Nỗi khổ nông dân thấm vào da thịt tôi
Trong một tác phẩm, ông từng viết, ông xuất thân từ làng quê. Tốc độ đô thị hoá hiện nay đang làm nhiều vùng quê mất dần những cánh đồng và nhiều người không muốn làm nông dân nữa. Tại sao ông lại kính trọng nông dân?
- Tôi luôn kính trọng những người nông dân vì họ mang hình ảnh tôi, người thân của tôi. Tôi thương mến họ, nói về họ như nói về chính mình. Khổ nhọc của họ thấm vào da thịt tôi. Mỗi mùa đông, từng cơn gió rét cắt da cắt thịt vẫn còn làm tôi tê tái. Hễ qua những cánh đồng, thấy nông dân làm việc, lòng tôi lại nôn nao nhớ, trào lên niềm chia sẻ, thấy cái rét cắt da vẫn đọng trong mình.
Nhà báo Hồ Quang Lợi đến thăm và trao quà tết cho Bà mẹ VNAH Trần Thị Giá, 96 tuổi ở Phú Xuyên (huyện chiêm trũng ngoại thành Hà Nội) chiều 10.1. |
Nghĩ đến nông dân, hình ảnh nào lập tức hiện lên trong tâm trí ông?
- Ấn tượng là những khuôn mặt đen sạm cúi xuống ruộng ngập nước. Vất vả cơ cực thế mà họ vẫn giữ được niềm vui sống. Mồ hôi túa trên trán, gương mặt, vậy mà ngơi tay là nói cười, hồn nhiên, chất phác và nhiều lúc cười như an ủi cho chính mình và người khác. Tôi nhớ hình ảnh những cỗ xe đầy lúa khoai, họ còng lưng kéo đẩy từ ruộng, nơi đã cật lực lao động, đẩy về làng với nỗi sung sướng, hớn hở, quên nhọc mệt.
Ông có thể tâm sự về quê mình? Ông nói “cái khổ nông dân ngấm vào da thịt”, vậy ông có thể… làm một người nông dân chứ?
- Tôi sinh ra, lớn lên ở xã Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Làng tôi không giàu kinh tế nhưng lừng danh trù phú, nhân tài. Giờ những cánh đồng quê còn khá nguyên vẹn. Với ký ức của người nặng tình, thì đó là may mắn. Tôi không thể nào quên những cánh đồng Cây Chả, Bon Bon, Hói Nồi, Đập Bản, sông Đồng Nghệ, sông Mơ, dòng Nông Giang thuỷ lợi gắn bó với thời thơ ấu của anh em tôi.
Cha tôi mất sớm, trên những cánh đồng ấy, mẹ và 6 anh em tôi đã quần quật tháng ngày. Ngôi nhà thơ ấu của chúng tôi vẫn còn, với 7 sào ruộng, anh ruột tôi hiện sống và canh tác ở đó. Tôi biết cấy, bừa từ khi học lớp 4.
Sau 5 năm du học, ngày đầu tiên trở về làng, tôi đã xuống ruộng gặt lúa. Đồng quê quá đỗi thân thương vì mỗi lần nghĩ tới, tôi lại nhớ mẹ vô cùng. Nhớ mùa đông cùng mẹ cấp tập cấy để nghỉ tết. Gió rét căm căm, đồng trắng băng nước. Chú bé cầm đon mạ dài gần bằng nửa đòn gánh, cắm được mạ xuống, nước ngập đến nách. Tôi đã làm bài thơ tặng mẹ khi người tròn tuổi 70 (1992): “Ruộng lúa cấy nước ngang lưng mẹ/ Điếu thuốc lào khói ấm cánh đồng xa”.
Hà Nội không chỉ có phố
Là người con xứ Nghệ nhưng ông lại đang sống và làm việc ở Hà Nội, hơn thế nữa, lại đang giữ trọng trách góp phần chăm sóc, bảo tồn những giá trị văn hóa của Hà Nội, ông có thấy sự quá tải dân cư và phát triển thiếu quy hoạch, thiếu phối hợp đồng bộ kiến trúc – giao thông, môi trường ô nhiễm, sự xô bồ và thậm chí có nơi hỗn tạp trong nếp sống khiến chất thanh lịch vốn có của người Hà Nội đang mai một?
- Văn hoá ứng xử, đạo đức truyền thống đang có phần mai một, phai nhạt. Tôi nghĩ, hơn bao giờ hết, mỗi người dân dù từ đâu tới, khi sống tại thủ đô phải ý thức về nếp Tràng An từ sinh hoạt hàng ngày; cùng khôi phục, vun đắp cho truyền thống đẹp đẽ, thanh quý ấy.
Rất nhiều cầu, đường, vành đai đã xây dựng và các tuyến đường sắt đô thị sẽ triển khai, và tôi cũng luôn mong bên cạnh các công viên, Cung Trí thức, thư viện, trường học, Hà Nội có thêm nhiều vườn hoa, nhà hát, thảm cây xanh, giữ gìn các hàng cây cổ thụ, hồ nước, thêm nhiều tác phẩm điêu khắc ngoài trời…
Cái đích đẹp nhất, sâu xa nhất, cốt tử nhất mà chúng ta khát vọng là xây dựng con người, nền tảng văn hoá, tinh thần của Hà Nội. Nếp sống văn hoá người Hà Nội thế kỷ 21 cần là sự kế thừa sống động, tinh hoa truyền đời.
Chúng ta nhất thiết gây dựng di truyền văn hoá qua các thế hệ người Hà Nội để kinh kỳ phồn hoa luôn rạng rỡ và trầm tích luồng sáng kiêu hãnh, chủ lưu từ nghìn năm, đại diện của văn minh sông Hồng trên đất nước 4000 năm lịch sử.
Ông Hồ Quang Lợi
Hà Nội không chỉ có phố cổ, đô thị, mà còn có nông thôn. Làng cổ Đường Lâm đã bị bê tông hoá đường làng. Hà Nội đã và đang mất nhiều di sản văn vật ở vùng ngoại ô...
- Sau mở rộng và hợp nhất, Hà Nội có vùng nông thôn rộng lớn gồm 401 xã. Trong cơn lốc đô thị hoá, nông thôn Hà Nội đang đứng trước nguy cơ bị mai một vẻ đẹp truyền thống. Không gian thôn quê có nơi bị phá vỡ và biến dạng, ô nhiễm môi trường nặng nề. Nhiều đình, chùa cổ bị trùng tu thành… xây mới, con đường gạch nên thơ bị phá bỏ.
Tôi rất tiếc khi làng Đường Lâm mất con đường cũ. Sự ngột ngạt bức bối ở nhiều làng bê tông hoá thật đáng sợ! Tiếc nuối làm sao khi không còn nhìn thấy những cánh cò; còn ao hồ thì bị lấp, kênh mương cạn, nhiều dòng sông chết. Một bộ phận lao động nông thôn thiếu việc làm do bị thu hồi đất trong quá trình công nghiệp hoá đang vật lộn kiếm sống khó khăn, từ đó dễ nảy sinh các vấn đề bức xúc. Môi trường tự nhiên, xã hội, không gian tinh thần đều đang đứng trước nhiều sức ép, sự xô đẩy bạo liệt, đặt ra những thách thức lớn cho việc tổ chức, sắp xếp lại đời sống xã hội nông thôn. Đây là vấn đề quốc gia chứ không chỉ riêng Hà Nội mở rộng.
Chúng ta đang triển khai phong trào sâu rộng xây dựng nông thôn mới như nhiệm vụ trọng yếu hàng đầu. Hà Nội đang tích cực đẩy mạnh tiến trình này và thu được kết quả bước đầu đáng khích lệ.
Nông thôn và làng quê không chỉ là chốn sinh dưỡng nhiều lớp người, mà còn là đề tài, bối cảnh nhiều tác phẩm nghệ thuật. Tình trạng các khu công nghiệp, chế xuất, đô thị hoá ồ ạt và thiếu quy hoạch đã, đang và tiếp tục biến đổi hình ảnh nông thôn, lấy đi sự yên bình của nó. Làm sao để giải quyết được hiện thực phức tạp này, thưa ông? Ông muốn nhắn gửi gì tới độc giả báo NTNN?
- Tôi không có chức năng là nhà quy hoạch chiến lược, nhưng tôi nghĩ, tất cả chúng ta đều có trách nhiệm góp phần giữ gìn, ngăn chặn bớt xói mòn, mất mát, biến chất. Việt Nam là đất nước nông nghiệp, nền văn minh lúa nước. Không chỉ thế, dẫu cho ai không gắn bó nông thôn thì không gian làng quê vẫn là vùng tâm thức căn cốt trong nhiều thế hệ người. Cánh đồng, dòng sông, vườn tược, khói chiều bay lên từ các ngôi làng đầm ấm, con đò, bến nước vẫn mãi là miền thanh bình cho mọi tâm hồn. Ở các nước phát triển, người ta vẫn gìn giữ những cánh đồng, của lúa mì của hoa, của cỏ...
Nếu nhà chính sách có tầm nhìn thấu đáo, Nhà nước quan tâm tới nông dân nhiều hơn nữa, tôi tin tình yêu ruộng đồng của họ sẽ còn mãi. Họ và vùng canh tác - không gian của họ gần gũi và chở che tinh thần chúng ta trong nơi sâu thẳm và thân thương nhất.
Nhân năm mới 2012, cho tôi gửi lời chúc tốt lành, hạnh phúc tới độc giả báo Nông Thôn Ngày Nay - tờ báo đã trở thành người bạn thân thiết của nông dân và những người yêu quý nông thôn. Tôi cũng xin chúc những người nông dân thân thương một năm may mắn, được mùa, có của ăn của để. Mùa màng no đầy, bình yên và niềm vui chan chứa là ước mơ ngàn đời của người nông dân và của mỗi chúng ta.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Duy Anh (thực hiện)