Không dám đầu tư
Trong kế hoạch thu hồi trên 887ha đất nuôi trồng thủy sản giao có thời hạn của huyện Tiên Lãng thì quyết định cưỡng chế thu hồi đất đối với chủ đầm Đoàn Văn Vươn và Vũ Văn Luân được coi như làm điểm vì hàng chục hộ khác tại các xã Đông Hưng, Tây Hưng, Tiên Minh… cũng đã nhận quyết định thu hồi đất của UBND huyện.
Nhiều chủ trang trại ở Tiên Lãng đang hoạt động cầm cự qua ngày, không dám đầu tư làm ăn lớn. |
Ông Hoàng Văn Tin – một chủ đầm ở xã Tây Hưng cho biết, năm 1992, gia đình ông được UBND huyện giao cho 23ha đất bãi bồi để nuôi trồng thủy sản, thời hạn 15 năm. Theo đó, gia đình ông huy động hết tiền bạc, công sức, vật lực của gia đình để đầu tư đắp đầm, xây đập. Đến năm 2007, khi chưa kịp hoàn vốn thì thời hạn giao hết, UBND huyện Tiên Lãng đã ra thông báo dừng đầu tư, thu hoạch tài sản trên đất để giao lại toàn bộ đầm cho UBND huyện mà không có một đồng bồi thường.
“Từ năm 2007 đến nay, gia đình chúng tôi phải muối mặt khất nợ, trong khi không dám đầu tư vì lỡ huyện ra quyết định cưỡng chế thu hồi như nhà ông Vươn thì chúng tôi sạt nghiệp” – ông Tin nói.
Ông Nguyễn Văn Phao – chủ đầm ở xã Vinh Quang cạnh nhà ông Vươn cho biết, nhà ông cũng được UBND huyện giao đất bãi bồi từ năm 1993. Để có được khu đầm nuôi thả, gia đình tốn không biết bao nhiêu tiền của vì nhiều lần cứ đắp được bờ lên qua mặt nước thì sóng lại tràn vào cuốn ra phẳng lì. Cơn bão năm 1996, toàn bộ khu đầm của ông chỉ còn mấp mô vài bờ đầm.
Dày công là thế, nhưng đến năm 2010, UBND huyện ra thông báo dừng đầu tư để thu lại đất. Từ đó đến nay nhà ông không dám đầu tư vào nuôi trồng vì không biết huyện thu hồi lúc nào.
Cũng theo ông Phao, ông hiểu được một phần mục đích thu hồi của UBND huyện vì trên phần đất của ông mà huyện chưa thu hồi hiện đã “mọc” lên trạm biến thế của Công ty TNHH Sơn Trường (trụ sở tại phường Quán Toan, quận Hồng Bàng).
Ông Phao cho rằng công ty này đã được ông Lê Văn Hiền – Chủ tịch huyện tạo điều kiện thuê được rất nhiều đất nông nghiệp trên địa bàn huyện.
Ngoài ra, tiếp xúc với PV NTNN, các chủ đầm khác trong huyện đều cho biết, họ cũng nhận được quyết định giao đất của UBND huyện từ năm 1992 – 1993, thời hạn giao chỉ được 5 – 15 năm. Đến nay, hầu hết các chủ đầm này đã nhận được thông báo dừng đầu tư và quyết định thu hồi của UBND huyện, không có bồi thường, do đó họ không dám đầu tư vào sản xuất.
Cần thanh tra tại huyện Tiên Lãng
Điều khiến các chủ đầm không giao lại đất vì họ biết quyết định giao và thu hồi đất của UBND huyện là không đúng pháp luật.
Theo ông Nguyễn Văn Phao, sau 17 năm nhận quyết định giao đất, năm 2008, ông nhận được thông báo dừng đầu tư, giao lại đất cho UBND huyện vì đã hết thời hạn theo hợp đồng. Tiếp đó không lâu, UBND huyện ra quyết định thu hồi toàn bộ diện tích. Không đồng ý, ông làm đơn gửi UBND huyện kiến nghị, nhưng UBND huyện không giải quyết đơn thư khiếu nại của ông.
Các ông Vũ Tiến Dũng, Hoàng Văn Đỏ – chủ đầm ở xã Đông Hưng cho biết, sau khi nhận được thông báo dừng đầu tư và quyết định thu hồi đất của UBND huyện, biết huyện đưa ra quyết định như vậy là không đúng với Luật Đất đai, các ông đã làm đơn khiếu nại quyết định thu hồi của UBND huyện, nhưng không hiểu năm 2007 ông Lê Văn Hiền căn cứ trên luật nào mà ra “Quyết định đình chỉ giải quyết khiếu nại” của các ông.
Ông Lương Văn Trong – Phó Chủ tịch Liên chi hội Nuôi trồng thủy sản nước lợ huyện Tiên Lãng thừa nhận các thông tin trên và cho biết, không chỉ với chủ đầm Vũ Tiến Dũng, Hoàng Văn Đỏ, các chủ đầm khác khi nhận quyết định thu hồi của UBND đều có đơn khiếu nại lên UBND huyện và đều nhận được quyết định đình chỉ giải quyết đơn thư khiếu nại.
“Nếu kiến nghị lên TP.Hải Phòng thì lại bị cho là vượt cấp, nên chúng tôi không biết kêu ở đâu” – ông Trong nói. Nhiều ý kiến cho rằng, các cơ quan chức năng ở TP.Hải Phòng và T.Ư cần thanh tra làm rõ động cơ thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng đối với ông Vươn và nhiều hộ khác.
Ông Nguyễn Văn Trí - chủ trang trại nuôi trồng thủy sản thị tứ Hưng Đạo, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương:
Vừa qua, tôi có xem báo nên biết vụ cưỡng chế thu hồi đất ở huyện Tiên Lãng, Hải Phòng. Thật đau xót, tôi chia sẻ với hoàn cảnh của ông Đoàn Văn Vươn, vốn liếng đã đổ hết vào trang trại giờ lại bị thu hồi thì làm sao có thể chịu đựng được. Tôi cũng rất lo lắng cho việc đầu tư làm ăn của mình.
Trang trại nuôi cá của tôi rộng 4ha, đầu tư trên 15 tỷ đồng, giờ Nhà nước mà thu hồi đất thì cả nhà tôi không biết sẽ ra sao. Tôi mong muốn Nhà nước sẽ cho thuê tiếp và thời hạn phải dài lâu từ 50 năm trở lên. Có như vậy chúng tôi mới yên tâm được. Chúng tôi đã viết hàng trăm đơn kiến nghị gửi lên UBND huyện Tứ Kỳ với mong muốn được tiếp tục thuê đất thế nhưng hoàn toàn không nhận được hồi âm gì.
Ông Hoàng Văn Châu - chủ trang trại ở TP. Hạ Long, Quảng Ninh:
Trang trại của tôi rộng 150ha làm tổng hợp nhiều thứ như trồng rừng, nuôi cá, nuôi lợn. Để có được như ngày nay, tôi đã phải đầu tư trên 40 tỷ đồng. Những ai xác định đầu tư cho trang trại tức là đầu tư dài hạn, sau nhiều năm mới gặt hái được thành quả. Vì vậy, Nhà nước cho thuê đất 20 - 30 năm chẳng ăn thua gì.
Cho thuê như vậy sẽ khiến cho chủ trang trại nơm nớp do dự không biết có nên đầu tư lớn hay không. Sắp tới lại đến thời hạn thu hồi đất, rồi sẽ như thế nào đây? Tôi nghĩ, Nhà nước nên kéo dài thời gian thuê từ 50 - 70 năm trở lên, lúc đó chúng tôi mới yên tâm đầu tư được, chứ để như sự việc cưỡng chế thu hồi đất ở Tiên Lãng, Hải Phòng xảy ra thì còn ai dám đầu tư mở trang trại.
Đình Thắng (ghi)
Mạnh Thắng