Dân Việt

Trùm hụi “thổi bay” hàng trăm tỷ đồng của dân

17/01/2012 08:04 GMT+7
(Dân Việt) - Muốn xem cuộc sống của người dân thế nào thì mời tới chợ... Tôi cũng tìm tới chợ Phú Minh - ngôi chợ khang trang cách nhà bà Nguyễn Thị Cúc - trùm hụi đã “thổi bay” mấy trăm tỷ đồng của dân trong vùng.

Chợ xác xơ, người hiu hắt

Hiếm có địa phương nào có ngôi chợ được xây cất rộng rãi và quy củ đến vậy. Những ki ốt vuông chằn chặn, nằm theo ô, theo hàng thẳng tắp. Tuy nhiên, tất thảy các kiốt ấy đều đóng cửa, chỉ duy nhất có hàng vàng mã hoạt động.

Nhác thấy bóng chúng tôi, bà Nhàn - chủ cửa hàng vàng mã đó vẫy lấy vẫy để. Đon đả, bà mời chào với những lời khuyến mãi vô cùng hấp dẫn. Thú thật, từ trước tới nay, tôi chưa thấy ai bán hương, vàng mã lại giảm giá, khuyến mãi tới tấp như bà.

img

Mua hàng xong, dường như có nhu cầu trò chuyện, bà cố víu chúng tôi lại. Bà bảo, một mình bà ở nơi “hoang đảo” này buồn lắm. Mà cũng buồn thật. Giá ở ngoài đường còn thấy người qua kẻ lại chứ ở mãi trong này thì… tuyệt đối cô đơn. Hơn tháng trước, bà còn có bạn, đó là cô gái bán túi da ở ki ốt bên cạnh nên còn có người để lời ra tiếng vào cho qua ngày dài quạnh quẽ. Thế nhưng, sang tháng này, không có khách ghé qua, sợ trắng tay, sợ mất Tết, cô gái ấy đã khuân hết hàng sang tận Bắc Ninh để bán.

Theo bà Nhàn, ngày trước khi chợ mới xây xong, tiền đang rủng rỉnh, nên người ta tranh nhau đấu thầu, mua ki ốt. Thời gian đầu, chợ này tấp nập chẳng khác gì chợ ngoài thành phố. Thế nhưng, khi cơn lốc hụi đen tràn qua đã cuốn phăng sự hưng thịnh đó. Và, đến giờ thì tất thảy đều khóa cửa bỏ đấy. Nhiều tiểu thương muốn nhượng lại quầy với giá rẻ hơn giá thầu ban đầu rất nhiều nhưng cũng chẳng có ai mua lại.

“Nghĩ mình bán đồ mã, năm hết Tết đến có thế nào thì người ta cũng phải mua nên tôi cố cầm cự chứ không thì cũng đóng cửa nằm nhà cho khỏe!” - bà Nhàn thở dài.

Năm nay, ngoài những đồ vàng mã truyền thống, bà Nhàn nhập về rất nhiều những xấp tiền cả của ta lẫn của Tây. Bà suy luận, dân thiếu tiền thật thì ắt sẽ mua tiền giả về đốt. Ai chả mong ước các cụ phù hộ để gia đình mình được sung túc, tiền lại rủng rỉnh, đầy két như xưa…

Chợ Chảy ở xã Văn Nhân còn ảm đạm hơn. Ngày tiễn ông Công ông Táo về trời đã cận mà giữa giờ cao điểm, chợ chỉ lèo tèo vài bóng người. Tìm mỏi mắt mà vẫn chẳng thấy ở ngôi chợ này chút gì gọi là hương vị Tết. Giữa chợ, cũng chỉ có mấy bà lão bán đồ mã và vài hàng quần áo. Năm ngoái, giờ này, chợ đã ngập tràn hoa quả, rồi đào, quất, cây cảnh- những mặt hàng do người nơi khác mang đến.

Thấy tôi hí hoáy chụp ảnh, đoán biết chúng tôi là nhà báo, một chủ cửa hàng quần áo bảo: “Các chú về cứ viết là dân chúng tôi năm nay buồn lắm, nghèo lắm, chẳng có Tết đâu! Đấy các chú xem, đến giờ này rồi mà chẳng bán chác gì được thì Tết nhất nỗi gì!”.

Nàng xuân xa vắng

Đã gần trưa nhưng ông Lê Hồng Tuyến - Chủ tịch UBND xã Văn Nhân vẫn đang tất bật với công việc. Ông bảo, xã đang lên kế hoạch để giúp đỡ những hộ nghèo trên địa bàn có Tết. Hỏi chuyện người dân chuẩn bị Tết so với mọi năm thế nào, ông Tuyến lắc đầu, thở dài thườn thượt: “Năm nay buồn lắm các anh ạ, chưa thấy không khí Tết ở đâu. Khi sáng, bảo anh em đi mua cây quất để đặt ở sảnh ủy ban, thế nhưng đi mấy vòng mà chả thấy nơi nào bán!”.

Các chú về cứ viết là dân chúng tôi năm nay buồn lắm, nghèo lắm, chẳng có Tết đâu!

Theo ông Tuyến, tuy là dân trong xã vẫn giữ nghề nông, nhưng nguồn thu từ nông nghiệp lại rất thấp, chỉ chiếm 29%. Nguồn thu chủ yếu lại từ các nghề phụ và những hoạt động thương mại. Do vậy, khi tín dụng đen vỡ, đời sống của người dân đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Làng nghề đình đốn do thiếu vốn, các hoạt động thương mại thì dường như tê liệt hoàn toàn do người dân đã thực sự… hết tiền. “Tiền năm nay mới là tiền xương máu đấy các anh ạ. Mà đã là tiền xương máu thì ai dám chi tiêu, thế nên chưa thấy Tết về cũng phải!” - ông Tuyến bộc bạch.

Theo “hồi tưởng” của người đứng đầu chính quyền xã này thì năm ngoái, dân xã ông lo sắm sửa tết từ đầu tháng Chạp. Khi đó, ai cũng nghĩ kiếm tiền là việc dễ hơn trở bàn tay. “Cứ có cuốn bìa đỏ, đi thế chấp vay lấy độ hơn tỷ đồng, rồi cho tín dụng đen vay lại, ngồi chơi không một tháng cũng bỏ túi mấy chục triệu bạc, không sắm sửa thì để làm gì! Năm ngoái, tầm này, các quán nhậu ở ngoài thị trấn tưng bừng lắm! Có ai nghĩ là mình đang ăn chơi bằng chính tiền đi vay của mình đâu! Khi chủ hụi bỏ trốn thì mới ngã ngửa ra là bị lừa đấy chứ!”.

Xuân đang gõ cửa khắp mọi đường quê khiến người người nô nức. Thế nhưng, ở tâm “bão hụi” Phú Minh, Văn Nhân thì dường như chẳng ai mong ngóng xuân về, tết đến.