Cô học trò nhỏ
Gặp nghệ sỹ Vương Đàm Thuỷ vào một sớm mùa thu, tôi ngạc nhiên bởi người phụ nữ ấy đã ở tuổi ngũ tuần nhưng phong cách lại trẻ trung, năng động đến thế. Trong cuộc trò chuyện về nghề, cô bồi hồi nhớ lại kỷ niệm những năm mười tám, đôi mươi. Năm đó, khi vẫn đang là cô học sinh kịch, cô Thuỷ được chính NSƯT Tiến Hợi tuyển vào Đoàn Nghệ thuật Trường Sơn (Quân khu 2). Khi ấy cô còn gọi NSƯT Tiến Hợi là “chú”. Ban đầu, cô chỉ được giao cho những vai diễn phụ trong nhóm thanh niên xung phong. Mối lương duyên của cô và “chú” chỉ thật sự đến khi đoàn dựng vở kịch “Đêm trắng”.
Khi đó, NSƯT Nhữ Đình Nguyên là người đảm nhận nhiệm vụ hoá trang cho nhân vật Bác Hồ. Tuy nhiên, do tính chất của đoàn quân đội chủ yếu đi diễn phục vụ chiến sĩ ở biên giới, nên NSƯT Nhữ Đình Nguyên không thể thường xuyên đi cùng đoàn. Cô Thuỷ là một trong số bốn người được đoàn cử ra học việc hóa trang để chuẩn bị cho những chuyến đi diễn dài ngày.
Vợ chồng NSƯT Tiến Hợi - nghệ sĩ Vương Đạm Thủy.
Lúc đó cô rất bất ngờ bởi ba người còn lại đều là những họa sĩ tài năng, còn cô chỉ khéo léo một chút trong việc may vá. Mãi sau này, khi đã thân thiết hơn và đỡ “sợ” thầy Nguyên, cô mới biết lý do được chọn là cô... thuận cả hai tay. Thầy nói, hoá trang hình tượng Bác Hồ không phải công việc đơn giản, người nghệ sĩ phải thuận cả hai tay thì mới linh hoạt được. Khi đã được thầy truyền cho nhiều kinh nghiệm, đến năm 1987 cô Thủy bắt đầu được đi hoá trang cho “chú” Tiến Hợi.
Để hoá trang nhân vật Bác Hồ đẹp và giống không khó. Cái khó nhất là phải làm sao tạo được thần thái. Cô Thuỷ phải nghiên cứu rất kỹ tư liệu hình ảnh về Bác ở những thời kỳ khác nhau và tìm hiểu bối cảnh lịch sử trong mỗi vở diễn. “Anh Hợi lúc bấy giờ vừa là đồng nghiệp nhưng cũng là một người thầy. Anh có sự cảm nhận về Bác mãnh liệt hơn, vì thế đôi khi trang điểm, anh vẫn chỉ cho người hóa trang cần vẽ nếp nhăn trên trán như thế nào, vết chân chim ở đuôi mắt ra sao…” - cô Thủy kể.
Cô bảo, người nghệ sĩ hoá trang phía sau cánh gà lao động nghệ thuật vất vả không kém gì diễn viên trên sân khấu. Mỗi lần NSƯT Tiến Hợi vào vai Bác, ngoài việc chuẩn bị nguyên liệu và phụ kiện rất cầu kỳ, cô Thủy phải mất thêm hai giờ để trang điểm. Trước kia cô dùng hộp nền 12 màu của Liên Xô, bây giờ dùng màu nền của Đức nhưng tất cả đều phải tự pha chế. Bởi khi lên sân khấu, nếu dùng màu nền nguyên bản, khi ánh đèn chiếu vào, mặt người diễn viên sẽ bị trắng loá, khán giả ngồi ở dưới rất khó nhìn rõ.
NSƯT Tiến Hợi may mắn được ông trời phú cho đôi mắt sáng, nên khi hoá trang, phần khó nhất có lẽ là vầng trán cao và mái tóc. Nghệ sĩ Vương Đạm Thủy kể, phải đội một bộ tóc giả với phần trán được làm bằng cao su, miết chặt xuống tận gần phía chân mày. Tiếp theo, phải căn chỉnh để màu nền ở trán không bị lệch tông với màu nền ở mặt. Sau đó gắn râu thật chắc để khi diễn không bị “rơi râu”.
Hậu phương vững chắc
Suốt mấy chục năm làm công việc hóa trang, tưởng chừng như đã quen thuộc quá, thế nhưng mỗi lần hoá trang cho NSƯT Tiến Hợi xong, hình ảnh Bác hiện ra vẫn luôn khiến nghệ sĩ Vương Đạm Thuỷ xúc động. Cô bảo, hàng nghìn đêm diễn vai Bác Hồ của Tiến Hợi là hàng nghìn cảm xúc khác nhau.
Khi về chung một nhà, cô quyết định lui về để chăm sóc cho gia đình nhỏ. Vốn có tài thêu thùa, may vá nên từ khi phục viên, cô mở một nhà may chuyên thiết kế áo dài cách tân. Công việc vừa là đam mê song cũng là nguồn thu nhập chính. Có những lần NSƯT Tiến Hợi đi diễn cả tháng trời, việc nhà, con cái một tay cô chu toàn. Đôi khi cũng có chút tủi thân nhưng để chồng toàn tâm toàn ý cho công việc, cô lại mạnh mẽ vượt qua.
“Cô may mắn có được người bạn đời chuẩn mực. Những khi được ở nhà, chú không ngại giúp cô làm việc nhà, dạy dỗ các con. Đây chính là động lực để cô cố gắng. Và cô cũng luôn tự hào vì đã góp phần không nhỏ cho sự thành công của chú ngày hôm nay” - nghệ sĩ Đạm Thủy tâm sự.
Nụ cười tươi rói luôn thường trực trên môi nữ nghệ sĩ ấy khiến tôi cảm nhận được cô là một người phụ nữ lạc quan, yêu đời. Đảm việc nhà nhưng cô cũng không quên chăm chút cho bản thân, chính vì thế trông cô trẻ hơn tuổi rất nhiều. Cô còn đùa với tôi rằng, vì sinh nhật cô trùng với ngày sinh nhật Bác, thế nên mỗi năm đến ngày này, NSƯT Tiến Hợi nhận được nhiều lời chúc mừng hơn cả cô khiến cô không khỏi “ghen tỵ”.