Đối với người dân tộc Mông, mỗi dịp Tết đến, xuân về, công việc đầu tiên là chủ nhà dùng 2 con gà, 12 quả trứng, 1 ép gạo, 3 nén hương rồi đứng ra cửa chính gọi hồn cho cả gia đình. Với người đàn ông trong gia đình, chủ nhà gọi hồn 7 lần vì nam có 7 vía, còn nữ có 9 vía nên gọi hồn 9 lần. Sau đó, chủ nhà sẽ gọi hồn gia súc, gia cầm về đón năm mới cùng gia đình.
Tết đến, người Mông đứng ra cửa chính để gọi hồn cho các thành viên trong gia đình.
Sau khi gọi hồn xong, vào đúng 0h, thời khắc thiêng liêng chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, người Mông sẽ lập bàn thờ mới để cầu mong thần linh, thần thổ địa, thần nước, thần rừng về bảo vệ các thành viên trong gia đình một năm mới sức khỏe, mọi việc trong gia đình được suôn sẻ.
Người Mông thường dùng gà trống để cúng thần linh.
Bàn thờ của người Mông (tiếng Mông gọi là sử các) gồm một ống tre dài khoảng 120cm, đường kính 5cm; một mảnh giấy bản.
Sau khi hoàn thành xong bàn thờ, người Mông mổ một con gà trống với thân hình cường tráng, bộ lông màu đỏ rực rỡ, rồi nhổ lấy 4 túm lông ở cổ chấm vào tiết gà, dán lên miếng giấy bản để cúng thần linh, tổ tiên với mục đích cầu mong một năm mới bình an, nhà cửa sung túc, phát tài phát lộc...
Sau khi cúng, gọi thần linh xong, người Mông sẽ tiến hành cắt tiết gà.
Trò chuyện với phóng viên Dân Việt, ông Sùng A Nó (trú bản Hua Ty, Co Mạ, Thuận Châu) chia sẻ, chuyện kể rằng, ngày xưa, ở một bản Mông, cuộc sống vốn rất khó khăn. Vì không chịu được cảnh thiếu ăn, thiếu mặc, một đôi vợ chồng trẻ đã vào rừng sâu mong tìm được cách làm ăn, nhưng rồi không trở về nữa. Mặc dù, người thân và gia đình đã huy động cả bản, dòng họ đi tìm nhưng cũng bặt vô âm tín.
Nghe được tin, một thầy cúng đã chặt một ống tre, 1 miếng giấy bản, 1 con gà trống 9 cựa đặt chính giữa nhà thắp hương (ống tre tượng trưng cho thần linh, miếng giấy để thông báo rộng rãi, gà trống là cầu nối giữa con người với thần linh).
2 ngày sau, đôi vợ chồng tìm được đường quay trở về với gia đình, dòng họ và bản của mình. Đôi vợ chồng đem bí kíp học được truyền lại cho bà con tăng gia sản xuất làm cuộc sống của người dân trong bản Mông đó ngày càng phồn vinh hơn. Từ đó, người Mông gọi ống tre là cha (sử), miếng giấy bản là mẹ (các). Vì vậy, mỗi năm vào dịp Tết đến, người Mông lại làm bàn thờ mới, dán lông gà trên miếng giấy bản cầu mong thần linh phù hộ, che chở cho gia đình làm an phát đạt, tiền bạc đầy túi...
Trong dịp này, người Mông sẽ dùng tay nhổ 4 túm lông gà trên cổ con gà trống chấm vào tiết...
..., sau đó dán lên miếng giấy bản ở bàn thờ.
Vào lúc 1h sáng mùng 1 Tết, khi tiếng gà trống gáy ò ó o vang lên đầu tiên, bà con sẽ tiến hành cho đàn vật nuôi ăn cầu mong năm mới, đàn gia súc, gia cầm ngày càng phát triển.
Việc thờ cúng tổ tiên của người Mông không chỉ đơn thuần là một hình thức tôn giáo tín ngưỡng thông thường, mà còn làm nên bản sắc văn hóa của cộng đồng người Mông vùng Tây Bắc. Các giá trị văn hóa vật chất, tinh thần, hình thức ứng xử của người Mông được hình thành và phát triển từ đây.
Trong năm, người Mông có nhiều nghi lễ khác nhau, nhưng nghi lễ thờ cúng tổ tiên, trong đó có tục dán lông gà vào bàn thờ của người Mông như một nét đẹp trong đời sống tinh thần của họ. Ngoài tín ngưỡng nói trên, đồng bào dân tộc Mông còn có nhiều hoạt động văn hoá, thể thao để đón tết, vui xuân như: Đánh quay, kéo co, đẩy gậy, hát dân ca Mông.