Dân Việt

Sủi cảo - món ăn mang lại may mắn vào đầu năm của người Trung Quốc

Huyền Thanh (Tổng hợp) 05/02/2019 10:09 GMT+7
Hình dáng của sủi cảo rất giống với những thỏi vàng, thỏi bạc Trung Quốc thời xưa, vì thế người dân nước này quan niệm rằng nếu ăn những “thỏi vàng” đó, họ sẽ được hưởng sự giàu có và gặp thuận lợi về tiền bạc trong năm mới. Trong tiếng Trung Quốc, sủi cảo còn mang thông điệp chuyển đổi từ thời khắc cũ sang mới.

Jiaozi hay sủi cảo nước (dùng nước để luộc chín), là một trong những món đặc sản ở miền bắc Trung Quốc. Qua thời gian dài, nó trở thành thứ quà ưa thích của người Trung Hoa cũng như nhiều nước châu Á khác, đặc biệt trong dịp Tết đến.

img

Món ăn này có nguồn gốc từ phía bắc Trung Quốc. Theo truyền thống ở phía bắc, người dân thường nặn xong sủi cảo trước đêm giao thừa. Họ sẽ ăn món này từ 23h đêm hôm đó đến 1h ngày đầu năm mới. Khoảnh khắc chuyển giao giữa năm cũ sang năm mới được gọi là jiaozi trong tiếng Trung cổ, đồng âm với món sủi cảo. Lúc này, cả gia đình sẽ tụ tập quây quần thưởng thức những chiếc sủi cảo nóng để cùng cầu mong niềm vui, hạnh phúc và thịnh vượng cho năm mới.

Ngày nay, sủi cảo có hàng trăm loại khác nhau với cách chế biến đa dạng. Tuy nhiên, có hai loại nổi tiếng nhất ở hai miền Trung Quốc. Ở miền bắc, jiaozi (sủi cảo) có lớp vỏ dày, màu vàng nhạt với nhân đa dạng, được luộc, hấp, rán và ăn kèm với nước chấm. Song ở miền nam, anh em của món ăn này là won ton (hoành thánh). Loại bánh này có lớp vỏ mỏng hơn với nhân thịt, thường được ăn kèm với súp nóng.

Ngoài ra Trung Quốc còn nhiều món ăn mà người dân sử dụng vào dịp đầu năm như cá hấp. Trong ngôn ngữ của họ, chữ "ngư" có cách phát âm giống với "dư". Vì thế, người dân quan niệm rằng có món cá trên bàn cũng đồng nghĩa với việc có được sự "dư" giả, mang ý nghĩa cầu chúc một năm mới tốt lành, sung túc. Món cá hấp thường được để nguyên con, hấp cùng xì dầu và các loại thảo mộc hành, ngò, gừng... Người Trung Quốc sẽ ăn hai con cá, một vào đêm giao thừa và một vào ngày đầu năm mới để ước mong sự đầy đủ sẽ kéo dài “từ năm này qua năm khác.

img

Cách ăn cá cũng mang rất nhiều hàm ý và được những người dùng bữa xem trọng. Đầu cá nên được hướng về phía khách mời và người đó phải là người ăn trước tiên. Sau đó, hai người ngồi ở vị trí đầu và đuôi cá phải cụng ly cùng nhau. Cử chỉ cụng ly vui vẻ đó là biểu tượng của sự hòa hợp giữa đầu và đuôi. Người Trung Quốc tin rằng nếu ăn cá như vậy, mọi việc trong năm sẽ có khởi đầu thuận lợi, kết quả mỹ mãn.