Clip: Du khách thả 190 con chim trước khi khai ấn đền Trần.
Trước giờ khai ấn đền Trần xuân 2019, hàng nghìn du khách có mặt tại khu di tích đền Trần - chùa Tháp để vãn cảnh và thắp nén nhang tâm linh.
Nhiều năm nay, ban quản lý di tích đền Trần - chùa Tháp cấm mang lễ mặn vào trong cung Thiên Trường nên du khách chỉ lễ hương hoa, bánh kẹo.
Chiều 18.2, một nhóm du khách có mặt tại đền Thiên Trường, trước ban thờ ngoài sân họ đã thả 190 con chim cầu mong may mắn, tiền tài.
Từ 23h ngày 18.2 (14 tháng Giêng Âm lịch) đến 1h sáng ngày hôm sau sẽ diễn ra lễ khai ấn.
Mọi công tác chuẩn bị cho lễ khai ấn và phát ấn (sáng 19.2) được ban tổ chức lễ hội đền Trần - chùa Tháp chuẩn bị kỹ lưỡng.
Hàng rào ngăn cách dòng người xô đẩy vào đêm khai ấn và buổi phát ấn ngày mai được nhân viên an ninh, phục vụ chuẩn bị.
Lễ phát ấn sẽ diễn ra vào 5h sáng ngày 19.2 (15 tháng Giêng âm lịch) tại ba đền Cố Trạch, Trùng Hoa, Thiên Trường.
Hòm công đức được các thủ đền chuẩn bị từ chiều 18.2.
Lễ khai ấn đền Trần sẽ diễn ra trang trọng, đúng nghi lễ truyền thống với 3 nghi thức: dâng hương, rước kiệu ấn và khai ấn tại Tiên Miếu nhà Trần (đền Thiên Trường) với ý nghĩa phát huy truyền thống dựng nước, giữ nước của dân tộc, đồng thời thu hút khách thập phương về dự lễ hội.
Lễ khai ấn do đại diện người cao tuổi của phường Lộc Vượng, đại diện một số ban ngành của thành phố Nam Định chứng kiến nghi lễ đóng dấu khai ấn vào 14 cánh ấn
Chiều 18.2, bên trong các đền tại khu di tích đền Trần - chùa Tháp tấp nập người đi lễ.
Từ 18h tối nay, hơn 2.000 cán bộ cảnh sát được tăng cường sẽ thường trực 100% quân số tại đền Trần để triển khai phương án đảm bảo an ninh trật tự đồng thời ban tổ chức cũng đã lắp đặt camera an ninh để ngăn ngừa và phát hiện những hành vi không đúng chuẩn mực, gây phản cảm để đảm bảo mùa lễ hội văn minh, an toàn.
Khai ấn Đền Trần Xuân Kỷ Hợi 2019 là năm thứ 8 Nam Định thực hiện theo đề án đổi mới công tác tổ chức lễ hội đền Trần (gồm lễ khai ấn đầu xuân và lễ hội truyền thống Trần Hưng Đạo). Theo đánh giá của Ban tổ chức lễ hội, qua 7 năm (2012-2019) triển khai, công tác quản lý và tổ chức lễ khai ấn đầu xuân vẫn còn nhiều tồn tại cần khắc phục: Các hình thức kinh doanh dịch vụ, hàng quán bày bán tràn lan trước khuôn viên di tích gây mất trật tự, ảnh hưởng đến cảnh quan lễ hội. Việc thắp hương, đốt vàng mã còn nhiều, gây lãng phí và ảnh hưởng đến môi trường. Nạn hành khất, đổi tiền lẻ, cướp lộc ấn vẫn còn. Ý thức của một bộ phận người tham gia lễ hội chưa tốt dẫn đến tình trạng chen lấn xô đẩy. Để hạn chế tình trạng chen lấn, xô đẩy nhau khi đi xin lộc ấn, ban tổ chức lễ hội sẽ bắt đầu phát ấn cho người dân từ sáng sớm ngày 15 tháng Giêng (tức ngày 19.2). Địa điểm phát ấn tại nhà giải vũ, nhà trưng bày và Đền Trùng Hoa. Ngày 16 tháng Giêng tổ chức tế, lễ tiết Thượng nguyên tại Đền Cố Trạch và lễ hồi kiệu Ngọc Lộ từ đền Trần về Chùa Phổ Minh (Chùa Tháp). Lễ hội đền Trần xuân Kỷ Hợi vẫn tiếp tục thực hiện đầy đủ 3 nghi lễ truyền thống là khai ấn, rước kiệu Ngọc Lộ và rước nước tế cá. Ngoài ra, để ngăn chặn tình trạng du khách nhảy vào cướp lộc, ban tổ chức đã đề ra giải pháp, sau khi khai ấn sẽ thu dọn hết đồ lễ trên ban thờ, đồng thời tuyên truyền mạnh tới người đi lễ không nên chen lấn, cướp lộc hay có những hành vi thiếu văn minh, văn hóa nơi công cộng. |