Ông Nguyễn Quốc Chinh. (Ảnh: A.T)
Người đàn ông đã có trên 35 năm gắn bó với ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa được ngư dân tin tường giao trọng trách đặc biệt quan trọng: Kết nối thông tin giữa đất liền với biển khơi xa.
Khoản thù lao lớn nhất của ông Chinh
Nhiệm vụ thông tin liên lạc với các chủ tàu cá Lý Sơn đang đánh bắt hải sản tại 2 ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa được ông Chính thực hiện thường xuyên và đều đặn. Ngày nào cũng vậy, dù nắng hay mưa, cứ sáng sớm và chiều tối, ông lại túc trực bên máy ICom để lên sóng, liên lạc với tàu cá của ngư dân để nắm thông tin về ngư trường, về tình hình thời tiết trên biển, đặc biệt là hỏi thăm việc làm ăn, sức khỏe của bà con ngư dân...
Với ngư dân Lý Sơn, lão ngư dân già Nguyễn Quốc Chinh âm thầm “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” như ngọn hải đăng thắp lên trong họ niềm tin, nghị lực vượt qua khững khó khăn, trắc trở trong những chuyến hải hành dài ngày trên những vùng biển của Tổ quốc. |
Ngày nào nhận được thông tin thời tiết thuận lợi, trời yên biển lặng, ngư dân đánh bắt tôm cá đầy khoang là ông phấn khởi lắm.
Ông Chinh bộc bạch, mình cũng là ngư dân, cũng từng bám biển Hoàng Sa, Trường Sa, thấu hiểu suy nghĩ, nỗi vất vả của bà con nên mọi thông tin giữa biển khơi với đất liền hoặc giữa đất liền với biển khơi phải được kết nối để ngư dân nắm tình hình...
Sinh ra trên đất đảo tiền tiêu, hơn nửa đời người sống chết với biển cả, nên sau 15 năm khoác áo lính, rời quân ngũ ông lại chọn biển khơi làm nơi mưu sinh. Hơn 35 năm bám biển, bám ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa, ngư trường nào ông cũng từng có mặt, từng rạn san hô, từng con lạch nhỏ ở những nơi đó ông đều thuộc như lòng bàn tay.
Ngư dân Đà Nẵng ra khơi đánh bắt hải sản tại ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. (Ảnh: Anh Thư)
Những năm gần đây, do sức khỏe yếu, ông đã giao tàu cá cho người thân để mình lo việc nghiệp đoàn. Dẫu công việc vất vả, không nhận được khoản phụ cấp nào, nhưng ông cảm thấy vui vì đó là việc làm mang lại lợi ích, giúp bà con ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển, vừa làm kinh tế vừa góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Ông Chinh chia sẻ, khoản thù lao lớn nhất, ý nghĩa nhất mà ông nhận được, đó là niềm vui khi ngày càng có nhiều tàu cá làm ăn hiệu quả, có nhiều ngư dân tham gia vào nghiệp đoàn, và các tổ, đội tàu cá trong nghiệp đoàn đã phát huy sức mạnh, hỗ trợ nhau khi hành nghề trên biển. “So với ngư dân, công việc của mình chẳng đáng gì, chỉ là động viên, hỗ trợ để bà con yên tâm làm ăn hiệu quả tại các ngư trường là mình vui rồi” - ông Chinh hào hứng chia sẻ.
Ngọn hải đăng trên đất liền
Sau khi Nghiệp đoàn Nghề cá xã An Hải thành lập và đi vào hoạt động, từ đó tới nay đã có nhiều tàu cá của ngư dân trong và ngoài nghiệp đoàn gặp tai nạn hay rủi ro khi đánh bắt trên biển.
Là người thường xuyên gần gũi với ngư dân nên khi nhận thông tin tàu cá gặp nạn, ông Chinh nhanh chóng thông báo cho các ngành chức năng, đồng thời liên lạc, điều động tàu cá của các tổ, đội đang hoạt động trên biển tham gia cứu nạn, cứu hộ. Hầu hết các trường hợp gặp nạn đều được cứu giúp thành công và lai dắt về bờ an toàn.
Ông Nguyễn Quốc Chinh (phải) gặp gỡ động viên và tuyên truyền để ngư dân chấp hành các quy định pháp luật khi hoạt động trên biển. (Ảnh: Anh Thư)
Ngư dân Bùi Văn Phải – chủ tàu cá QNg 96169 TS, ở thôn Đông xã An Hải (Lý Sơn) kể lại: Cuối tháng 8 mùa biển năm 2017, tàu của anh đang khai thác hải sản tại ngư trường Trường Sa thì nhận được tin qua hệ thống Icom, ông Chinh thông báo có tàu cá của ngư dân địa phương bị hỏng máy đã trôi dạt nhiều ngày trên biển, tính mạng của 14 ngư dân trên tàu đang vô cùng nguy hiểm bởi biển động dữ dội.
Vì không thể liên lạc với tàu cá bị nạn nên anh đề nghị ông Chinh trực tiếp hỗ trợ liên lạc với tàu bị nạn để hướng dẫn anh tìm kiếm khu vực tàu đó trôi dạt... Do thời tiết xấu, biển động mạnh nên gần 2 ngày vượt sóng lớn nỗ lực tìm kiếm, tàu của anh mới tiếp cận được tàu bị nạn và tiến hành lai dắt về bờ.
“Biển cả mênh mông cộng với thời tiết xấu nên việc tìm kiếm tàu bị nạn gặp nhiều khó khăn, nếu không có ông Chinh hướng dẫn, chúng tôi không thể xác định được vị trí tàu bị nạn trôi dạt. Việc làm của ông Chinh là kết nối biển với đất liền, kết nối các ngư dân trên biển để hỗ trợ nhau khi gặp rủi ro, rất cần thiết và ý nghĩa” - ngư dân Phải bộc bạch.
Bên cạnh việc kết nối với ngư dân nơi khơi xa, ông Chinh còn thường xuyên gặp gỡ các chủ tàu cá và ngư dân trước khi tàu xuất bến để tuyên truyền về các chủ trương chính sách của Nhà nước về hoạt động nghề cá, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của bà con ngư dân để đề xuất, kiến nghị với chính quyền.
Vì thế, ông Chinh được mọi người coi như chiếc cầu nối giữa chính quyền với ngư dân.
Còn theo tâm sự của ngư dân Dương Minh Thạnh - chủ tàu cá QNg 96179 TS (thôn Tây, xã An Hải), mỗi khi tàu cá của ngư dân cập bờ hay xuất bến, ông Chinh đều kịp thời có mặt để thông tin tình hình trên biển hay dặn dò các chủ tàu thực hiện tốt các quy định về hoạt động nghề cá, không sử dụng chất nổ hay thực hiện các loại hình đánh bắt mang tình hủy diệt, không vi phạm vùng biển nước ngoài, đồng thời kịp thời thông báo về bờ những diễn biến trên biển để các ngành chức năng xử lý.
Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn - bà Phạm Thị Hương cho biết: Vai trò và việc làm của ông Nguyễn Quốc Chinh đối với ngư dân thật ý nghĩa, bởi ông là cầu nối giữa đất liền với biển khơi xa. Trong không ít trường hợp, nhờ thông tin ông Chinh cung cấp, các lực lượng chức năng đã kịp thời hộ tàu cá của ngư dân bị nạn trên biển. “Không những thế, kiến nghị, đề xuất của ngư dân đều được ông Chinh phản ánh kịp thời để chính quyền có biện pháp giải quyết, giúp ngư dân yên tâm bám ngư trường” - bà Hương nói. |