Dân Việt

Điều gì đang chờ bóng đá Việt Nam trong năm Kỷ Hợi 2019?

Quang Anh 09/02/2019 07:10 GMT+7
Sau một năm 2018 quá đỗi thành công, bóng đá Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì màn thể hiện ấn tượng ở những đấu trường mang tầm châu lục.

Cơ hội vươn mình cho nền bóng đá

Sự hiện diện của HLV Park Hang-seo đã mang lại những thành công ngoài mong đợi cho nền bóng đá. Từ vị trí một người bị hoài nghi về năng lực, ông thầy 60 tuổi đã dần chinh phục được lòng tin từ người hâm mộ bằng những chiến công chói lọi xuyên suốt năm 2018. 

Bắt đầu từ ngôi á quân giải U23 châu Á, vị trí thứ tư tại ASIAD 18, chức vô địch AFF Cup và gần nhất là chiến tích lọt vào vòng 8 đội mạnh nhất Asian Cup 2019. Các lứa ĐT Việt Nam trong giai đoạn này đều được quán triệt bởi một triết lí bóng đá khoa học, chặt chẽ, thực dụng và đầy sắc bén.  

Chúng ta phòng ngự nhưng cũng biết cách tấn công, và thậm chí còn chủ động làm điều đó khi cần thiết, để trừng phạt đối thủ. Nhưng quan trọng hơn cả, hệ thống mà thầy Park tạo ra ấy, đã giúp phát huy tốt nhất năng lực của thế hệ cầu thủ "vàng" lứa 95-99 và cả những "cựu binh" được giữ lại từ các lứa trước.  

img

Toàn đội thi đấu như một khối thống nhất, hoàn hảo trong mọi chi tiết từ cách di chuyển, cầm bóng, chuyền bóng, xoay trở, phòng ngự khu vực, tổ chức tấn công... Khi có một lối chơi và sự rèn giũa tư duy đủ tốt, các cá nhân cũng vì thế mà phát huy hiệu quả hơn phẩm chất kỹ thuật cũng như sự bùng nổ cá nhân. 

Thực tế, không chỉ riêng gì những tài năng trẻ như Quang Hải hay Văn Hậu, mà cả những đàn anh của họ, như Công Phượng, Bùi Tiến Dũng hay Quế Ngọc Hải cũng đã cho thấy sự tiến bộ vượt bậc (thậm chí nếu không muốn nói là vươn tầm khả năng lên một tầm cao mới) dưới thời HLV Park. 

Chưa bao giờ, nền bóng đá xử sở lại tràn ngập niềm tin và hi vọng như thời điểm hiện tại. Đâu đó, người ta đã nói về những giấc mộng lớn, to tát hơn. Và tất nhiên, nó phải ở một tầm cỡ bước ra ngoài ranh giới châu lục, ví như việc xuất hiện ở một kỳ Olympic hay... World Cup chẳng hạn.

img

Đi kèm những thách thức

Sau những thăng hoa, việc người hâm mộ kì vọng cao hơn ở đội tuyển là điều dễ hiểu. Nhưng làm được hay không lại còn là một câu chuyện rất khác. Trong đó, bài toán về con người là dấu hỏi đầu tiên và lớn nhất. 

Nhật Bản, Hàn quốc và nhiều nước châu Á đã tiêu tốn một hành trình dài vài chục năm (với rất nhiều tiền của, công sức và trí tuệ bỏ ra) để đưa nền bóng đá của mình tiếp cận trình độ thế giới. Trong khi Việt Nam- với những hạn chế về trình độ tổ chức, hệ thống cơ sở vật chất, các CLB và học viện đủ chuẩn chuyên nghiệp, cho đến hiện tại chỉ có đúng một lứa cầu thủ được "tạm" đánh giá đủ tầm vươn ra ngoài biên giới xứ sở.  

Dẫn chứng sinh động nhất chính là đội hình thi đấu dưới thời HLV Park ở các lứa đội tuyển. Trong suốt một năm tròn từ giải U23 châu Á đến Asian Cup, ông chỉ có đúng một đội ngũ tinh nhuệ, vốn là những cầu thủ tinh hoa nhất của lứa 95-99, bổ sung thêm một vài đàn anh từ thế hệ trước.

img

Liệu rằng, trong lịch sử đã từng có một nền bóng đá nào có thể nghĩ đến World Cup chỉ bằng một... đội hình và một vị HLV đủ tốt? 

Xin mượn lời HLV Park để nói về câu hỏi này: “Để hoàn thành mục tiêu World Cup, việc phát triển và nuôi dưỡng các tài năng trẻ là điều quan trọng nhất. Nếu có một lộ trình đào tạo bài bản để phát triển lứa cầu thủ trẻ và lập được một kế hoạch rõ ràng, tôi nghĩ Việt Nam sẽ giành vé tham dự World Cup trong khoảng 10-20 năm nữa”.

Ông Park là người khởi xướng cho những thăng hoa và niềm hi vọng của nền bóng đá. Nhưng cũng chính ông, cũng không thể chắc chắn rằng, Việt Nam- với những nguyện vật liệu sẵn có, liệu đã đủ khả năng nghĩ đến World Cup ngay từ lúc này hay chưa?

img

Thế hệ Quang Hải mang đến những niềm tin sáng sủa cho người hâm mộ nước nhà. Nhưng để mơ cao và xa hơn, ngay từ lúc này, chúng ta cần bắt tay vào những công việc cụ thể. Trong đó, phát triển đào tạo trẻ, mở rộng giải đấu cũng như việc chuyên nghiệp hóa các CLB chính là những nhiệm vụ trọng tâm.