Nước mắt ở quê nhà
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) xác định trên tàu Jung Woo 2 bị cháy có 23 người Quốc tịch Việt Nam.
Mẹ và vợ con thuyền viên Đặng Ngọc Quảng ngất lên ngất xuống nghe tin con, chồng mất tích |
PV Dân Việt đã về xã Kỳ Trung, Kỳ Anh tìm gặp người thân của các thuyền viên. Khi chúng tôi đặt chân tới nhà ông Đặng Đình Ninh và bà Trần Thị Nhuận, ở xóm Tây Sơn, xã Kỳ Trung (là bố và mẹ đẻ của thuyền viên Đặng Ngọc Quảng) đã thấy rất đông người dân trong xã đến chia buồn với gia đình ông bà.
Thấy người lạ tới nhà, ông Ninh vội vã chạy ra ngõ hỏi tin về đứa con trai. Qua trò chuyện, ông Ninh cho biết: "Gia đình tôi biết được tin qua truyền hình có chiếc tàu của Hàn Quốc bị cháy ở Nam Cực, trong đó có các thuyền viên ở Kỳ Anh (Hà Tĩnh) bị nạn và mất tích. Linh tính mách bảo chuyện chẳng lành, tui lấy giấy tờ ra xem đúng là con tàu mà con trai tui đi làm thuê trên đó. Rồi họ đọc con tên con trai tui mất tích, không biết số phận thằng Quảng bây giờ ra sao" - mắt ông Ninh đỏ hoe.
Hơn hai ngày qua, chị Trần Thị Hồng Tứ (vợ Quảng) bế đứa con gái 20 tháng không rời khỏi giường, ngất lên ngất xuống. Tiếng khóc xé lòng của mẹ và vợ Quảng khiến những người có mặt không cầm nổi nước mắt. Để trấn an vợ, ông Ninh lại ôm chầm vợ rồi nói "chưa có thông tin chính thức về số phận của con, bà đừng khóc lớn như thế làm con dâu hoang mang".
Thế nhưng, hôm 12.1, theo xác nhận của Đại sứ quán VN tại Hàn Quốc, 3 thuyền viên người Việt mất tích trước đó đã xác định là thiệt mạng...
Giấc mơ dang dở
Sinh ra trong gia đình có 6 anh chị em, vì vậy Đặng Ngọc Quảng đã lăn lộn kiếm sống từ rất sớm. Năm 2009, Quảng lập gia đình và được bố mẹ cho ít tiền xây được căn nhà nhỏ ra ở riêng. Vì cuộc sống quá khó khăn, ngoài hai sào ruộng không có việc gì làm thêm Quảng đã phải tạm biệt vợ và đứa con gái đi làm thuê ở xứ người, ước mơ kiếm được ít tiền về xây lại nhà bếp rồi hai vợ chồng tập trung vào làm vườn.
Bà Thuận kể: "Số thằng Quảng vất vả lắm, đến bây giờ nó đã có 4 chuyến đi xuất khẩu lao động làm thuê ở nước ngoài nhưng đều thất bát. Năm 2006, sau khi làm hồ sơ đi xuất khẩu lao động sang Đài Loan làm thuyền viên đánh cá. Nhưng được 18 tháng không chịu được sự đánh đập của chủ tàu Quảng đã phải phá hợp đồng bỏ của chạy lấy người.
Năm 2010, sau khi sang Libya làm được hai tháng thì chiến sự nổ ở đất nước này nổ ra, Quảng phải hồi hương. Sau đó sang Lào làm được 1 tháng thu nhập quá thấp, Quảng lại về nước. Về quê không có việc làm, không chịu được cảnh nhàn rỗi túng thiếu, thông qua môi giới đi lao động, Quảng đã làm hồ sơ đi đánh cá trên biển cho tàu cá của Hàn Quốc, chi phí toàn bộ cho chuyến đi hết 25 triệu đồng.
Hiện gia đình còn nợ 60 triệu đồng của Ngân hàng. Từ ngày 4.11.2011, Quảng đi đến nay chưa có một đồng gửi về cho vợ con.
Bà Nguyễn Thị Ơn bàng hoàng nghe tin con bị nạn |
Cách nhà ông bà Ninh-Thuận hai ngõ là nhà của thuyền viên Nguyễn Chí Công. Khi chúng tôi đến, thấy mẹ Công là bà Nguyễn Thị Ơn đang ngội bệt giữa nhà gào khóc.
Bà Ơn kể trong nước mắt: "Bố vừa mất, làm trăm ngày cho bố xong, thấy thằng Công nói nhỏ với tui, gia đình ta nợ nhiều (40 triệu đồng tiền vay ngân hàng) con phải đi xuất khẩu lao động một chuyến mong mới trả được nợ và kiếm chút vốn sau này về làm ăn. Ai ngờ bây giờ nó bị nạn ở bên đó, nghe thông tin thằng Công bị bỏng nặng, tui nóng ruột vô cùng không biết nó sống chết thế nào.
Bà Ơn cho biết thêm: "Chuyến đi này nó hy vọng nhiều lắm, làm thuê kiếm ít tiền sửa lại căn nhà để hỏi vợ, trước lúc đi xuất khẩu lao động Công đã đi dạm ngõ bỏ trầu một cô gái cùng làng".
Hữu Anh