Đúng ngày này tròn 40 năm về trước, ngày 17.2.1979, nhà cầm quyền Bắc Kinh bất ngờ phát động cuộc tấn công xâm lược trên toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam với một quy mô lớn chưa từng thấy khi sử dụng tới 60 vạn quân cùng hàng trăm xe tăng và các loại vũ khí hạng nặng với mục tiêu "dạy cho Việt Nam một bài học"...
Quân xâm lược tràn qua các tỉnh biên giới phía Bắc, từ Cao Bằng, Lạng Sơn tới Quảng Ninh... đốt phá nhà cửa, cầu đường, giết hại dân thường vô tội. Tin chiến sự từ các tỉnh biên giới phía Bắc dội về khiến mọi người sôi sục.
Nhà thơ Lưu Quang Vũ trong khung cảnh hoang tàn của Lạng Sơn, tháng 2.1979. (Ảnh tư liệu gia đình)
Nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ lúc này đang làm việc tại Tạp chí Sân khấu. Anh đôn đáo, sốt sắng liên hệ với bạn bè đồng nghiệp ở các cơ quan ban ngành và các tờ báo lớn để tìm cách đi đến các tỉnh biên giới đang có chiến sự.
Sau vài ngày không có kết quả, anh rất sốt ruột và nảy ra suy nghĩ đề nghị chính tòa soạn báo tự tổ chức chuyến đi công tác. Rất may là ý tưởng đó được lãnh đạo và các đồng nghiệp nhiệt tình ủng hộ. Sau khi tìm hiểu, bàn bạc, thị xã Lạng Sơn là địa điểm được lựa chọn.
Đoàn công tác rất nhanh chóng được hình thành gồm có: Nhà thơ Lưu Trọng Lư (Tổng Biên tập), nhà viết kịch Xuân Trình (Phó Tổng biên tập), nhà báo Nguyễn Ánh, Lưu Quang Vũ, Nguyễn Thị Minh Thái là những phóng viên, biên tập viên của tòa soạn Tạp chí Sân khấu.
Đặc biệt, trước ngày lên đường, vợ của Lưu Quang Vũ là nhà thơ Xuân Quỳnh được bổ sung vào danh sách đoàn công tác, nhờ sự ủng hộ nhiệt tình của nhà báo Nguyễn Thị Minh Thái.
Quân và dân ta ở các tỉnh biên giới phía Bắc, trong đó có Lạng Sơn, đã anh dũng chiến đấu ngăn chặn bước tiến của quân xâm lược bành trướng Trung Quốc tháng 2.1979. (Ảnh tư liệu)
Vậy là chỉ vài ngày sau khi chiến sự nổ ra, Lưu Quang Vũ cùng đoàn công tác của cơ quan đã có mặt ở thị xã Lạng Sơn. Chuyến đi bằng ô tô khá vất vả, nguy hiểm, dọc đường phải ghé vào nhà dân nấu cơm ăn. Khi đến trạm canh gác ở cửa ngõ thị xã Lạng Sơn, những người có trách nhiệm cho biết tình hình chiến sự vẫn căng thẳng, kẻ thù đã tuyên bố rút quân nhưng không chịu thực hiện, vẫn có tổn thất, hy sinh.
Mặc dù đoàn công tác đã tận mắt chứng kiến nhiều thi thể dân thường cũng như người bị thương được chuyển ra khỏi thị xã, biết được tính chất khốc liệt của cuộc chiến đấu, nhưng trưởng đoàn Xuân Trình và các thành viên đều nhất trí, quyết định xin vào tới tận trung tâm thị xã Lạng Sơn. Không một ai chịu đến đây rồi quay về.
Chuyến đi đó dù không dài nhưng đã để lại một ấn tượng sâu đậm và dữ dội trong Lưu Quang Vũ. Chính vì vậy, khi trở về Hà Nội, anh thường nói đến khung cảnh thị xã nhỏ bé, xinh xắn với con sông Kỳ Cùng thơ mộng nay bị tàn phá tiêu điều, bị băm nát bởi đạn pháo của kẻ thù.
Buổi đêm anh chong đèn ngồi làm việc, hàng loạt sáng tác lấy cảm hứng từ cuộc chiến đấu quả cảm của quân dân ta được ra đời trong thời gian này, trong đó phải kể tới những sáng tác nổi tiếng như bài thơ “Viết ở Lạng Sơn” và truyện ngắn “Trang viết cuối cùng” với nguyên mẫu là nhà báo liệt sĩ Bùi Nguyên Khiết - phóng viên báo Hoàng Liên Sơn đã anh dũng hy sinh đúng vào ngày 17.2.1979. Các sáng tác trên đều đã được công bố kịp thời trên các báo Văn Nghệ, Nhân Dân ngay trong thời điểm đó.
Những câu thơ, những con chữ được chắt chiu từ chính hiện thực cuộc chiến đấu vệ quốc oai hùng của quân dân ta đã được nhà thơ viết ra, càng làm đậm nét thêm trang sử chống ngoại xâm kiên cường, bất khuất của dân tộc Việt Nam.
...Phẩm giá của Việt Nam bất khuất
Trí tuệ của Việt Nam vằng vặc
Từ trận đầu từ trang đầu đã viết
Chương Bình Ngô Đại Cáo của thời nay.
Sau đây, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bạn đọc bài thơ "Viết ở Lạng Sơn" nhân kỷ niệm 40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc anh hùng của quân và dân ta.
Bài thơ "Viết ở Lạng Sơn" của Lưu Quang Vũ đăng trên báo Nhân Dân số ra ngày 5.3.1979. (Nguồn: Thư viện Quốc gia Việt Nam)
VIẾT Ở LẠNG SƠN Lòng cả nước lại hướng về biên giới bắc Những làng xanh núi xanh Những thị trấn áo chàm Bập bùng lửa sáng Đồng bào tản cư rời bản Dân quân về nhận đạn Tiếng còi xe, tiếng ngựa, tiếng loa vang Bộ đội đi trập trùng Đường Cao – Lạng như ngày đánh Pháp Chỉ huy sở trên sườn núi dốc Chính ủy – người lính cũ Của tiểu đoàn Phủ Thông Trải bản đồ trên sạp nứa Điểm tên những trung đoàn Từng diệt Mỹ ở An Lão, Đèo Nhông Từng đuổi ngụy ở Sa Huỳnh, Buôn Ma Thuột… Lần này, giặc đến từ phương bắc 190 năm sau trận Đống Đa, ta lại thấy mày Lũ Liễu Thăng, Tôn Sĩ Nghị đời nay Chưa vào đến Chi Lăng, đã bị quằn nanh vuốt!
Cây số không tới Tam Lung, Cao Lộc Đồi cây xanh, đồi Chậu Cảnh, mỏm Thâm Ô… Giặc phơi thây trên từng thước đất của ta Lũ kẻ cướp mà đeo sao trên mũ Lũ xâm lược chặt đầu trẻ nhỏ Lũ lang sói luôn đổi thay mặt nạ Ôi Trung Hoa, người hàng xóm của ta Những làng thôn cùng chung một tiếng gà Giờ dao chém vào ta từ phía ấy Vụ phản bội lớn nhất, xấu xa đê tiện nhất thế kỷ này!
Cả nước gửi lòng mình ra mặt trận Những thung lũng đỉnh đồi nắng gắt Các chiến sĩ thân yêu Đang đương đầu với giặc Trong bụi đất trong khói đạn Những công dân trẻ măng Đang xông lên phía trước Phẩm giá của Việt Nam bất khuất Trí tuệ của Việt Nam vằng vặc Từ trận đầu từ trang đầu đã viết Chương Bình Ngô Đại Cáo của thời nay. Mặt trận Lạng Sơn 24.2.1979 Lưu Quang Vũ |