Dân Việt

Vĩnh biệt TS Nguyễn Quốc Tuấn: Có một dòng sông vừa ngừng trôi

Đầu Xuân Kỷ Hợi 2019, Tiến sỹ Nguyễn Quốc Tuấn – Viện trưởng Viện nghiên cứu tôn giáo (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) đã mãi đi xa, gửi lại đồng nghiệp và bạn bè nhiều dự định nghiên cứu khoa học còn dang dở. Chiều nay, 12.2, lễ truy điệu TS Nguyễn Quốc Tuấn đã được tổ chức trọng thể tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.

img

TS Nguyễn Quốc Tuấn. (Ảnh: Hoàng Văn Chung)

Một trí thức có khí phách

Trong số những học trò của các học giả khoa học xã hội nổi tiếng như Từ Chi và Trần Quốc Vượng, anh là một người có sự khác biệt rất đáng kể về cá tính, tri thức và phát ngôn. Có lẽ, anh thừa hưởng rất nhiều tri thức và trí tuệ từ người cha - nhà nghiên cứu Triết học và Văn hóa Nguyễn Kiến Giang.

Ở phạm vi rộng hơn, đối với giới chức sắc tôn giáo, giới truyền thông hay các không gian chia sẻ thông tin trực tuyến như Facebook, anh không chỉ được biết đến như một nhà nghiên cứu rất uy tín về Phật giáo với những đóng góp đáng kể cho xây dựng ngành Tôn giáo học ở Việt Nam, mà còn là một trí thức có khí phách và dám lên tiếng thẳng thắn về những vấn đề mà xã hội đang đối mặt.

Tôi thậm chí đã đùa với anh rằng làm việc như thế chẳng khác gì làm kiểu Tây mà hưởng lương kiểu ta. Anh đã nói không có cách nào khác cả, và nếu không "tự tóm tóc kéo mình lên" như thế ta sẽ mãi thua kém đồng nghiệp quốc tế khi đến làm nghiên cứu ở Việt Nam, nghĩa là "thua ngay ở sân nhà" như anh nói.

Những quan điểm, nhận định thông minh và độc đáo của anh luôn tạo ra ấn tượng và kích thích những thảo luận sâu rộng hơn, chẳng hạn như đóng góp về một số khái niệm trong dự thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, gọi tên xu thế "sa mạc hóa tâm linh" khi bàn về sự hỗn loạn của lễ hội và thực hành nghi lễ tôn giáo đương đại...

Công tác tại Viện Nghiên cứu Tôn giáo thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, ở cương vị nào, dù là Ủy viên Hội đồng lý luận T.Ư, Ủy viên Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa quốc gia, Viện trưởng hay Trưởng khoa Tôn giáo học trong Học viện Khoa học Xã hội Việt Nam, anh luôn cháy hết mình cho công việc và những dự định về đổi mới về quan điểm, về cách nghiên cứu và giảng dạy tôn giáo của anh tạo ra cảm hứng cho rất nhiều người.

Tất cả mọi người biết đến anh đều nhớ biệt danh "Tuấn khuỳnh". Cái "khuỳnh" của anh ở đây không liên quan nhiều đến việc anh từng là lính mà chủ yếu là cái khí chất ngang tàng, không bao giờ cúi mình trước người có quyền chức, sự nhất quán và logic trong cách thẳng thắn phát biểu quan điểm của mình, và lối tư duy phản biện rất tích cực và sắc sảo.

Anh có trí nhớ thuộc hàng xuất sắc và điều này thể hiện rõ với những gì anh đọc thì thường nhớ rất dai và chính xác. Xuất thân từ ngành Sử học, sau này lại “dan díu” nhiều với Khảo cổ học trước khi đến với Văn hóa học và sau cùng là Tôn giáo học, chính anh luôn làm gương cho chúng tôi về việc làm một người trí thức và quân tử thì "trên thông thiên văn dưới tường địa lý" là phải như thế nào.

Để trở thành một nhà nghiên cứu thực sự, theo anh, là đi tới vùng đất nào cũng phải thông thạo địa lý, đường đi lối lại, biết các danh nhân và các sự kiện lịch sử nổi bật của nó. Chính vì điểm này mà nhiều người phục anh về những luận giải, sự minh định những điểm còn tranh cãi khi liên hệ giữa quá khứ và hiện tại.

Người "tự tóm tóc kéo mình lên"

Tôi là người sinh sau, nhưng làm đồng nghiệp của anh đã gần 20 năm. Trong tôi, anh như một dòng sông không lúc nào vơi nước, luôn hăm hở và mạnh mẽ chảy về phía trước, ngạo nghễ cười vào những chướng ngại vật trên đường đi. Đã có lúc, tôi coi anh là phần quan trọng của cái gọi là khí chất của một cơ sở chuyên nghiên cứu và đào tạo của ngành Tôn giáo học vốn đang phát triển và bền bỉ gây dựng vị thế của mình trong khối khoa học xã hội.

img

TS Nguyễn Quốc Tuấn tham gia cuộc giao lưu trực tuyến "Lễ hội xuân: Mê muội, phản cảm vì đâu?" đầu năm 2017 do báo điện tử Dân Việt tổ chức. (Ảnh: Đàm Duy)

Kiến thức rộng rãi kết hợp với sự nhạy bén trong phát hiện bản chất của hiện tượng, lối thể hiện quan điểm vượt ngoài khuôn sáo, sự tự tin, thậm chí kiêu bạc đôi khi, và có nhiều phần hài hước, là những gì tôi đã thích thú, và muốn học theo anh từ lâu. Kiểu cách ấy tạo nên tinh thần hứng khởi, sự đam mê, mong muốn dấn thân, và nỗ lực vượt lên rất nhiều thử thách mà hiện thực đặt ra đối với bất cứ ai trót mang vác cái nghiệp làm người nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội ở Việt Nam.

...Sau một thời gian đi vắng, năm 2014, tôi trở lại cơ quan và thấy khá bất ngờ với cách mà anh - lúc đó đã là Viện trưởng - điều hành công việc và đặc biệt là hối thúc cán bộ làm việc. Những phát ngôn ngang tàng và hài hước đã nhường chỗ cho những chỉ đạo quyết liệt, nhiều khi có phần độc đoán, cùng những đòi hỏi cao và gây áp lực lớn về chất lượng công trình nghiên cứu đặc biệt đối với các cán bộ trẻ hay học viên cao học.

Tôi thậm chí đã đùa với anh rằng làm việc như thế chẳng khác gì làm kiểu Tây mà hưởng lương kiểu ta. Anh đã nói không có cách nào khác cả, và nếu không "tự tóm tóc kéo mình lên" như thế ta sẽ mãi thua kém đồng nghiệp quốc tế khi đến làm nghiên cứu ở Việt Nam, nghĩa là "thua ngay ở sân nhà" như anh nói.

Tôi và anh bắt đầu có nhiều trao đổi sâu hơn về phê phán những gì đã có, những gì cần phải làm và làm nhanh nhất có thể để mau chóng mang lại những đổi thay mạnh mẽ hơn. Những buổi chiều nghe anh say sưa nói về những dự định trong tương lai gần và xa, tôi thấy mình tràn đầy hứng khởi và tin tưởng.

img

TS Nguyễn Quốc Tuấn khi còn trẻ. (Ảnh tư liệu Hoàng Văn Chung)

Nhưng tất cả mới chỉ khởi đầu thì anh vướng vào bạo bệnh. Ngày tôi bước lên bục để giảng môn học mà trước đây anh giảng cho học viên cao học, cũng chính tại giảng đường mà tôi từng đến dự khán, thì anh đang phải điều trị trong bệnh viện. Học trò của anh khá nhiều, ai cũng mến yêu và chờ đợi anh bình phục.

Lúc đó, tôi nghĩ mình sẵn sàng tiếp bước chân của anh trên con đường nghiên cứu, giảng dạy rất dài và đầy gian khó này... Dẫu biết anh kiên cường và lạc quan chiến đấu với bệnh tật, chúng tôi luôn chờ và thậm chí cầu xin một sự kỳ diệu để anh sớm trở lại các diễn đàn học thuật.

Nhưng đến mùa Xuân năm nay, một dòng sông đã ngừng chảy. Mọi thứ đến với anh quá nhanh và nghiệt ngã bởi căn bệnh hiểm nghèo. Nhưng những dự định và cảm hứng anh đã tạo ra trong tôi và các đồng nghiệp vẫn còn nguyên sự tươi mới. Một dòng sông có thể ngừng trôi. Nhưng những con sông vẫn tiếp tục chảy về với biển lớn...

Xin nghiêng mình vĩnh biệt anh.

Tiến sỹ Nguyễn Quốc Tuấn sinh ngày 21.2.1957, quê quán: Làng Quảng Xá, xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. 
Ông nguyên là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam), nguyên Trưởng khoa Tôn giáo học, Học viện KHXH Việt Nam. Sau thời gian lâm bệnh, ông đã từ trần hồi 21h22 ngày 8.2.2019 (tức ngày mồng 4 Tết năm Kỷ Hợi), hưởng thọ 63 tuổi. 

Lễ truy điệu TS Nguyễn Quốc Tuấn đã diễn ra vào chiều ngày 12.2.2019 (tức ngày mồng 8 Tết Kỷ Hợi) tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ an táng diễn ra tại Nghĩa trang Vĩnh Hằng, xã Vật Lại, huyện Ba Vì, TP Hà Nội cùng ngày.