má nói đây là cái tết đầu tiên chính thức con trở thành dâu con của gia đình, muốn gì thì muốn phải ở lại bên nội.
Nếu không có sự có mặt của con, khách khứa đến thăm tư gia dịp tết sẽ hỏi cô con dâu mới đâu sao không ra chào hỏi. Đây là dịp con làm mát mặt gia đình chồng, thể hiện nết ăn nết ở. Con cứ ở lại nhà nội đón Tết, không được phép đi đâu cả. Ước nguyện của con, để tới tết năm sau tính tiếp.
Nghe lời má chồng nói, tôi thấy có phần đúng những vẫn ấm ức trong lòng. Má bao giờ cũng vậy, nói lời nào chắc lời đó. Ý bà đã vậy, cá nhân tôi có thuyết phục cỡ nào cũng không lay chuyển nổi. Thế nên cả dịp Tết, tôi ở lại gia đình chồng nhưng thú thật trong lòng vẫn có chút ấm ức và hờn trách má chồng quá lạnh lùng.
Sự rộng lượng, nhanh trí của mẹ chồng đã cứu tôi một bàn thua trông thấy. Ảnh minh họa
Sáng mùng 1 Tết, khách khứa họ mạc đến chúc tết và nán lại dự tiệc cùng gia đình chồng. Các ông, các bác trong khi nhấc chén khề khà đều muốn con dâu mới của gia chủ ra diện kiến. Lúc đó tôi lu bu trong bếp, tính trong lúc mang chồng bát đĩa ra sắp mâm ở phòng khách rồi nán lại chào hỏi khách khứa đang có mặt luôn thể.
Nhưng rủi cho tôi, quýnh quáng thế nào trong lúc bưng bê làm tuột tay, chồng bát rơi xuống nền gạch vỡ toang. Khách khứa có mặt trong khán phòng lặng đi. Ai cũng e ngại trước sự đoảng vị của con dâu như điềm báo vận xui tìm đến gia chủ trong năm mới.
Nhưng không ngờ, má tôi lên tiếng phá tan bầu không khí nặng nề. Bà cười hể hả, vừa nói cười vừa vỗ tay: "Tốt đấy, đầu năm làm vỡ bát thì gia đình sẽ có cơ hội sắm và dùng bát mới. Cũng là điều tốt lành". Nói rồi bà quay sang mở lòng với khách, rằng xuất thân trong gia đình Hoa kiều nên việc trong gia đình chén bát bị vỡ lại được coi là điềm may.
Ba của bà vốn là chủ một nhà hàng Tàu có tiếng. Mỗi khi nhân viên sơ ý làm vỡ chén bát, ông không bao giờ la mắng. Ngược lại ông cảm ơn người làm vì biết trong năm đó nhà hàng sẽ có điềm may và làm ăn phát đạt. Trong lúc khách khứa bị cuốn vào câu chuyện của má, tôi mừng run vì có đường lui.
Lanh lẹ thu dọn những mảnh bát vỡ, tôi rút êm xuống bếp, thở phào nhẹ nhõm. Thành biết tâm trạng của vợ nên ôm tôi vào lòng an ủi. Nhìn má chồng vẫn đang quảng giao nói cười với khách, tôi thầm biết ơn và nể phục sự linh hoạt, thông minh trong cách xử lý tình huống của bà.
Thay vì dồn con dâu vào thế khó để thể hiện quyền uy trước mặt khách, bà lại có cách hóa giải vấn đề nhẹ nhàng và hiệu quả đến như vậy. Chưa bao giờ tôi thấy mình may mắn khi được làm con dâu của má như lúc này. Và những oán giận trong lòng khi má chồng không cho tôi về Bắc ăn tết bỗng tự nhiên nhẹ bẫng.
Chỉ vì khoe được nhà chồng cưng chiều hết mực mà nàng dâu Hà Nội phải hứng “gạch đá”.