Tối 18.2 (14 tháng Giêng Âm lịch), chùa Phúc Khánh (Đống Đa, Hà Nội) tổ chức lễ cầu an. Dù đại lễ cầu an diễn ra vào 19h tối nhưng trước đó nhiều giờ, người dân đã đổ về chật cứng từ trong ra ngoài chùa.
Chùa Phúc Khánh có lịch sử từ thời Hậu Lê, vốn là cơ sở đào tạo tăng tài cho Phật giáo. Ngôi chùa cổ kính và linh thiêng này thường có hàng chục nghìn, thậm chí hàng trăm nghìn người đổ về mỗi dịp đầu năm để dự lễ cầu an, lễ dâng sao giải hạn…
Do quá tải, nhà chùa phải cho đóng cổng. Những người đến sau 5h chiều buộc phải thuê ghế nhựa ngồi làm lễ bên ngoài cổng chùa. Nhiều người đứng lên thành cầu vượt Ngã Tư Sở để làm lễ.
Các ngõ ngách xung quanh chùa cũng rơi vào tình trạng chật cứng người đến dự lễ.
Đường Tây Sơn chật cứng người ngồi lễ một đoạn dài quanh khu vực cầu vượt Ngã Tư Sở.
Người dân ngồi ngoài cũng chắp tay, hướng về phía cổng chùa, thành tâm cầu xin cho một năm gặp được nhiều điều may.
19h, lượng người dự lễ chật cứng phía trước cổng chùa, lực lượng công an trật tự phường Ngã Tư Sở phải dựng rào chắn. Tuy nhiên, các phương tiện đi qua vẫn gặp tình trạng ách tắc do người dân ngồi tràn xuống phần lớn lòng đường.
Hàng rào sau đó được nới rộng ra lấy không gian cho người làm lễ. Phần lòng đường bị thu nhỏ lại, chỉ vừa cho người đi bộ, các phương tiện lưu thông qua đây buộc phải đi lên cầu vượt.
Khắp nơi trong đám đông người dự lễ có các tình nguyện viên giơ dòng chữ "Đi dự lễ không để lại rác cũng là công đức" để nhắc nhở người dân giữ gìn vệ sinh môi trường.
Sống ngay cạnh chùa, chị Thu Hương chia sẻ, năm nay vợ chồng chị đều gặp sao hạn nên dù đã dâng sao giải hạn, chị vẫn nhất định làm thêm lễ cầu may cho yên tâm. "Nhà tôi ở ngay cạnh chùa nên không phải chen chúc, đến giờ chùa làm lễ tôi ra ban công nhà mình là dự lễ được luôn", chị Hương chia sẻ.
20h, buổi lễ cầu an kết thúc, người dự lễ từ trong chùa đổ ra ngoài đường như ong vỡ tổ.
Ngoài đường, đám đông chen chúc nhau, nhiều người phải vác ghế nhựa qua đầu để di chuyển.
Khu vực các bàn phát lộc quanh chùa cũng không phải ngoại lệ, mọi người chen nhau lấy lộc.
Đến chùa làm lễ cầu may, em Như Quỳnh (Mỹ Đình, Hà Nội) cho biết, em đi lễ từ 4 rưỡi nên may mắn được vào bên trong trước khi chùa đóng cổng. Tuy nhiên, ở bên trong dòng người chật cứng nên em cũng phải chen chúc khá mệt suốt thời gian diễn ra lễ.