Những ngày gần đây, khi các phương tiện truyền thông ở VN đang “nhắc nhiều đến anh” thì Quang Diệu vẫn cần mẫn làm việc tại Viện nghiên cứu Max-Planck, CHLB Đức.
“Chúng tôi rất ngại nói về con mình. Khoe khoang đã xấu, khoe khi con mình chưa giỏi lại càng xấu hơn”, GS TSKH Nguyễn Văn Khuê mở đầu.
Vợ chồng "giáo sư cha" Nguyễn Văn Khuê |
Tôn trọng tư duy độc lập của con
37 tuổi đã là giáo sư, không thể nói là “con ông bà chưa giỏi” được?
Bà Dương Thị Chung: Thành tích “giáo sư trẻ nhất” Việt Nam chỉ là một “kỷ lục” vui vui thôi. Trong vài năm tới, chắc chắn sẽ có nhiều bạn trẻ thành công hơn thế. Theo tôi, danh hiệu chỉ là “ảo”, kiến thức mới “ở lại lâu” với mình.
GS Nguyễn Văn Khuê: Tất nhiên, muốn thành đạt cũng phải có khả năng. Nhưng, khả năng của Diệu cũng bình thường thôi.
Được biết, GS Khuê là một nhà Toán học. Vậy, ông bà bắt đầu hướng con theo nghiệp Toán từ khi nào?
Bà Chung: Khi còn nhỏ, Diệu sống với mẹ là nhiều vì bố đi nghiên cứu sinh ở nước ngoài. Tôi là dược sỹ, hoàn toàn không biết gì về Toán cả. Những gì tôi làm được cho con, chủ yếu là luôn ở bên, giúp con khơi gợi niềm đam mê học tập.
Bố Diệu khá nóng tính, nhiều khi thấy con không như ý là nổi giận. Tôi thì lấy “nhu thắng cương”. Không hiểu Toán học nhưng tôi luôn trân trọng và đón nhận tất cả những gì mà con chia sẻ trong Toán học.
Chẳng hạn?
Bà Chung: Ngày Diệu còn nhỏ, mỗi khi tôi đi làm về, Diệu lại chạy ra khoe hôm nay con mới nghĩ ra một định luật mới. Gọi là định luật thế thôi chứ thực ra đó chỉ là những trò chơi ngẫu hứng của con trẻ. Tôi rất mừng và luôn dành thời gian nghe con… trình bày.
Tôi làm cho con một cuốn sổ nhỏ, Diệu đặt tên là cuốn Hồ sơ thần chết và ghi vào đó tất cả định luật mình nghĩ ra. Đi trên đường, nhìn thấy có đoạn tre thẳng, tôi lại nhặt về để về vót que tính cho con.
Hồi đó nhà còn nghèo lắm, nhưng thấy Diệu có khả năng học, tôi rủ vài gia đình, tự tìm thầy mở lớp học thêm cho con ngay tại nhà, trong căn phòng chỉ rộng hơn 10m2. Khái niệm học thêm thời đó đúng nghĩa là… học thêm chứ không tiêu cực như nhiều người nghĩ bây giờ.
Đại gia đình Giáo sư Nguyễn Quang Diệu |
Đầu tư cho con nhiều như vậy, ông bà có đặt ra mục tiêu cụ thể cho con?
Bà Chung: Tôi chẳng đặt mục tiêu gì cả. Lúc nhỏ, năm nào Diệu cũng đi thi HS giỏi Toán nhưng… toàn trượt. Không sao. Với tôi, thấy con khỏe mạnh, hạnh phúc, hứng thú học là tốt rồi. Nói chung, tôi hạn chế tối đa việc mắng con, chê con.
GS Khuê: Mẹ không đặt kỳ vọng nhưng bố thì có. Đó là lý do vì sao tôi đặt tên con là Quang Diệu, theo tên của Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu. Sự kỳ vọng của tôi càng lớn khi thấy Diệu mới học lớp 1 mà đã hý hoáy giải được Toán lớp 2, học lớp 2 giải được toán lớp 3. Nhưng, khi con lớn dần, tôi nhận thấy khả năng của con chỉ… được thôi chứ không đặc biệt. Vì thế, tôi không tạo áp lực lên con nữa.
Cùng là người trong nghề, lại là “bậc tiền bối”, ông có hay trao đổi với con về Toán không?
GS Khuê: Tôi để Diệu độc lập tư duy. Từ khi học phổ thông, Diệu đã quen tự học, tự suy nghĩ, tự đọc sách, tài liệu. Sau này, khi cùng công tác tại khoa Toán trong trường ĐH Sư phạm, tuần một lần, tổ bộ môn của chúng tôi tổ chức một buổi seminar.
Nếu cần hai cha con trao đổi tại đó, thẳng thắn bình đẳng trên phương diện của hai nhà khoa học. Còn về nhà, tôi tôn trọng con. Thấy tôi giúp được thì Diệu sẽ hỏi. Còn không, tôi cũng không can thiệp. Diệu là người ít nói và thường chỉ “khoe” khi công trình đã thành công.
Trung thực là con đường tốt nhất trong khoa học
Bà thường dạy con những gì, ngoài tính tự lập?
Bà Chung: Tôi đề cao tính trung thực. Với những người làm khoa học thì trung thực là vô cùng cần thiết.
Vậy bà có... trung thực với con không?
Bà Chung: Dạy con trung thực không gì tốt hơn qua hành động của cha mẹ. Là dược sỹ, nếu “khôn khéo” tôi cũng có thể kinh doanh được. Nhưng, tôi lại không biết nói dối nên đành gác mộng làm giàu, chấp nhận sống bằng lương.
Khi Diệu còn bé, tôi công khai cả tình hình tài chính trong gia đình cho các con. Tôi chỉ cho con thấy, tiền lương chỉ có ngần này, phải chi vào ăn uống, sách vở nên các con đừng đòi hỏi mẹ mua thứ này thứ nọ. Tôi bảo, nhà mình chỉ có thể hơn nhà khác ở sự sạch sẽ. Vì thế, các con hãy cố lau dọn, giữ gìn nhà cho sạch.
Còn “giáo sư cha” đã bao giờ phải “xin xỏ” giúp con chưa?
GS Khuê: Khi con làm hồ sơ PGS, có người hỏi hình như tôi viết hộ con báo cáo. Tôi trả lời: Tôi còn không đọc xem con viết gì. Đến lần Diệu nộp hồ sơ để phong danh hiệu giáo sư vừa qua, GS. TSKH Trần Văn Nhung, Tổng thư ký Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước cũng hỏi tôi: Tại sao tôi viết chung nhiều công trình với nhiều người nhưng trong hồ sơ của con, không thấy “đồng tác giả Nguyễn Văn Khuê”. Đúng là tôi chưa bao giờ viết chung với con. Cha hộ con lúc sống, cha chết đi thì con sẽ thế nào. Cha mẹ chỉ cho con kiến thức, lòng tự trọng con sẽ phải tự quyết định cuộc đời của mình.
Anh là tác giả của 35 bài báo khoa học, trong số đó có 4 bài báo đăng ở các tạp chí quốc gia và 30 bài đăng ở các tạp chí quốc tế nằm trong danh mục SCI và SCIE. Nhiều ĐH nổi tiếng thế giới như ĐH Phúc Đán - Trung Quốc, ĐH Niigata (Nhật Bản), ĐH Toulouse - CH Pháp, Viện Max Planck - CHLB Đức, ĐHQG Seoul và ĐHQG Chonnam - Hàn Quốc... đã mời anh là cộng tác viên khoa học.