Dân Việt

Nông dân Nhật đề cao “quyền lực của vịt”

14/01/2012 06:51 GMT+7
(Dân Việt) - Năm 2010, cuốn sách “Quyền lực của vịt” của ông được xuất bản, đã thu hút sự quan tâm của hơn 75.000 nông dân ở nhiều nước trên thế giới.

Theo tờ Le Monde, các nhà nông Nhật Bản đang áp dụng cách thả vịt vào ruộng để trừ sâu và cỏ dại. Người tiên phong trong phương pháp này là ông Takao Furuno, 61 tuổi, sống tại làng Keisen, đảo Kyushu, miền Tây Nhật Bản.

Ông thả vịt cho chúng tự kiếm ăn từ sâu bọ bám trên lúa và cỏ dại trên đồng ruộng. Hơn nữa, khi bơi lội, vịt sẽ tạo oxy cho nước và làm tơi đất. Phân của chúng cũng rất tốt cho quá trình sinh trưởng của lúa.

Với phương pháp đơn giản mà hiệu quả này, ngoài tiết kiệm tiền mua thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ, thu nhập của gia đình ông Furuno tăng cao nhờ bán vịt. Thu nhập của ông cao hơn đến 30% so với thu nhập trung bình của những nông dân sử dụng phân hóa học.

img
Ông Furuno trên cánh đồng lúa của mình.

Qua tìm hiểu, ông Furuno biết rằng, nông dân Nhật Bản thời xưa đã sử dụng vịt trên cánh đồng. Thế rồi, ông đã bắt đầu làm thử nghiệm, lấy những tấm bìa nhựa khoanh vùng và làm một trại vịt ngay trên cánh đồng lúa của mình. Sau thời gian ngắn quan sát, ông nhận thấy, những con vịt này hàng ngày rất tích cực bắt côn trùng bám trên cây lúa để ăn.

Tiếp đó, ông bắt đầu nghĩ, nông dân thời xưa thậm chí còn nuôi cá trên những thửa ruộng lúa nước, tại sao ngày nay không có điều đó. Ông lý giải rằng, bởi vì nông dân ngày nay sử dụng hóa chất trong các loại thuốc trừ sâu quá nhiều, nên nó chỉ giúp cây lúa tăng trưởng, song lại giết chết các loài cá sống trên cánh đồng. Ông Furuno quyết định, vừa trồng lúa, vừa thả vịt bắt sâu, vừa thả cá kiếm thêm thu nhập. Tuy nhiên, để tránh tình trạng vịt ăn cá, ông đã khoanh vùng nước đục để thả vịt.

Hiện nay, ngoài việc sản xuất lúa gạo, ông Furuno còn bán thịt, trứng vịt và cá. Sau nhiều năm thành công nhờ phương pháp mới này, năm 2010, cuốn sách “Quyền lực của vịt” của ông được xuất bản, đã thu hút sự quan tâm của hơn 75.000 nông dân ở nhiều nước trên thế giới. Nông trại của ông cũng thường xuyên đón các đoàn sinh viên trong và ngoài nước đến thực tập.