Cái khó là đê mới phải đắp trên bùn lầy. Đất vất đến đâu chìm nghỉm đến đó, như là đang bón thức ăn cho một lão thổ thần tham lam vô đáy vậy. Năm này, năm khác, nhiều năm như thế, ngay cả khi tôi rời Thái Bình, con đê vẫn chưa xong.
Rồi ở Hải Phòng, công trình lấn biển ven đường 14 đi Đồ Sơn. Đắp lên, tụt xuống cũng mất mấy năm. Vùng này vẫn là “đất mới”, trứng treo đầu đẳng mỗi lần có bão, có lũ. Mấy cây số đê biển ở xã Vinh Quang – nhiều người gọi là Mũi Cà Mau của Hải Phòng – luôn là trọng điểm xung yếu của hệ thống đê biển Hải Phòng.
Tôi rời Hải Phòng trước khi gia đình anh Đoàn Văn Vươn nhận đất lấn biển. Nếu biết tôi đã có thể can anh hoặc giúp anh ít nhiều kinh nghiệm của một người luôn thất bại vì cả tin. Vì lấn biển ở Vinh Quang không phải dễ. Nhưng 20 năm không về Vinh Quang, năm ngoái đọc báo thấy bài ca ngợi anh là “bậc kỳ tài lấn biển” thành công, tôi không thể không thán phục ý chí, nghị lực của người nông dân ấy.
Vụ anh và mấy người em phạm pháp đã làm lộ ra những điều phi lý khó tưởng tượng. Đó là, lãnh đạo Tiên Lãng không biết lấn biển lâu dài, gian khổ thế nào mà bất chấp Luật Đất đai, chỉ cho anh Vươn thuê có 14 năm rồi đòi thu để cho người khác thuê? 14 năm thì cây sú còn chưa đứng vững trên bùn huống gì đất nuôi trồng. Như thế chẳng khác gì cho nông dân thuê đất trồng cây ăn quả, cây ra quả bói thì thu đất về.
Có thể anh Vươn đã quá tin rằng, cái hạn 14 năm ấy là quy định khơi khơi vậy thôi, công trình của anh thành công, có tác dụng bảo vệ cả mấy cây số đê Vinh Quang này, chắc người ta không nỡ mà cũng không dại gì thu hồi, sẽ gia hạn cho anh.
Vươn đã bị dồn đến chân tường, đã phạm pháp và sẽ bị trừng phạt. Nhưng trong chốn lao tù chắc anh tự biết mình đã nhầm, đã nhẹ dạ, đã quá tin vào lương tri và sự tử tế của con người và mảnh đất mà gia đình anh đổ mồ hôi, sôi nước mắt dựng lên lại có thể đưa anh vào vòng lao lý.
Nguyễn Quang Thân