Dân Việt

Chùm ảnh: Đặc sắc Lễ hội Gầu Tào của đồng bào Mông Tây Bắc

Hà Hoàng 12/02/2019 12:41 GMT+7
Trong những ngày đầu xuân Kỷ Hợi 2019, đồng bào dân tộc Mông ở bản Xà Lĩnh (xã Pà Cò, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình) đã tổ chức Lễ hội Gầu Tào. Việc tổ chức Lễ hội nhằm mục đích cúng tạ trời đất, núi, sông, thần linh, cầu mong tổ tiên phù hộ cho con cháu sức khỏe, may mắn, cầu mùa màng bội thu, gia súc, gia cầm đầy chuồng cho dân bản. Lễ hội cũng là dịp để bà con bản tụ họp, vui chơi chuẩn bị bước vào một năm mới, một mùa canh tác mới phát tài.

Dân tộc Mông có đời sống tinh thần, tâm linh rất phong phú và đa dạng, tạo nên truyền thống văn hóa riêng với rất nhiều nét đặc sắc. Một trong những lễ hội tiêu biểu thể hiện nét đẹp truyền thống của dân tộc Mông chính là lễ hội Gầu Tào. 

img

Gầu Tào là tiếng của dân tộc Mông (đen) nghĩa là chơi ngoài trời. Đây là lễ hội lớn thứ 2 sau tết truyền thống của người Mông.

img

Địa điểm tổ chức Lễ hội Gầu Tào phải được thầy cúng người dân tộc Mông lựa chọn. Sau đó dựng cây nêu, trang trí thêm các hình nộm, hoa văn bằng nhiều màu sắc... ở nơi bằng phẳng rộng rãi. Trước đó, người dân sẽ được thông báo về địa điểm, thời gian để bố trí nghỉ làm việc nương rẫy chuẩn bị dự hội.

img

Nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dânn tộc Mông, không chỉ nói tới những tập quán canh tác, chăn nuôi, ăn ở… mà còn ở tín ngưỡng, phong tục, tâm linh. Trong đó, tất cả những tín ngưỡng về sinh hoạt vật chất, sinh hoạt tinh thần đều xoay quanh mối quan hệ gia đình, dòng họ và nội bản. Nững tín ngưỡng đó đều được tái hiện qua lễ hội Gầu Tào.

img

 Trong Lễ hội Gầu Tào, bà con dân tộc Mông còn tổ chức trò chơi của dân tộc mình là ném Pao.

img

Theo già bản Xà Lính (xã Pà Cò, huyện Mai Châu tỉnh Hòa Bình) những ai không có con hoặc con bị ốm đau thì gia đình sẽ tổ chức cúng thần núi và xin bản tổ chức lễ hội Gầu Tào cho sinh con trai.

img

Thời gian mở hội thường trong khoảng từ ngày mồng một đến ngày 15 tháng giêng. Nếu hội tổ chức 3 năm liền thì mỗi năm tổ chức 3 ngày liền, hội làm gộp một năm sẽ tổ chức 9 ngày. Lễ hội Gầu Tào gồm 2 phần lễ và hội. Lễ hội Gầu Tào có thể do một gia đình, một dòng họ hay một bản đứng ra tổ chức. 

img

img

Lễ hội Gầu Tào không chỉ cầu bình an, may mắn, cúng thần linh...  mà còn tạo sân chơi vui nhộn cho bà con dân tộc trình diễn các tiết mục văn nghệ truyền thống đặc sắc.

img

Đồng bào dân tộc Mông tổ chức Lễ hội Gầu Tào với mục đích là cúng tạ trời đất, núi, sông, thần linh, cầu mong tổ tiên phù hộ ban cho con cháu sức khỏe, thịnh vượng, cầu phúc, cầu mùa màng bội thu, gia súc, gia cầm đầy chuồng.  Lễ hội cũng là dịp để bà con trong bản tụ họp, vui chơi chuẩn bị bước vào một năm mới, một mùa sản xuất mới thành công.