Nhưng, hoá ra để giữ được nếp nhà thời hiện đại, cái gì cũng phải học, và chuyện đi học làm vợ chồng lại càng cần thiết.
Những bài học giữ lửa yêu thương
Gọi là lớp học tiền hôn nhân nhưng thực ra thành phần đến đây học rất đa dạng. Có cặp chuẩn bị kết hôn, có cặp đã kết hôn và có con, có người vừa chia tay người yêu, thậm chí có người còn chưa có người yêu… Khác với thái độ rụt rè ban đầu, chỉ sau một thời gian ngắn bắt tay vào buổi học, các học viên đã trở nên rất cởi mở và sẵn sàng chia sẻ.
Cảnh các học viên tại lớp học “làm vợ chồng” |
Một buổi học ở Trung tâm Đào tạo phát triển Cộng đồng CTD bắt đầu lúc 7 giờ tối. Bài giảng về giao tiếp của Thạc sĩ Phan Bích Thủy bắt đầu bằng một bài tập. Mỗi người sẽ viết ra một tờ giấy trắng một câu nói của chồng/ vợ, hay người yêu khiến họ cảm thấy bị tổn thương nhất. Sau đó, mọi người cùng trao đổi và tìm một cách diễn đạt khác để câu nói ấy làm sao vẫn truyền đạt được thông tin cho đối phương mà không khiến họ cảm thấy bị tổn thương.
Theo Thạc sĩ Thủy, vấn đề mà các cặp đôi gặp nhiều nhất trong cuộc sống hiện đại ngày nay là giao tiếp. Thường khi yêu người này rất để ý quan tâm đến thái độ của người kia. Nhưng khi đã thành vợ chồng, ít khi họ để ý đến cách nói như thế nào để không làm tổn thương nhau.
Có những người bên ngoài ăn nói dịu dàng, dễ nghe, văn hóa bao nhiêu thì về nhà nói năng cộc lốc, thiếu tế nhị bấy nhiêu. Chẳng hạn, có anh khi muốn góp ý vợ ăn mặc gọn gàng hơn thì lại đi so sánh với người yêu cũ của mình khiến cho vợ đau lòng và tủi thân. Hoặc hai người yêu nhau có thể làm tổn thương nhau bằng ngôn ngữ không lời chẳng hạn như ánh mắt coi thường, cái nhếch mép khinh bỉ, nhăn trán, cau mày, thở dài, không nhìn vào mắt… đều là những biểu hiện của ngôn ngữ không lời tiêu cực.
Rất nhiều người không để ý đến những tác hại của nó thì rất lớn, có thể gây ra cho đối phương một loạt các phản ứng sinh học tiêu cực như tăng nhịp tim, tăng huyết áp, stress, trầm cảm… Vì vậy, lớp học sẽ giúp các học viên giảm bớt ngôn ngữ tiêu cực, tăng ngôn ngữ tích cực.
Đến các lớp học tiền hôn nhân, các đôi sẽ được tham gia các bài tập thú vị. Chẳng hạn như vẽ tranh để học cách diễn đạt chính xác thông điệp mình muốn nói. Mỗi người sẽ vẽ một bức tranh sau đó hướng dẫn người kia bằng lời để vẽ lại bức tranh của mình.
Ban đầu mọi người đều thấy việc này thật dễ dàng nhưng khi xem kết quả thì thấy bức tranh sau khác xa với bức tranh ban đầu. Nghe những bài giảng và áp dụng các ví dụ vào bản thân, các đôi sẽ biết cách tìm hiểu nguyên nhân gây nên bất đồng trong gia đình mình.
Cuộc sống càng hiện đại, hôn nhân càng phải được chăm sóc
Chị Phạm Thùy Linh, một học viên chia sẻ: “Càng ngày mình càng thấy việc giữ lửa trong hôn nhân thời hiện đại vô cùng quan trọng. Trong cuộc sống vợ chồng cần những kỹ năng sống mà không phải ai cũng. Nhìn xung quanh có rất nhiều bạn bè ngoại tình, ly hôn, rồi tới lúc hôn nhân của mình gặp vấn đề, mình mới thấy vợ chồng cần phải trang bị những kỹ năng sống cần thiết để chăm sóc và bảo vệ hạnh phúc”.
Hoàn cảnh gia đình chị Linh rất đặc biệt, chị làm việc tại Việt Nam nhưng chồng chị hiện đang công tác ở Mỹ. Cứ khoảng vài tháng anh chị mới gặp nhau một, hai tuần. Chị Linh kể: “Xa nhau là thế nhưng mỗi lần gặp nhau là xảy ra mâu thuẫn cho đến khi anh ấy “hết phép”. Ở nhà một mình chăm sóc hai con nhỏ, chồng đi xa biền biệt, có chút thời gian gần nhau mình cũng muốn kêu ca, than vãn một chút.
Những lúc ấy, mình chỉ ước chồng có vài lời an ủi thì anh ấy lại lớn tiếng rằng đã làm thì đừng kêu, đã kêu thì đừng làm. Nghe vậy, mình càng giận và những ngày vợ chồng gần nhau hiếm hoi ấy chỉ toàn giận dỗi và cãi nhau. Nhưng tham dự lớp học rồi, nghe các chuyên gia giải thích về sự khác nhau giữa đàn ông và phụ nữ mình cũng hiểu hơn về chính bản thân, và biết cách điều chỉnh.
Giờ đây mỗi lần anh ấy về là mình lại thấy tràn ngập yêu thương. Tuy vẫn phải xa chồng nhưng mình cảm thấy rất hạnh phúc. Ngày nào hai vợ chồng cũng online để chat với nhau. Tết này hai mẹ con mình sẽ sang Mỹ ăn Tết với anh ấy đấy…”.
Một điều rất thú vị là sau khi học xong, chị Linh trở thành cộng tác viên tự nguyện của trung tâm, mình muốn đem những kiến thức học được chia sẻ với mọi người xung quanh, chẳng hạn như các bạn gái chưa chồng ở công ty, hay những người còn băn khoăn về việc lựa chọn bạn đời như thế nào. Những câu chuyện mà bản thân mình đã trải qua cũng là những bài học mình chia sẻ cho các bạn ấy”.
Chị Lưu Thị Lịch, thạc sĩ Tâm lý học và cũng là người tổ chức lớp học chia sẻ, có những người mặc dù yêu nhau nhưng không biết cách thể hiện ngôn ngữ tình yêu thế nào để chạm được đến trái tim người kia nên nhiều khi bị ám ảnh là người kia không yêu mình, không hết lòng với mình.
Hay có anh vì vợ quá ghen và anh không biết làm thế nào nên cũng tìm đến lớp học để được chia sẻ, tư vấn… Chính vì vậy, theo chị Lịch, những lớp học tiền hôn nhân thực chất là sự ứng dụng của khoa học tâm lý vào trong đời sống, giúp họ tháo gỡ khó khăn bằng những cách điều chỉnh suy nghĩ, hành động để mọi thứ trở nên ổn thỏa hơn.
Thạc sĩ Thủy cho biết, sau mỗi khóa học của chị rất nhiều học viên đề nghị có thêm những khóa nâng cao. Bản thân chị cũng đã gặp nhiều trường hợp đến gặp để xin tư vấn sâu. Điều đó khiến chị tin rằng, những lớp học tiền hôn nhân như thế này sẽ còn phát triển, đặc biệt là khi xã hội càng hiện đại, càng có nhiều nguy cơ đe dọa sự bền vững của gia đình.