Người lao động được chăm lo tốt
Tại Hà Nội, báo cáo của Liên đoàn Lao động TP.Hà Nội cho thấy tình hình lao động tại các khu công nghiệp sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi đã bắt đầu ổn định. Bà Nguyễn Thị Tuyến - Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.Hà Nội cho biết, ngay trong những ngày làm việc đầu năm, lao động quay trở lại các khu công nghiệp làm việc đạt tỷ lệ cao, trên 98%. Để kiểm tra tình hình làm việc đầu năm và thăm hỏi, động viên công nhân, lao động, trong 3 ngày từ 12 - 14.2 Liên đoàn Lao động Hà Nội cũng đã tổ chức nhiều đoàn công tác đến làm việc tại các khu công nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Tuyến - Chủ tịch LĐLĐ TP.Hà Nội đi thăm và mừng tuổi đầu xuân cho công nhân trên địa bàn TP.Hà Nội. Ảnh: N.T
Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM, so với năm 2018, mức độ thiếu hụt lao động sau tết năm 2019 chỉ dưới 3%, mức độ dịch chuyển lao động cũng ở mức 15%. Nhưng trước đó, vào năm 2016, thiếu hụt lao động từ 3 - 4%, mức độ dịch chuyển lao động trong các doanh nghiệp bình quân từ 6 - 8%. |
Tại huyện Gia Lâm, Liên đoàn Lao động TP.Hà Nội đã đến chúc tết người lao động (NLĐ), đồng thời nắm tình hình công nhân lao động sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán tại Công ty Điện tử Stanley Việt Nam. Đây là doanh nghiệp liên doanh giữa Nhật Bản với Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội, chuyên sản xuất các loại đèn và linh kiện đèn cho ôtô, xe máy, sản phẩm điện tử. Hiện công ty có hơn 2.000 lao động, đa số là lao động tại địa phương.
Dịp Tết Kỷ Hợi 2019, nhờ làm tốt công tác chăm lo thực hiện chế độ chính sách cho NLĐ mà tỷ lệ lao động gắn bó, quay trở lại làm việc với công ty sau tết rất cao. Việc chi trả lương, thưởng dịp tết vừa qua cũng được Ban lãnh đạo công ty quan tâm. Ngoài ra, để nâng cao đời sống tinh thần của NLĐ, Ban Chấp hành Công đoàn phối hợp Ban lãnh đạo Công ty xây dựng một tổ hợp thư viện, phòng chơi thể thao, phòng tập yoga cho chị em lao động…
Theo lãnh đạo Công ty Điện tử Stanley Việt Nam, 100% công nhân của công ty đã đến nhà máy, bắt tay vào làm việc với khí thế hào hứng, quyết tâm hoàn thành tốt nhất các chỉ tiêu đặt ra trong năm 2019.
Không chỉ các doanh nghiệp ngành điện tử, nhiều doanh nghiệp ngành dệt may, thủy sản… cũng có những hoạt động thiết thực chăm lo tết cho công nhân. Đặc biệt, thay vì việc dồn lương, thưởng vào tết, các doanh nghiệp đã có những chiến lược trong việc trả lương, thưởng và chế độ phúc lợi theo kiểu rải đều trong năm. Cách làm này đã giúp giảm được đáng kể tình trạng lao động nghỉ việc, bỏ việc sau tết.
Tại Hưng Yên, nhiều doanh nghiệp dệt may, điện tử… cũng đã bắt đầu làm việc lại. Ông Nguyễn Xuân Dương – Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP May Hưng Yên cho biết, trước tết, 100% các doanh nghiệp trong tổng công ty đã hoàn tất việc chăm lo tết cho công nhân, lao động.
“So với những năm trước, năm 2018 tình hình kinh tế khởi sắc, đơn hàng nhiều nên doanh nghiệp làm ăn thuận “buồm xuôi gió” hơn. Vì thế, Tết Kỷ Hợi vừa qua, các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Dệt may Hưng Yên đã dành nhiều chế độ chăm lo, đãi ngộ tốt cho NLĐ. Nhiều đơn vị, công nhân còn đăng ký ở lại làm thêm dịp tết” – ông Dương nói.
Vẫn có nguy cơ thiếu hụt lao động phổ thông
Trái với những nhận định về thị trường lao động phổ thông khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), tại nhiều khu vực doanh nghiệp tư nhân, tình trạng công nhân “nhảy việc” lại khá cao. Ông Lê Quang Trung – Phó Cục trưởng Cục Lao động (Bộ LĐTBXH) cho biết, tỷ lệ người lao động có nhu cầu thay đổi việc làm sau tết thường ở mức khá cao. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây con số này đã giảm, thường chỉ dao động từ 30 - 40%.
Theo dự đoán của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM, thời điểm này các doanh nghiệp cần khoảng 30.000 NLĐ, tức là thiếu hụt lao động từ 3% đến dưới 5%. Trong đó, đáng chú ý một số ngành thiếu hụt với tỷ lệ cao từ 8 - 10% như dệt, may, chế biến, dịch vụ - phục vụ nhà hàng, khách sạn...
Ông Vũ Hồng Quang – Trưởng ban chính sách xã hội (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, qua theo dõi xu hướng việc làm trong nhiều năm trở lại đây thì thấy tình trạng lao động nghỉ việc sau tết đã giảm nhiều.
Mặc dù vậy, theo ông Quang, vẫn có một bộ phận lao động đưa ra quyết định nghỉ việc, điều này là không thể tránh khỏi trong bối cảnh thị trường lao động mở. Khi hội nhập kinh tế, cơ hội việc làm nhiều hơn, đương nhiên những lao động có chất lượng sẽ có cơ hội chọn lựa việc làm phù hợp. Chính bởi vậy, việc có một bộ phận lao động chuyển việc sau tết cũng là điều phù hợp.
Ông Lê Thanh Hải – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhận định, tình trạng “nhảy việc”, bỏ việc sau tết sẽ còn giảm nhiều trong các năm tiếp theo. Kinh tế trên đà phát triển, lao động cũng được nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng tay nghề có tác phong công nghiệp nên sẽ không còn cảnh “mải chơi tết, vui xuân” như những năm trước.