Những “ngôi sao” tỷ đô
Theo đánh giá của Bộ NNPTNT, mặc dù thị trường thế giới năm 2018 có khá nhiều biến động bởi chủ nghĩa bảo hộ hay xung đột thương mại nhưng kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam vẫn có sự bứt phá mạnh mẽ và cán mốc 40,2 tỷ USD. Con số này tiếp tục giúp Việt Nam củng cố vị thế 15 thế giới về xuất khẩu nông sản. Hiện, nông sản Việt Nam đã có mặt ở 180 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Đáng chú ý, trong năm qua, vẫn có 10 mặt hàng giữ vững phong độ trong “câu lạc bộ trên 1 tỷ USD; 5 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỷ USD là tôm, rau quả, hạt điều, cà phê, gỗ và sản phẩm gỗ.
Năm 2018, xuất khẩu thủy sản đạt 9 tỷ USD. Ảnh: Thanh Cường
Trong đó, thủy sản và gỗ lần đầu tiên đạt mốc kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD dù trước đó, những khó khăn đang bủa vây bởi những hàng rào kỹ thuật. Cụ thể, thủy sản Việt Nam phải đối mặt với “thẻ vàng” của EC về khai thác thủy sản không theo quy định, không có báo cáo và không được quản lý (IUU), thị trường xuất khẩu có nhiều khó khăn nhưng vẫn đạt kim ngạch xuất khẩu 9 tỷ USD.
Đặc biệt, với việc Mỹ giảm mức thuế chống bán phá giá cho con tôm và cá tra đã giúp hai sản phẩm này tăng tốc ở những tháng cuối năm. Tương tự, mặt hàng gỗ và sản phẩm từ gỗ cũng cán mốc 9,6 tỷ USD.
“Tăng trưởng ngành nông nghiệp cao nhất trong 10 năm trở lại đây, kim ngạch xuất khẩu cũng đạt con số kỷ lục cho thấy quá trình tái cơ cấu nông nghiệp đang đi đúng hướng và đang phát huy thành quả” – Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định.
Điều đáng ghi nhận là, năm 2018 chứng kiến sự thay đổi tư duy của nhiều cơ quan quản lý. Chuyện tổng tư lệnh ngành hay các lãnh đạo cấp vụ đi đàm phán bán rau, cá, thịt… ngày càng nhiều. Chỉ tính riêng trong năm 2018, Bộ NNPTNT đã có 6 đoàn sang làm việc với cơ quan chức năng Trung Quốc để mở cửa cho các mặt hàng.
Nhờ đó, nhiều nông sản Việt cũng đã mở rộng cánh cửa xuất khẩu như: Thịt bò, sữa vào Malaysia; thịt lợn, gà, trứng vào Singapore; thịt lợn, sữa, thủy sản, gạo vào Trung Quốc…
Năm 2018, lần đầu tiên, nhiều nông sản Việt đã được các nước cấp “visa” xuất khẩu như: thịt gà vào được Nhật Bản, thịt lợn đông lạnh vào Myanmar, vú sữa vào Mỹ, chôm chôm vào New Zealand, chanh leo vào EU... Tuy số lượng chưa lớn, song đã cho thấy uy tín của nông sản Việt ngày càng được thế giới thừa nhận.
Xây mốc mới: 43 tỷ USD
Năm 2019, ngành nông nghiệp phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng xuất khẩu 43 tỷ USD, tăng trưởng GDP ngành đạt
Nông nghiệp của ta đang có những tiến bộ rất lớn. Chúng ta đang có 6 thị trường lớn cho nông sản là: Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN. Tới đây, nhiều hiệp định thương mại tự do có hiệu lực càng khiến thị trường rộng mở. Tuy nhiên, cắt giảm thuế quan mới chỉ là một phần, quan trọng là phải đàm phán mở cửa thị trường về mặt kỹ thuật”. Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương |
3,0%. Để thực hiện được mục tiêu này, Bộ NNPTNT đã và đang tích cực đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu, giữ ổn định các thị trường truyền thống; hạn chế thấp nhất sự phụ thuộc vào một số thị trường nhất định. Triển khai tích cực, khai thác hiệu quả cơ hội của các hiệp định tự do thương mại đem lại, đặc biệt là 2 hiệp định chính là CPTPP và EVFTA.
Bộ NNPTNT đặc biệt chú trọng công tác dự báo thị trường, đặc biệt là những thị trường trọng điểm (Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc...), kịp thời cảnh báo các quy định về rào cản, vấn đề phát sinh có thể gặp đối với hàng xuất khẩu; tổ chức thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm nông lâm thủy sản tại thị trường nước ngoài.
Và những nỗ lực đàm phán của ngành chức năng đã có kết quả khi từ năm 2019, Trung Quốc tiếp tục mở cửa cho 8 mặt hàng nông sản của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này, gồm: Sầu riêng, bưởi, chanh leo, khoai lang, dừa, mãng cầu, măng cụt.
Chúng ta cũng đã đàm phán để phía Trung Quốc giãn lộ trình áp dụng yêu cầu về lô hàng phải có chứng nhận chất lượng, truy xuất nguồn gốc, nhãn mác rõ ràng từ tháng 12.2018 sang tháng 6.2019.
Theo TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn – Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ NNPTNT), năm 2019, xuất khẩu nông sản 2019 đứng trước nhiều cơ hội và thách thức.
Trong đó, thách thức lớn nhất là dự báo mức tăng trưởng của nền kinh tế thế giới năm 2019 sẽ giảm so với năm 2018 do tác động của chiến tranh thương mại, do hàng rào bảo hộ được dựng lên. Những nước được dự báo suy giảm tăng trưởng đều là những thị trường nhập khẩu nông sản lớn của Việt Nam như Trung Quốc (dự báo giảm 0,3% tăng trưởng); EU, Nhật Bản (đều giảm 0,2% tăng trưởng)... Trong bối cảnh đó, chắc chắn hoạt động nhập khẩu hàng hóa sẽ có ảnh hưởng.
Tuy nhiên, TS Anh Tuấn cho rằng, nông sản Việt và các doanh nghiệp cũng đứng trước rất nhiều cơ hội, trong đó phải kể đến Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực, mở ra cơ hội lớn về xuất khẩu nông lâm thủy sản vào một thị trường vô cùng rộng lớn và giàu tiềm năng.
“Ngay cả trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, chúng ta cũng có thể tìm thấy nhiều cơ hội khi các nhà đầu tư đang có chính sách hướng Nam, rời Trung Quốc tìm đến các thị trường khác; đây cũng là hai thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam, vì vậy những mặt hàng đang bị đánh thuế cao trong cuộc chiến thương mại như đồ gỗ, thủy sản đều có thể tìm thấy cơ hội” – ông Tuấn nói.
Nhưng theo ông Tuấn, cơ hội lớn nhất cho các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu chính là các chính sách cởi trói cho hoạt động của doanh nghiệp đã và đang được thực hiện một cách mạnh mẽ.
“Chính sách tín dụng đang được đổi mới theo hướng quản lý dòng tiền theo chuỗi, tài sản thế chấp vay vốn không chỉ là đất đai mà có thể tính cả hàng hóa, thiết bị nên doanh nghiệp sẽ dễ dàng tiếp cận; Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng có ban soạn thảo sửa đổi Luật Đất đai theo hướng tạo điều kiện cho tích tụ ruộng đất; Bộ NNPTNT có nhiều sáng kiến để đẩy mạnh chế biến, phát triển các chuỗi sản xuất khép kín; thúc đẩy mở cửa thị trường. Các doanh nghiệp cần tận dụng tốt cơ hội này, liên kết với nông dân để tạo thành vùng sản xuất khép kín, tập trung, từ đó nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông sản” – ông Tuấn khẳng định.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, trong năm 2019 các hiệp định thương mại tự do (FTA) mới có hiệu lực mở ra cơ hội cho nông sản Việt Nam thâm nhập các thị trường mới. Mục tiêu xuất khẩu nông lâm thuỷ sản đạt 42-43 tỷ USD sẽ khả thi. Nhưng chất lượng phân tích dự báo thị trường, đặc biệt là những thị trường trọng điểm cần được cải thiện. Chất lượng hàng hoá cần được chú trọng để tiếp tục nâng sức cạnh tranh của hàng nông sản Việt.