Dân Việt

Chính phủ chấp thuận chủ trương không cần cấp phép ca khúc trước 1975

Nguyễn Hằng 12/02/2019 16:30 GMT+7
Chính phủ vừa chấp thuận chủ trương về xóa bỏ cấp phép ca khúc trước 1975, cấp phép trực tiếp cho nghệ sĩ hải ngoại về Việt Nam biểu diễn...

Lãnh đạo Bộ VHTTDL xác nhận, Chính phủ chấp thuận chủ trương sửa đổi hai Nghị định số 79 và Nghị định 15 sửa đổi Nghị định 79 về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu.

Bộ VHTTDL đã giao Cục Nghệ thuật Biểu diễn chịu trách nhiệm thành lập hội đồng khoa học, tổ soạn thảo để tham gia quá trình xây dựng Nghị định mới. Trước khi trình Chính phủ xem xét và phê duyệt, Cục đăng tải dự thảo để lấy ý kiến nhân dân.

Trước đó, Bộ VHTTDL đề xuất xin chủ trương sửa đổi Nghị định, trong đó nêu một số nội dung sửa đổi. Một trong số nội dung này là đề nghị bỏ cấp phép ca khúc trước năm 1975. Theo đó, cơ quan quản lý nhà nước chỉ ngăn chặn, can thiệp những sáng tác có nội dung “phản động, chống phá nhà nước, bôi nhọ tổ chức, cá nhân”.

img

Các sáng tác trước 1975 sẽ không cần phải xin cấp phép nữa (Ảnh minh họa)

Bà Tuyết Minh - chuyên viên phòng Nghệ thuật, Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Cục NTBD), Bộ VHTTDL, thành viên tổ biên tập xây dựng nghị định mới cho biết, việc duy trì cấp phép ca khúc trước năm 1975 giờ không còn hợp lý. Tất cả các ca khúc không vi phạm quy định trên sẽ được tự do hát, không cần xin cấp phép phổ biến.

“Nghị định mới sẽ được soạn thảo theo hướng xoá bỏ ranh giới ca khúc sáng tác trước và sau năm 1975. Ranh giới đó không phù hợp với chủ trương của Nhà nước là muốn hòa giải dân tộc, kết nối người Việt Nam khắp trên thế giới để trở về”, bà Tuyết Minh nói.

Ngoài việc bỏ cấp phép các sáng tác trước 1975, bà Tuyết Minh cũng chia sẻ thêm, dự thảo tờ trình cũng đề xuất cấp phép trực tiếp cho các nghệ sĩ hải ngoại về nước biểu diễn thay vì thông qua các đơn vị tổ chức sự kiện. “Các ca sĩ Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài có thể xin phép trực tiếp Cục về thời gian và dòng nhạc mình biểu diễn tại Việt Nam thay vì nhờ một đơn vị tổ chức “bảo kê” dẫn đến tình trạng bị “độc quyền”, “nâng giá” hay hạn chế biểu diễn...”, bà Tuyết Minh chia sẻ thêm.

Theo bà Tuyết Minh, dự thảo nghị định sẽ hoàn thành trong quý 1/2019, sau đó trình xin ý kiến về việc áp dụng thực hiện.

Xoay quanh vấn đề bỏ cấp phép ca khúc trước 1975, ông Nguyễn Quang Vinh - Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn cũng đồng tình việc cấp phép ca khúc trước năm 1975 không còn hợp lý nữa. Tuy nhiên ông Quang Vinh cho rằng, cần có những quy định quản lý cụ thể và phù hợp hơn trong thời gian tới.

“Ranh giới việc cấp phép phổ biến các ca khúc mới với các tác phẩm sáng tác trước 1975 và tác phẩm của người Việt Nam đang sinh sống, định cư tại nước ngoài sẽ được xóa bỏ”, ông Nguyễn Quang Vinh nói.

Sau khi tiếp nhận thông tin Chính phủ chấp nhận chủ trương này, được sự chỉ đạo của Bộ, Cục Nghệ thuật Biểu diễn chịu trách nhiệm thành lập hội đồng khoa học, tổ soạn thảo để tham gia quá trình xây dựng Nghị định mới. Trước khi trình Chính phủ xem xét và phê duyệt, Cục đăng tải dự thảo để lấy ý kiến nhân dân.

img

Nhiều nghệ sĩ hải ngoại sẽ trực tiếp được cấp phép biểu diễn mà không cần phải "qua tay" đơn vị tổ chức sự kiện.

Theo dự kiến, ngày 12.2, Cục Nghệ thuật Biểu diễn sẽ thành lập hội đồng khoa học và mời các bên liên quan tham gia soạn dự thảo nghị định mới với tiêu chí cởi mở và phân quyền nhiều hơn cho địa phương...

Trong quá trình soạn thảo nội dung trình xin chủ trương sửa Nghị định, Cục Nghệ thuật Biểu diễn tiếp nhận các ý kiến và quan điểm trước một số lĩnh vực cụ thể. Theo đó, Cục có thể hướng tới việc xây dựng quy định không cần cấp phép phổ biến ca khúc, tuy nhiên với tổ chức và cá nhân sử dụng bài hát đi ngược lại lợi ích của đất nước sẽ bị xử phạt.

Sau ồn ào xung quanh việc tạm dừng cấp phép cho năm ca khúc trước năm 1975, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam từng yêu cầu Bộ VHTTDL sớm nghiên cứu xem xét trên tinh thần không cần cấp phép ca khúc đã trở nên quen thuộc, nội dung không vi phạm thuần phong mỹ tục, không xâm phạm lợi ích nhà nước, lợi ích cộng đồng.