Dân Việt

Lời kể của tiến sĩ tham gia cứu nạn tàu cháy ở Nam Cực

16/01/2012 13:41 GMT+7
Dân Việt - Tiến sĩ Đoàn Như Hải là người Việt Nam duy nhất trên tàu phá băng Nathaniel B.Palmer tham gia cứu nạn vụ tàu Jeong Woo bị cháy ở Nam Cực. Anh chia sẻ về cuộc cứu nạn ở nơi hết sức đặc biệt này.

Mờ sáng 11.1, ngay sau khi nhận tin cứu nạn khẩn cấp từ tàu Jeong Woo bị cháy ở Nam Cực, tàu phá băng Nathaniel B.Palmer (Mỹ) đã tức tốc chạy đến vị trí cách đó 18 giờ để cứu nạn. 

Trên con tàu khảo sát nghiên cứu khoa học ở Nam Cực này có Tiến sĩ (TS) Đoàn Như Hải - Phó phòng Sinh vật phù du, Viện Hải dương học Nha Trang (Khánh Hòa), là người Việt Nam duy nhất tham gia đoàn. Anh vừa gửi thư điện tử kể về cuộc cứu nạn ở nơi hết sức đặc biệt này.

img
Tiến sĩ Đoàn Như Hải tại Nam Cực (Ảnh do TS Hải cung cấp)

TS Đoàn Như Hải cho biết, ngay sau khi nhận được thông báo, tàu Palmer đã chạy hết công suất 4 máy và phải mất 18 tiếng mới đến được vị trí tàu bị nạn. Một số thủy thủ, các thuyền phó, 2 nhân viên y tế (cũng là kỹ thuật viên khoa học) cùng các thành viên khoa học trong đoàn có kinh nghiệm và được đào tạo về sơ cứu y tế - cứu hộ được chọn để thành lập đội cứu hộ, trong đó có TS Hải.

Việc cứu hộ khá thuận lợi vì trên tàu có 1 bệnh viện nhỏ với đủ các thiết bị y tế, mặt khác tàu Palmer là tàu phá băng, có thể chạy được với tốc độ tối đa 15 hải lý/giờ nên có thể đi qua vùng băng để đưa nhanh người bị nạn đến trạm chuyển tiếp.

Đội cứu hộ trên tàu đã đưa 7 thủy thủ bị thương từ tàu Jeong Woo 2 sang tàu Palmer và cấp cứu những người bị bỏng, trong đó có 4 thủy thủ người Việt Nam, 3 người Indonesia. Khi lên tàu Palmer, các thủy thủ rất bỡ ngỡ và lo lắng nhưng 4 thủy thủ người Việt đã rất ngạc nghiên và vui mừng khi biết trên tàu cứu nạn có người Việt là TS Hải.

Đội cứu hộ đã phải làm việc liên tục từ 7 giờ tối đến 6 giờ sáng hôm sau để lau rửa, thay băng, truyền dịch, cho uống thuốc cho cả 7 bệnh nhân. Trong 4 thủy thủ Việt Nam, anh Trần Văn Ngoan bị nặng nhất, bỏng cả tứ chi, anh Nguyễn Chí Công bị nhẹ nhất, đi lại ăn uống bình thường. Tàu Palmer sau đó đã đưa toàn bộ những người bị nạn về căn cứ McMurdo của Mỹ. Từ đây, 7 thủy thủ bị nạn được chuyển bằng máy bay về một bệnh viện ở thành phố Christ Church, New Zealand.

“Nửa đêm, toàn tàu lại họp để phân công các nhóm làm việc kiểm tra độ cứng của băng để chắc chắn rằng trực thăng có thể đáp xuống và vận chuyển người bệnh lên băng,về trạm bằng trực thăng. Nhiều cánh tay giơ lên (quá nhiều cánh tay).

Chúng tôi, những người làm khoa học từ nhiều vùng khác nhau trên trái đất, nhiều người chỉ mới gặp nhau lần đầu, nhưng lại phối hợp làm việc với nhau rất ăn ý. Đúng 4 giờ 30 sáng 14.1, những người bệnh được chuyển bằng băng ca sang thuyền cao su và cẩu thuyền xuống băng, những người có thể đi được xuống bằng đường cầu thang.

Khi người bị nạn cuối cùng (thủy thủ Nguyễn Chí Công) được chuyển xuống chuyến trực thăng thứ 3, chúng tôi, 5 người chăm sóc thủy thủ trong phòng bệnh, ôm nhau mừng chảy nước mắt. Đây sẽ là những ký ức tốt đẹp nhất về tình người mà tôi không bao giờ quên.” - TS Hải viết.

Bốn thuyền viên người Việt Nam bị bỏng khi tàu Jeong Woo 2 bị cháy là: Trần Văn Ngoan (SN 1991, trú thôn Vĩnh Lợi, Kỳ Minh, Kỳ Anh, Hà Tĩnh); Ngô Văn Sĩ (SN 1978, trú xóm 8, Tây Hà, Kỳ Hà, Kỳ Anh, Hà Tĩnh); Nguyễn Chí Công (SN 1989, trú thôn Tây Sơn, Kỳ Trung, Kỳ Anh, Hà Tĩnh) và Nguyễn Từ Liêm (SN 1986, trú khối 4, phường Thu Thủy, thị xã Cửa Lò, Nghệ An).

Tin từ TS Hải, cả bốn người đều đã ổn định sức khỏe, ăn được cơm.