Đường đến tỷ phú của Hồ Xuân Năng
Hồ Xuân Năng sinh năm 1964 tại Nam Định, tốt nghiệp Đại học Bách khoa, bảo vệ luận án Tiến sĩ thành công và trở thành cán bộ nghiên cứu khoa học tại Viện Cơ điện nông nghiệp và chế biến nông sản thuộc Bộ NN-PTNT.
Nhưng sau đó, ông đã bước chân sang ngành kinh doanh, trở thành Giám đốc sản xuất Nhà máy ô tô FORD Việt Nam.
Năm 1999, ông Năng đến với Tổng công ty Xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam Vinaconex với vị trí là Thư ký Chủ tịch HĐQT.
Đại gia Năng Do Thái từng sở hữu khối tài sản lên tới 17 nghìn tỷ thời kỳ đỉnh cao
Tại Vinaconex, ông Năng kinh qua nhiều vị trí từ Thư ký Chủ tịch HĐQT đến Giám đốc công ty Đá ốp lát cao cấp Vinaconex. Năm 2007, ông Hồ Xuân Năng được bầu làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của công ty này. Đây cũng là tiền thân của Vicostone sau khi doanh nghiệp này lên sàn và thực hiện cổ phần hóa hoàn toàn vào năm 2013. Năm 2014, ông Hồ Xuân Năng làm bầu làm Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ của Vicostone (VCS).
Từ vị thế làm thuê, làm công ăn lương, ông Hồ Xuân Năng trở thành ông chủ của một trong những doanh nghiệp có quy mô hàng đầu trên thị trường chứng khoán. Vốn hóa của Vicostone giờ lên tới gần 16,3 ngàn tỷ đồng, trong khi đó vốn hóa của Vinaconex vẫn quanh ngưỡng 9 ngàn tỷ đồng.
Vicostone hiện là một trong những công ty lớn nhất thế giới về đá ốp nhân tạo cao cấp với doanh thu đạt hàng ngàn tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính quý IV.2018 của VCS, năm 2018 VCS đạt 4.522 tỷ doanh thu, tăng so với mức 4.352,5 tỷ năm ngoái. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế đạt 1.318 tỷ đồng, chưa đáp ứng kỳ vọng 1.355 tỷ đồng đề ra. Lợi nhuận sau thuế thu về gần như đi ngang cùng kỳ ở mức 1.123,5 tỷ đồng, cao hơn cùng kỳ năm ngoái 2 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán, từ năm 2014, cổ phiếu VCS của Vicostone đã tăng trưởng không ngừng. Năm 2017, thị giá cổ phiếu này đã tăng 143% và tiếp tục tăng trong 3 tháng đầu 2018.
Tính đến phiên 29.03.2018, VCS đã thiết lập đỉnh mới tại mức giá 262.500 đồng/cp, tăng 4% so với đầu năm, vượt qua SAB và VCF, trở thành cổ phiếu có giá cao nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Ông Năng trở thành người giàu thứ 5 trên sàn chứng khoán Việt Nam với giá trị tài sản trên 14.000 tỷ đồng (trực tiếp và gián tiếp)
Với khoảng 133 triệu cổ phiếu VCS đại gia Năng Do Thái trực tiếp và gián tiếp nắm giữ hiên nay, nếu tính theo mức giá 140.000 đồng/cổ phiếu (giá đã điều chỉnh) vào đầu tháng 4.2018, khi chỉ số VN-Index của thị trường chứng khoán (TTCK) ở đỉnh lịch sử 1.200 điểm, đại gia này có khối tài sản quy ra từ cổ phiếu VCS trị giá ước khoảng 17.800 tỷ đồng.
Diễn biến mã cổ phiếu MCS của Vicostone
Nhưng, ở vào thời điểm hiện tại, khối tài sản của ông Hồ Xuân Năng còn khoảng 8,6 nghìn tỷ đồng khi mã cổ phiếu này bốc hơi tới 50% trong nửa cuối năm 2018 từ mức giá 140.000 đồng/cổ phiếu xuống còn khoảng 70.000 đồng/cp. Khối tài sản này dù giảm song cũng đủ để giúp vị đại gia Hồ Xuân Năng lọt trong Top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt hiện nay.
Ông Hồ Xuân Năng được xem là một trong những doanh nhân có tốc độ giàu nhanh hàng đầu trên TTCK Việt Nam. Mặc dù tại ĐHCĐ 2018 ông Hồ Xuân Năng cho biết, “Tôi không bao giờ mong muốn xuất hiện trong danh sách tỷ phú đô la. Tôi chỉ muốn là người bình thường.”
Thương vụ thâu tóm “ngược” vang động thị trường
Vicostone được thành lập từ cuối 2002. Ngay từ những ngày đầu tiên thành lập, vị thế độc quyền của Vicostone trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh đá nhân tạo đã sớm được xác định bởi chính những cổ đông sáng lập đến từ Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex).
Từ mức vốn điều lệ 22,93 tỷ đồng ban đầu năm 2005, con số này đã tăng hơn 23 lần và chạm mức gần 530 tỷ đồng tính đến cuối quý II.2014. Tổng doanh thu cũng tăng qua từng năm với tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2005-2013 đạt trên 34%. Tuy nhiên, mức lợi nhuận của Vicostone lại không đạt kỳ vọng và giảm dần trong giai đoạn 2011 – 2013.
Theo đó, nhuận sau thuế giảm mạnh từ gần 123 tỷ đồng năm 2011 xuống còn chỉ 56 tỷ đồng trong năm 2012 và 68 tỷ năm 2013.
Chưa hết, Vicostone còn bị đe dọa về thị phần, hiệu quả hoạt động và tăng trưởng do nguy cơ về cạnh tranh trong nước cũng như quốc tế khi xuất hiện ngày càng nhiều đối thủ cạnh tranh lớn, mạnh: khả năng gặp rủi ro cao về thị phần, phải hạ giá bán, tăng giá mua đầu vào (do có nhiều nhà sản xuất cùng loại sản phẩm).
Trong bối cảnh ấy, ĐHCĐ của Vicostone đã chấp thuận cho Công ty Phenikaa, đối thủ cạnh tranh của Vicostone được mua từ 51-58% cổ phần của Vicostone mà không phải thông qua chào mua công khai. Đến cuối tháng 9.2014, Vicostone đã mua lại 20% lượng cổ phiếu đang lưu hành làm cổ phiếu quỹ, qua đó làm tăng tỷ lệ biểu quyết của Phenikaa lên 72,5%.
Thương vụ này không có gì đáng nói nếu như đại gia Năng Do Thái “lộ diện” với cương vị ông chủ mới của Phenikaa chỉ sau hơn 3 tháng Phenikaa thâu tóm Vicostone.
Với việc nắm giữ 90% vốn điều lệ của Phenikaa, ông Năng đã thâu tóm ngược lại Phenikaa, đồng thời nắm đủ số cổ phần để kiểm soát luôn cả Vicostone.
Động thái này của ông Năng đã gây sửng sốt trong giới doanh nghiệp khi đó. Đây cũng chính là bước ngoặt giúp ông Năng trở thành một trong những người giàu nhất trên TTCK khi lợi nhuận của VCS tăng từ mức 2 con số của năm 2013, lên mức 3 con số năm 2014 và đến năm 2018, lợi nhuận sau thuế của Vicostone trên nghìn tỷ đồng.