Dân Việt

"Thế lực xấu" nào đang hãm hại phim tết của Đức Thịnh, Trấn Thành?

Phương Anh 12/02/2019 19:26 GMT+7
Cả Đức Thịnh và Trấn Thành đều cho rằng có một thế lực đang cố tình chơi xấu hai bộ phim của họ là "Cua lại vợ bầu" và "Trạng Quỳnh". Vậy "kẻ xấu" nào đang đứng sau kế hoạch hãm hại phim Việt?

Cạnh tranh không lành mạnh hay chiêu trò "bẩn"?

Mùa phim Tết 2019 đã chứng kiến một bước tiến tuy không lớn nhưng đáng khích lệ của điện ảnh Việt khi cả hai phim thắng lớn đều là phim Việt nhưng không rơi vào kiểu phim hài nhảm chọc cười rẻ tiền.

Vẫn những công thức cũ nhưng nhà làm phim Việt đã biết cách gia giảm thêm gia vị cần thiết để tạo ra món ăn đủ vị thay vì dùng thương hiệu danh hài để "ăn xổi" như nhiều năm qua. Rõ ràng là các nhà sản xuất đã biết cách tham gia cuộc chơi phim Tết có đầu tư hơn nhưng sau cùng lại chưa biết "chơi" một cách thật văn minh.

img

Vụ scandal phim Tết bắt đầu khi Trấn Thành đăng đàn "kêu oan" cho Cua lại vợ bầu, tố kẻ xấu đồng loạt đánh giá xấu nhằm dìm phim của anh ngay trong những ngày đầu công chiếu.

Tất cả nghi ngờ đổ dồn về đạo diễn Đức Thịnh và ê kíp phim Trạng Quỳnh. Tuy nhiên, mới đây, đến lượt đạo diễn Đức Thịnh cho rằng phim của mình cũng đang bị "chơi xấu" tương tự như Cua lại vợ bầu.

Cả hai nghệ sĩ cùng đề cập đến một "thế lực xấu xa" nào đó đang âm thầm hãm hại mình mà không thể chỉ mặt điểm tên. Thế lực này chính là "seeding" đang núp sau hàng trăm tài khoản mạng xã hội ảo hòng điều hướng và thao túng dư luận.

Việc sử dụng các bình luận tích cực để tạo ra sự xôn xao trong dư luận, "dọn đường" trong những ngày đầu phim ra mắt không phải là một cách thức làm truyền thông mới.

Không chỉ tại Việt Nam mà Hollywood cũng sử dụng cách này để thu hút khán giả đặt vé sớm, góp phần "gia cố" cho thành công cho phim đặc biệt là các tác phẩm bom tấn có kinh phí lớn.

Tuy nhiên việc tung ra bình luận tiêu cực để dìm phim đối thủ lại là cách cạnh tranh kém văn minh, rất đáng lên án.

Điểm khác biệt rõ ràng nhất giữa các bình luận tiêu cực được gài cắm vì mục đích xấu và bình luận tiêu cực do cảm nhận thực của khán giả là sự lặp đi lặp lại kịch bản chỉ trích được dựng sẵn từ trước.

Cả Cua lại vợ bầuTrạng Quỳnh là hai phim khá ổn về khía cạnh giải trí nhưng còn xa mới đạt đến độ chỉn chu của một bộ phim chất lượng.

Chính vì vậy, lời chê bai trong dư luận khán giả không phải là không có nhưng sự tồn tại của "seeding bẩn" nhằm hạ bệ đối thủ là có thật trong mùa phim Tết 2019.

img

Một số bình luận cụt lủn, lặp lại kịch bản được cho là các "seeding bẩn" trong mùa phim Tết năm nay.

Do đó, cả hai đối thủ và Đức Thịnh và Trấn Thành đều tự nhận mình là nạn nhân bị hãm hại nhưng sự thực lại không hề vô lý chút nào.

Kẻ hãm hại họ không ai khác chính là thói quen làm truyền thông "bẩn" đã trở thành căn bệnh "thâm căn cố đế" của phim Việt. Không chỉ tới Cua lại vợ bầuTrạng Quỳnh, việc dùng scandal tự PR hay mánh lới hạ bệ đối thủ mới được đưa vào thị trường điện ảnh.

Một khi cuộc cạnh tranh đã trở nên lệ thuộc vào chiêu trò thay vì chất lượng thực sự thì sẽ còn nhiều nữa những nạn nhân như Đức Thịnh hay Trấn Thành trong điện ảnh Việt.

img

Xét một cách công bằng thì cả Cua lại vợ bầu Trạng Quỳnh đều xứng đáng có doanh thu cao mà không cần chiêu trò.

Cẩn trọng khi coi thường khán giả

Sau cùng, "thế lực" đang muốn điều hướng, thao túng dư luận cần xem xét lại hiệu quả của việc dùng "seeding" nâng phim nọ dìm phim kia.

Ban đầu nếu lượng lớn bình luận tiêu cực có thể ảnh hưởng tạm thời đến hành vi mua vé nhưng nếu phim thỏa mãn nhu cầu giải trí thì sớm hay muộn hiệu ứng truyền miệng cũng sẽ thay thế lực lượng "seeding" được nuôi bằng tiền kia.

Hơn nữa, chiêu trò kể trên cũng không thực sự phát huy hết hiệu quả trong khoảng thời gian đặc biệt như mùa phim Tết. Đặc trưng kỳ nghỉ lễ dài khiến đa phần khán giả dường như không quá kén chọn khi ra rạp vào dịp này.

Ngay cả khi có khoảng 100 bình luận tiêu cực cũng khó lòng ngăn cản khán giả lựa chọn một trong hai bộ phim Việt, thậm chí là chọn xem cả hai.

img

Bài học nhãn tiền của Chú ơi đừng lấy mẹ con dường như vẫn chưa làm một bộ phận ưa truyền thông bẩn cảnh tỉnh.

Năm 2018, điện ảnh Việt xuất hiện một cú ngã đau đớn vì truyền thông "bẩn" là trường hợp phim Chú ơi đừng lấy mẹ con. Đây là một bài học nhớ đời dành cho những ai dám coi thường sức mạnh thực sự của khán giả trong việc đánh giả tác phẩm.

Một bước đi sai trong truyền thông có thể trở thành con dao hai lưỡi giết chết bộ phim bởi thiện cảm của khản giả là thứ hết sức khó để vãn hồi.

Trong trường hợp của Cua lại vợ bầu Trạng Quỳnh, dù vướng scandal nhưng cả hai phim đều may mắn có doanh thu tốt, một phần lớn là nhờ bản chất của thời điểm phát hành.

Tuy nhiên, nếu tình trạng cố tình coi thường khán giả trong cạnh tranh và quảng bá phim như thế này vẫn tiếp diễn thì ngay cả những người xem dễ tính nhất cũng không muốn đặt niềm tin vốn đã rất mong manh vào sự văn minh của phim Việt.

Nhìn ở góc độ này, Cua lại vợ bầu Trạng Quỳnh đều là những kẻ thua cuộc. Hai bộ phim vốn có chất lượng đủ để phục vụ công chúng dịp Tết, hoàn toàn có thể cùng chia nhau lợi nhuận công bằng bỗng hóa thành phản cảm.

Trong mắt người xem, phim Việt đã vô tình trở nên xấu xí hơn một chút.