Có dịp theo chân một người bạn dân tộc Mông lên đón Tết cùng bà con người Mông ở bản Hua Ty (xã Co Mạ, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La), ngoài tính hiếu khách, thật thà chất phác của bà con nơi đây, chúng tôi còn được biết đến các phong tục mang đậm giá trị văn hóa tinh thần trong đời sống tâm linh của người Mông.
Gọi hồn là một trong những nghi lễ không thể thiếu của người Mông Trắng ở Sơn La.
Tục gọi hồn là nghi lễ truyền thống lâu đời không thể thiếu của người Mông. Gọi hồn hay “hu pì” được tổ chức khi một gia đình có thành viên mới ra đời, thành viên ốm đau, ngày Tết, làm cúng, thành viên đi làm ăn xa…
Sáng hôm ấy, sau quãng thời gian gần chục ngày đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi cùng gia đình, đứa con gái xinh đẹp của cô Vừ Thị Sinh ở bản Hua Ty (Co Mạ - Thuận Châu) chuẩn bị xuống núi đi học chữ ở Hà Nội. Với niềm hy vọng để đứa con của mình có sức khỏe hoàn thành tốt việc học tập và đem cái chữ về làm giàu cho gia đình, xã, bản, cô Sinh đã phải dậy từ lúc 3h sáng để tổ chức lễ gọi hồn cho con gái.
Người gọi hồn thường là các thầy cúng, người cao tuổi, trưởng dòng họ có uy tín trong bản.
Trò chuyện với chúng tôi, cô Sinh chia sẻ: Con gái đã xa gia đình được gần 7 tháng rồi. Dịp tết này mới được về đón tết với gia đình. Nay, con lại sắp xa gia đình để học chữ. Trong lòng tôi cứ phấp phỏng, lo âu nên sáng nay, tôi đã phải dậy sớm từ lúc 3h sáng để mời thầy cúng và chuẩn bị mọi thứ để gọi hồn, cầu mong con lên đường khỏe mạnh, bình an.
Nơi diễn ra lễ gọi hồn ở cửa chính – cửa đối diện với bàn thờ trong nhà, lễ vật gồm: 1 chiếc ghế dài, một bát gạo, nén hương, 1 quả trứng, 2 con gà (1 trống, 1 mái).
Chia sẻ với chúng tôi, bà Và Gà Tú, người có kinh nghiệm trong việc cúng gọi hồn, bản Hua Ty A (xã Co Mạ, huyện Thuận Châu), cho biết: Phải gọi hồn từ lúc 5 – 6 giờ sáng thì mới tốt và hồn mới về được. Công việc gọi hồn được tiến hành bằng cách đặt quả trứng vào lòng bàn tay. Gọi hồn theo vía, bắt đầu gọi từ nơi làm việc, nơi công tác, nơi học tập… của người cần gọi để hồn hòa nhập vào các thành viên trong gia đình cho thần linh, tổ tiên dễ quản lý, bảo vệ. Gọi đến khi nào, quả trứng đứng thẳng trong lòng bàn tay thì hồn đã về, còn quả trứng nghiêng thì hồn chưa về.
Thầy cúng đặt quả trứng lên lòng bàn tay, gọi đến khi quả trứng đứng thẳng và không còn bị nghiêng là hồn đã về.
Khi gọi hồn xong, gia chủ tiến hành mổ gà, luộc trứng. Khi gà và trứng đã chín, thầy cúng tiếp tục ra cửa chính gọi, mời thần linh, tổ tiên về ăn và cầu xin tổ tiên bảo vệ, phù hộ cho cháu có sức khỏe tốt và may mắn.
Sau khi gà chín, thầy cúng đem gà ra cửa chính gọi thần linh, tổ tiên về ăn để bảo vệ cho con cháu.
Sau đó, cơm, thịt gà, rượu ngô, trứng được chủ nhà bày ra và mời thầy cúng, trưởng dòng họ, người cao tuổi trong bản đến xem đầu gà, chân gà và sau đó cùng nhau thưởng thức tiệc rượu cùng gia đình để chúc mừng cho con gái lên đường bình an.
Lễ gọi hồn là một nét đẹp trong bản sắc văn hóa, tinh thần của cộng đồng người Mông, mang tính động viên tinh thần, sức khỏe cho các thành viên trong gia đình.